Theo dõi Báo Hànộimới trên

Định vị thương hiệu du lịch Hưng Yên

Bài và ảnh: Bảo Khánh| 29/05/2022 05:30

(HNMCT) - Vào thế kỷ XVI - XVII, Hưng Yên là vùng đất phát triển với thương cảng Phố Hiến được mệnh danh là “Tiểu Tràng An”, chỉ đứng sau Thăng Long - Hà Nội. Ngày nay, Hưng Yên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có vị trí “cửa ngõ” của Thủ đô Hà Nội và sở hữu nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhờ nguồn tài nguyên văn hóa, lịch sử, sinh thái phong phú. Tuy nhiên, nhiều năm qua du lịch Hưng Yên vẫn “loay hoay” tìm cách bứt phá để định vị thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam…

Chùa Mễ Sở - một di tích nổi tiếng của Hưng Yên.

Tài nguyên du lịch phong phú

Cách đây khoảng 5 thế kỷ, Hưng Yên có vị trí là trung tâm của trấn Sơn Nam, nơi có thương cảng Phố Hiến lớn nhất Đàng Ngoài và là đầu mối giao lưu quốc tế sầm uất nhất lúc bấy giờ. Đô thị Phố Hiến phát triển cực thịnh vào khoảng thế kỷ XVI - XVII. Nếu như Thăng Long - Hà Nội có 36 phố phường thì Phố Hiến - “Tiểu Tràng An” cũng tự hào với 23 phường, thị, trong đó nổi bật là hệ thống di tích liên quan đến quá trình người Hoa di cư đến đây sinh sống, lập nghiệp như đền Thiên Hậu, Đông Đô Quảng Hội, Võ Miếu...

Toàn tỉnh hiện có 1.802 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 3 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (Khu di tích Phố Hiến, chùa Thái Lạc và đền An Xá) cùng 175 di tích cấp quốc gia, 6 bảo vật quốc gia. Nhắc đến Hưng Yên, không thể không nhắc đến những di tích còn giữ được vẻ cổ kính, mộc mạc, mang nét đặc trưng văn hóa của vùng Đồng bằng Bắc Bộ như Văn Miếu Xích Đằng - biểu tượng tôn vinh truyền thống hiếu học; chùa Chuông - “Phố Hiến đệ nhất danh thắng”; đình - chùa Hiến, nơi nổi tiếng với cây nhãn tổ 700 năm tuổi; chùa Mễ Sở - nơi lưu giữ Bảo vật quốc gia tượng Phật Quan Âm Thiên thủ thiên nhãn...

Ngoài ra, Hưng Yên còn sở hữu hệ thống di sản văn hóa phi vật thể vô cùng đặc sắc như Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung, Lễ hội đền Phù Ủng, Lễ hội Ông Đùng Bà Đà (Lễ hội đền Đậu An). Hưng Yên còn là vùng đất của những đặc sản nổi tiếng, gồm nhãn lồng “Vương giả chi quả”, bún thang lươn Phố Hiến, ếch om Phượng Tường, tương Bần, gà Đông Tảo, bánh răng bừa Phụng Công... Đây là nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, là nền tảng để Hưng Yên xây dựng thành những sản phẩm du lịch đặc trưng.

Du lịch nông nghiệp sẽ tạo đà bứt phá

Mặc dù sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng như vậy, nhưng có thể thấy, du lịch Hưng Yên chưa tạo được dấu ấn hay gây ấn tượng với du khách. Thừa nhận những hạn chế còn tồn tại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng lý giải nguyên nhân do công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn nhiều hạn chế; hệ thống cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu; chất lượng sản phẩm du lịch thấp; nguồn nhân lực còn thiếu và yếu... nên lượng khách đến Hưng Yên ít, thời gian lưu trú ngắn.

Để khơi dậy và khai thác tiềm năng du lịch Hưng Yên, ông Cao Quốc Chung, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty Vidotour tại Hà Nội cho rằng, tỉnh cần đồng hành cùng các doanh nghiệp, kết nối các điểm đến, dịch vụ để xây dựng bộ sản phẩm tour, tuyến với lộ trình khép kín từ 1 - 2 ngày, tránh tình trạng rời rạc, manh mún như hiện nay. “Hưng Yên có thể xây dựng sản phẩm trải nghiệm sông Hồng như cách Bến Tre làm với sản phẩm Trải nghiệm sông Mê Kông. Phải có sản phẩm đặc thù để dễ tiếp cận và gây ấn tượng với du khách, đồng thời các doanh nghiệp địa phương và các tỉnh thành khác có thể hợp tác, bán sản phẩm” - ông Chung nói.  

Gợi ý về việc xây dựng sản phẩm đặc trưng, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Vietsense Nguyễn Văn Tài cho rằng, Hưng Yên nên đầu tư xây dựng tuyến đường dành riêng cho du lịch, với con đường ven đê mang vẻ đẹp điển hình của vùng nông thôn Bắc Bộ, kết hợp phát triển farmstay (loại hình lưu trú nông trại) tại Làng nghề trồng hoa, cây cảnh Phụng Công (huyện Văn Giang) và các điểm tham quan lân cận như Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, Khu đô thị Ecopark... nhằm tạo điểm nhấn trong hành trình tour và kéo dài thời gian lưu trú của du khách. 

Theo ông Dương Xuân Tráng, Giám đốc Sản phẩm Công ty Mai Việt Travel cho rằng: Du khách quốc tế, đặc biệt là khách Pháp rất thích tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa bằng xe đạp theo từng nhóm nhỏ. Hưng Yên với lợi thế gần làng cổ Bát Tràng (Hà Nội), lại có nhiều điểm di tích và làng cổ, Khu di tích Phố Hiến... có thể xây dựng thành những sản phẩm tour hấp dẫn mang thương hiệu Phố Hiến.  

Đồng tình với những quan điểm này, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Quý Phương cho rằng, Hưng Yên cần đẩy mạnh thương hiệu gắn với sản phẩm khác biệt như “Phố Hiến về đêm”, bao gồm các trải nghiệm dịch vụ độc đáo gắn với ẩm thực truyền thống, qua đó đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm, đóng góp cho kinh tế - xã hội của địa phương. Theo ông Phương, du lịch nông nghiệp cũng là một trong những định hướng phát triển của du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Vì thế, Hưng Yên cần tận dụng triệt để lợi thế là địa phương “về đích” nông thôn mới thứ 3 của cả nước để đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, tạo đà cho ngành Du lịch toàn tỉnh bứt phá và tăng trưởng một cách bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Định vị thương hiệu du lịch Hưng Yên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.