(HNM) - Công nghiệp văn hóa (CNVH) là một hiện tượng mới của kỷ nguyên toàn cầu hóa, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ.
Trước đây, nói về giá trị văn hóa chúng ta thường chỉ đặt nặng vấn đề bảo tồn, lưu giữ và khai thác những giá trị văn hóa sẵn có mà chưa chú ý đến thúc đẩy sáng tạo những giá trị mới, chưa mở được cánh cửa khai thác tiềm năng kinh tế khổng lồ từ lĩnh vực mang tính tinh thần này, một nguồn lợi mà nhiều quốc gia đã biết cách khai thác vô cùng hiệu quả.
Trong hội nhập quốc tế, phát triển CNVH được xem là công cụ hiệu quả để văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đặc trưng của ngành CNVH chính là công nghiệp sáng tạo, sản xuất, phổ biến, tiêu dùng các giá trị văn hóa bằng phương thức công nghiệp hóa. Những sản phẩm được tạo ra có sự kết hợp giữa giá trị văn hóa với công nghệ, kỹ thuật để tạo nên giá trị kinh tế. Do đó, muốn xây dựng CNVH trước hết phải thay đổi quan niệm coi sự nghiệp văn hóa là ngành nghề phi sản xuất không đem lại của cải cho xã hội, từ đó hình thành một hệ thống chính sách phù hợp, và có sự đầu tư tương xứng.
CNVH là một phần của công nghiệp sáng tạo - “sản phẩm” của thời kỳ hội nhập, vì thế để biến tiềm năng thành thế mạnh, đưa CNVH trở thành những trụ cột của nền kinh tế, trước mắt phải khuyến khích tài năng sáng tạo, phát huy được tối đa tài năng, tri thức của thế hệ trẻ; truyền cảm hứng và thúc đẩy một thế hệ mới những người sản xuất và tiêu dùng văn hóa.
Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực vốn đã thành công trong phát triển CNVH, điển hình như Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc có chính sách khuyến khích công nghiệp điện ảnh và âm nhạc, ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư, chăm lo đào tạo thế hệ tài năng mới… Với những đột phá táo bạo, Hàn Quốc đã chứng minh việc có thể chuyển hóa giá trị lớn lao của văn hóa thành nguồn lợi kinh tế khổng lồ. Tại Việt Nam, một ví dụ về thành công “chuyển hóa giá trị văn hóa sang giá trị kinh tế” chính là bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (năm 2015), có mức doanh thu vượt trội, nhưng cũng được đánh giá cao về hiệu quả phát triển từ sáng tạo và đổi mới tư duy.
Có thể thấy, đầu tư cho CNVH là vô cùng quan trọng. Cần thiết phải có một hệ thống chính sách phù hợp, có hành lang pháp lý thuận lợi cho quá trình sản xuất và tiêu dùng văn hóa. Bởi nếu không có những đầu tư thích đáng để thúc đẩy sáng tạo thì không những chúng ta sẽ bỏ lỡ một nguồn lợi kinh tế lớn, mà còn tụt hậu trong việc cung ứng những sản phẩm, dịch vụ mang giá trị văn hóa đến với công chúng (cả trong và ngoài nước), tạo cơ hội cho những sản phẩm văn hóa lệch lạc xâm nhập vào đời sống xã hội. Ngoài ra, trong tầm nhìn chiến lược, cũng cần thiết hình thành một số tập đoàn lớn về CNVH có thể ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa; đồng thời định vị một số địa phương có thể đầu tư trở thành các trung tâm về CNVH và kinh tế sáng tạo, dần vươn ra khẳng định vị thế trong khu vực và thế giới.
Nghị quyết số 33-NQ/TƯ ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI) nhấn mạnh - "phát triển CNVH nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới". Như vậy, từ văn hóa để phát triển kinh tế và ngược lại kinh tế phải tôn vinh được các giá trị văn hóa, giá trị hồn cốt, tinh túy của văn hóa dân tộc. Việc định vị giá trị của công nghiệp sáng tạo là để chúng ta đổi mới tư duy, không chỉ tự giới hạn tầm nhìn văn hóa dân tộc trong phạm vi bảo tồn, giữ gìn bản sắc mà còn biến văn hóa thành nguồn lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.