Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đình mới Trung Phụng

ANHTHU| 27/06/2005 08:26

Trong khi một số ngôi đình chưa xếp hạng ở nội thành đang lâm vào cảnh đổ nát, có nguy cơ biến mất thì ở phường Trung Phụng - quận Đống Đa tình hình diễn biến ngược lại. Bằng sự đóng góp của dân, đình Trung Phụng đang được xây dựng. Đây là một việc làm hay, đáng để các phường bạn tìm hiểu, suy ngẫm.

Trong khi một số ngôi đình chưa xếp hạng ở nội thành đang lâm vào cảnh đổ nát, có nguy cơ biến mất thì ở phường Trung Phụng - quận Đống Đa tình hình diễn biến ngược lại. Bằng sự đóng góp của dân, đình Trung Phụng đang được xây dựng. Đây là một việc làm hay, đáng để các phường bạn tìm hiểu, suy ngẫm.

Xã Trung Phụng thời Nguyễn thuộc tổng Hữu Nghiêm - huyện Thọ Xương, nằm trùng với địa bàn phường Trung Phụng bây giờ. Xã Trung Phụng gồm hai thôn Thị Trung và Phụ Thánh hợp lại. Theo ông Giang Quân, có tên Phụng Thánh là bởi ở giáp Thái Kiều của thôn này xưa có cung Tả Phụng Thánh tráng lệ nguy nga của chúa Trịnh. Hiện nay, tại thôn Phụng Thánh còn ngôi chùa thờ Phật. Chùa bị bom B52 phá hủy năm 1972, năm 1973 được dựng lại và đến năm 1988 đã được Nhà nước xếp hạng. ở thôn Thị Trung còn ngôi đền thờ mẫu Liễu Hạnh kiến trúc cổ kính, ngoài cổng đắp 4 chữ “Thị Trung linh từ”. Ngoài ra, ở Trung Phụng còn có đình Khâm Đức, đình Tô Tiền, đình Trung Kính...

Vào những ngày giữa tháng 6 này, có dịp đến phường Trung Phụng, theo lối ngõ 165 phố chợ Khâm Thiên đi vào, bạn thấy trên đất Văn Chỉ của làng Trung Phụng xưa, xuất hiện một ngôi đình mới dựng - đang bước vào giai đoạn hoàn thiện. Ông Phùng Vũ, Chủ tịch MTTQ phường cho biết, trước đây xã có ngôi đình thờ Cao Sơn đại vương, vị thần được thờ ở tứ trấn Thăng Long. Đình xưa có 3 gian 2 chái, phía trước có khoảnh sân rộng. Cạnh đình là đền Mẫu và Văn Chỉ, phía trước có giếng nước và những cây cổ thụ. Do nhiều năm không được chăm sóc, đình bị dột nát, đến năm 1978 thì đã bị giải hạ. Dấu tích duy nhất còn lại đến nay là cột trụ cổng, đỉnh cột gắn một con nghê. Một số đồ thờ cũng được chuyển sang đền Thị Trung ở ngay bên cạnh. Sau đó, một ban thờ thần được lập ngay tại gian bên trái đền chính. Tại đây còn ngai thờ và bài vị sơn son thếp vàng; một đôi hia, một bát hương gốm, phía trước đắp nổi rồng chầu mặt trời; một câu đối tạo năm Mậu Dần (1878) đời vua Tự Đức; một bức hoành, của một người họ Phùng cung tiến năm Tân Mão đời Thành Thái, có khắc bốn chữ “Duy nhạc giáng thần”, mỗi chữ cỡ 40cm được người xưa thể hiện bằng nét bút rất đẹp. Ngoài ra đền còn giữ được 5 sắc phong thần của các vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định phong thần Cao Sơn là “Thượng đẳng tối linh thần”.

27 năm đã trôi qua, dẫu hình hài đình Trung Phụng không còn nhưng cái phần cốt lõi của di tích vẫn còn đó. Hằng ngày, người chủ đền ngoài việc đèn hương thờ thánh Mẫu còn lo cả việc đèn hương thờ thánh Cao Sơn. Không thể để “nghịch cảnh” ấy kéo dài, một số người có tâm huyết với lịch sử làng từ lâu mong muốn được dựng lại ngôi đình. Ước nguyện chính đáng ấy của dân đã thấu tới chính quyền các cấp. Năm 2004, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, HĐND phường đã ra nghị quyết ủng hộ; UBND và các đoàn thể quần chúng phối hợp bàn cách thực hiện. Ban xây dựng đình được thành lập do ông Chủ tịch UBMTTQ phường làm trưởng ban; đại diện các đoàn thể và hai đảng ủy viên cũng có mặt trong ban điều hành.

Đình Trung Phụng dựng trên diện tích 110m2, gồm 2 tầng. Phòng khách ở tầng một rộng 60m2; cung thờ đức thành hoàng 60m2 ở tầng hai. Kiến trúc công trình chắc chắn, đường nét mềm mại. ở tầng một, có 8 cột tròn đỡ sàn. Khung mái tầng hai đổ bê tông, ở câu đầu, xà đỡ, vì chồng giường đắp nổi rồng, mây, hoa lá. ở phía sau đình có cây đa cổ thụ hơn 150 năm tuổi nay vẫn được gìn giữ, cây tỏa bóng sum suê xuống mái đình lợp ngói ta.

Dự chi cho công trình hết hơn 300 triệu đồng, đều do nhân dân trong phường hào hứng đóng góp. Hiện đã có 37 gia đình công đức từ 1 triệu đồng trở lên. Gia đình ông Chủ tịch MTTQ phường công đức 5 triệu; ông Lê Văn Long đóng góp 20 triệu; ông Vũ Hữu Sâm ở 258 Lê Duẩn công đức 20 triệu và nhận trang trí nội thất, làm cửa võng, hoành phi, câu đối...

Khởi công ngày 19-3-2005, đình Trung Phụng sẽ tổ chức khánh thành vào cuối tháng 8-2005 đúng dịp kỷ niệm 60 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đình mới Trung Phụng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.