(HNM) - Các chuyên gia, kiến trúc sư từng đưa ra nhiều ý kiến khẳng định yêu cầu cấp thiết về định hướng quản lý, phát triển kiến trúc đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, đây đó vẫn còn tình trạng đô thị phát triển nhanh, nhưng bộ mặt kiến trúc manh mún, lộn xộn, nghèo nàn về hình thức, công năng công trình sớm bị lạc hậu.
Kiến trúc văn phòng “Kim tự tháp” tòa nhà Lilama (Hải Dương). |
Thạc sĩ, kiến trúc sư Đỗ Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia cho rằng, việc định hướng quản lý, phát triển kiến trúc đô thị và nông thôn hiện có nhiều hạn chế, bao gồm tình trạng xây nhà ở tại nông thôn thiếu quy hoạch cũng như không theo quy hoạch, phá vỡ cảnh quan kiến trúc, ảnh hưởng đến môi trường; nhiều công trình kiến trúc di sản tại các đô thị chưa được đánh giá đúng giá trị, bị xâm hại; thiếu chính sách, giải pháp, phương án, mô hình cụ thể trong việc xây dựng nhà ở và các công trình công cộng ứng phó với biến đổi khí hậu tại các khu vực thường xuyên bị thiên tai, bão lũ...
Còn theo Thạc sĩ, kiến trúc sư Lê Lan Phương, Phó Giám đốc Viện Nhà ở và Công trình công cộng: "Hiện nay, xu hướng đô thị hóa đang tác động mạnh mẽ đến không gian, kiến trúc của khu vực nông thôn. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu của cuộc sống mới, đô thị hóa phần nào đã làm ảnh hưởng đến quy hoạch, kiến trúc nhà ở, thậm chí phá vỡ không gian kiến trúc của vùng. Nói cách khác, kiến trúc nông thôn hiện nay không được quan tâm đầy đủ, gây nên sự hỗn độn, phá vỡ khung cảnh làng quê".
Thừa nhận thực trạng "kiến trúc Việt Nam phát triển đa dạng nhưng thiếu tính thống nhất và chưa có bản sắc riêng, thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, các công trình được tạo lập theo yêu cầu của chủ đầu tư, sở thích cá nhân của người thiết kế", Thạc sĩ, kiến trúc sư Hồ Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng) đã nêu ra hàng loạt vấn đề cần phải giải quyết. Ông khẳng định yêu cầu quán triệt quan điểm phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, chủ động phòng chống thiên tai...
Hiện nay, căn cứ đề cương Luật Kiến trúc đã được Quốc hội thông qua tháng 5-2017, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo Luật Kiến trúc, trong đó có phần về quản lý kiến trúc nông thôn, bao gồm quy định chung về không gian, kiến trúc cảnh quan nông thôn, các công trình công cộng nông thôn, quản lý kiến trúc nhà ở nông thôn, các khu chức năng tiểu thủ công nghiệp và làng nghề...
Liên quan đến vấn đề này, kiến trúc sư Đỗ Thanh Tùng cũng nhấn mạnh, cần phải xây dựng mới Chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam trong những năm tới, thay thế "Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020", được ban hành từ năm 2002, đến nay đã không còn phù hợp.
Với kiến trúc nông thôn là vậy, còn với việc quản lý kiến trúc đô thị, giải pháp "xây dựng thành phố xanh" cũng được giới kiến trúc sư đặc biệt quan tâm. Bàn sâu hơn về vấn đề này, kiến trúc sư Lê Thị Bích Thuận, Phó Tổng Thư ký Tổng hội Xây dựng Việt Nam nêu quan điểm: "Đô thị xanh chỉ nên áp dụng ở các đô thị nhỏ hoặc trung bình, ở đó, chúng ta có thể giữ gìn, bảo tồn văn hóa bản địa và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý". Cần thiết kế không gian xanh cho mục đích giảm chi phí năng lượng, lựa chọn và bố trí không gian mở có chức năng phục vụ đô thị như các công viên, mặt nước, cảnh quan, thảm cây xanh đô thị, khu thể thao, công viên giải trí, công viên văn hóa, khu du lịch, vườn thực vật, vườn ươm, khu bảo tồn thiên nhiên...
Có thể thấy, để làm tốt công tác định hướng quản lý, phát triển kiến trúc đô thị và nông thôn, rất cần sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, các kiến trúc sư và chuyên gia các ngành trong việc hoàn thành dự thảo Luật Kiến trúc, xây dựng mới Chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam trong những năm tới trên quan điểm có tính khả thi trong việc tổ chức thực hiện, làm công cụ pháp lý hiệu quả cho việc điều chỉnh toàn diện các hoạt động kiến trúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.