(HNM) - Thực hiện quy định tại Luật Kiến trúc năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020), Hà Nội đang đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, bổ sung các nội dung liên quan đến việc lập quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn thành phố. Không chỉ riêng với Thủ đô Hà Nội, công cụ pháp lý vừa mang tính kế thừa, vừa có những điểm mới này được kỳ vọng sẽ góp phần hình thành những đô thị có bản sắc, đồng bộ, hiện đại và phát triển bền vững.
Đô thị thiếu thống nhất, phát triển manh mún
Trên phạm vi cả nước, hơn hai thập niên qua đã chứng kiến tốc độ phát triển đô thị vượt bậc, với gần 1.000 khu đô thị mới ra đời. Bộ mặt kiến trúc lẫn hạ tầng kỹ thuật đô thị được hình thành mang dáng dấp hiện đại, tiện nghi hơn. Không ít khu đô thị đạt được thành công ở cả quy hoạch lẫn phong cách kiến trúc, như: Ecopark, Phú Mỹ Hưng, Vinhomes… Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Tất Thắng, Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng), đây chỉ là số ít trong khi phần lớn các đô thị còn phát triển manh mún, thiếu bản sắc, có xu hướng đồng nhất hóa về hình thái, cấu trúc và diện mạo kiến trúc.
“Các đô thị này thiếu tính nối kết không gian, không thống nhất về hình thái kiến trúc. Việc không tuân thủ các quy định trong xây dựng khá phổ biến. Bộ máy quản lý của Nhà nước thiếu hướng dẫn thực hiện. Việc xử lý vi phạm lại không nghiêm minh, không kịp thời, nên bộ mặt đô thị khá lộn xộn, không hài hòa, thiếu tính thống nhất trong tổng thể đô thị”, Tiến sĩ Nguyễn Tất Thắng phân tích.
Luật Kiến trúc năm 2019 đã quy định rõ, việc chuyển đổi các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, đã được các địa phương xây dựng trước đây, sang quy chế quản lý kiến trúc. Theo các chuyên gia, để thực hiện tốt việc quản lý kiến trúc, khắc phục những tồn tại nêu trên, các địa phương cần sớm xây dựng quy chế này. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng và bức thiết nhằm bảo đảm phù hợp với thực tế phát triển hiện nay, tránh những bất cập trong quá trình thực hiện sau này.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thúy Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia kỳ vọng, quy chế quản lý kiến trúc sẽ phát huy hiệu quả quản lý nhà nước trong việc bảo vệ các công trình kiến trúc và cảnh quan đô thị có giá trị, đồng thời, kiến tạo không gian kiến trúc, cảnh quan có chất lượng, từ tổng thể đến chi tiết cho các thành phố ở Việt Nam trong tiến trình phát triển, trong đó có Hà Nội.
Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, căn cứ Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, thành phố Hà Nội lập 39 quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị, trong đó 4 quy chế đã được UBND thành phố phê duyệt, gồm: Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chung thành phố Hà Nội; Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ; Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cũ; Quy chế quản lý kiến trúc công trình cao tầng khu vực nội đô và Quy chế quản lý kiến trúc quận Thanh Xuân do UBND quận Thanh Xuân phê duyệt. Với 35 quy chế đến nay chưa được phê duyệt, Sở đã báo cáo, xin ý kiến hướng dẫn của Vụ Quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng).
“Hà Nội đã xây dựng nhiều quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc, trong đó có những quy chế của khu vực đặc trưng. Mỗi quy hoạch phân khu ra đời đều gắn với quy chế quản lý. Trên cơ sở đó, Hà Nội có đủ cơ sở pháp lý để quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị. Thực hiện việc chuyển đổi sang quy chế quản lý kiến trúc, ngoài một số nội dung bổ sung thì vẫn có phần lồng ghép trong quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị trước đây nên thành phố hoàn toàn có đủ điều kiện để thực hiện”, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam khẳng định.
Ông Nguyễn Trúc Anh cũng thông tin, thực hiện Luật Kiến trúc năm 2019 và các nhiệm vụ được UBND thành phố giao về việc nghiên cứu, bổ sung các nội dung liên quan đến quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn thành phố; làm rõ việc xử lý đối với các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị đã được lập trước đây, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có văn bản đề nghị các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, UBND các quận, huyện, thị xã và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tham gia ý kiến một số nội dung liên quan. Hiện, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã tổng hợp ý kiến của các đơn vị, báo cáo UBND thành phố và dự thảo văn bản của UBND thành phố xin ý kiến Bộ Xây dựng.
Lưu ý về nội dung xây dựng quy chế quản lý kiến trúc đô thị, Tiến sĩ Nguyễn Tất Thắng nêu ba vấn đề quan trọng, gồm: Bảo tồn, môi trường và phát triển. Ngoài ra, cần tôn trọng ý kiến của cộng đồng xã hội trong mọi kiến tạo, đặc biệt đối với các đô thị lịch sử, di sản hiện hữu. Việc xây dựng quy chế quản lý, quản trị và vận hành cần chú ý tới vấn đề kinh tế đô thị cũng như tuân thủ nghiêm ngặt về chỉ tiêu mật độ dân số, khống chế mật độ cư trú.
Theo Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, thành phố Hà Nội cần tổng kết việc thực hiện những quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị trước đây, làm rõ hơn một số yếu tố, yêu cầu về kiến trúc vì đây là yếu tố gắn với định hướng mới trong phát triển văn hóa công nghiệp và dịch vụ kinh tế đô thị hiện nay. Để có những quy chế quản lý kiến trúc mới, đồng bộ, tạo ra đột phá thì cần phải kết hợp với nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung, đặc biệt quy hoạch mới giai đoạn 2021-2030, trên cơ sở đó quy chế quản lý kiến trúc mới phát huy được sức sống lâu bền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.