(HNM) - Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, người thầy vĩ đại của Đảng ta, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đã để lại cho chúng ta bản Di chúc đặc biệt quý báu, trong đó thể hiện sự kết tinh tinh hoa tư tưởng, đạo đức, phong cách và tâm hồn cao đẹp của Người. Di chúc là một bản định hướng lớn, tổng quát cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam...
Định hướng mục tiêu tổng quát của chủ nghĩa xã hội
Sau khi tiếp cận Chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh không đưa ra định nghĩa có tính hàn lâm, học thuật về chủ nghĩa xã hội, nhất là trong bối cảnh nhân dân ta dưới ách áp bức của chế độ phong kiến thực dân đa phần còn mù chữ, sao có thể dùng lý luận cao siêu để tuyên truyền về chủ nghĩa xã hội được. Vì vậy, Người dùng những từ ngữ rất mộc mạc, giản dị, gần gũi để trả lời cho câu hỏi chủ nghĩa xã hội là gì?
Theo Người, chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động; chủ nghĩa xã hội là mọi người dân được áo ấm cơm no, nhà ở tử tế, được học hành.
Tóm lại, chủ nghĩa xã hội phát triển làm cho xã hội Việt Nam ngày càng tiến lên, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, là xã hội làm sao cho dân giàu, nước mạnh, có điều kiện đóng góp vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Sau này, trong Di chúc, Hồ Chí Minh viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”... Càng đọc kỹ Di chúc, chúng ta lại càng thấy rõ một điều rằng: Độc lập cho dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân là mục tiêu trước sau như một của Hồ Chí Minh...
Chúng ta cũng thấy rõ một dự cảm có tính cương lĩnh của thời kỳ mới, thời kỳ hòa bình, xây dựng, khôi phục đất nước sau chiến tranh; dự cảm và mẫn cảm của đổi mới và phát triển, tiến lên cùng thời đại; thể hiện sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Hồ Chí Minh đã suốt đời theo đuổi.
Vì vậy, “điều mong muốn cuối cùng” của Hồ Chí Minh xét về bản chất là mục tiêu chung cho thời kỳ hoàn thiện chế độ dân chủ nhân dân và tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Như vậy, tư tưởng của Người trong Di chúc đã định hướng và định hình mục tiêu tổng quát của xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta sẽ xây dựng ở Việt Nam...
Định hướng cụ thể những nhiệm vụ chủ yếu
Quan điểm về chủ nghĩa xã hội của Hồ Chí Minh còn được thể hiện cụ thể trên những lĩnh vực, bình diện chủ yếu của đời sống xã hội như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... và được kết tinh lại trong Di chúc thiêng liêng của Người.
Định hướng về chính trị: Chủ nghĩa xã hội là một xã hội do nhân dân lao động làm chủ. Xã hội đó thiết lập được một tổ chức nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Muốn xây dựng được xã hội xã hội chủ nghĩa thì phải có Đảng Cộng sản - đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc Việt Nam lãnh đạo. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà trong Di chúc, việc trước hết Người viết là “nói về Đảng”.
Bác đã nhấn mạnh đến sự đoàn kết là yếu tố quyết định cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Người yêu cầu: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Đồng thời, Hồ Chí Minh còn yêu cầu: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.
Định hướng về kinh tế trong Di chúc, Người đã căn dặn rằng, cần có kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn sau chiến tranh; “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế”, khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế để thực sự đưa đất nước thành một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Về văn hóa, theo Người, chủ nghĩa xã hội gắn liền với văn hóa và văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Hồ Chí Minh thấy được vai trò to lớn của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và chính vì vậy, Người đòi hỏi trong công cuộc kiến thiết nước nhà có 4 vấn đề cần phải chú ý, phải coi trọng đó là chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội...
Do đó, trong Di chúc, Người đã căn dặn “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Di chúc còn định hướng về con người - xã hội. Người luôn có niềm tin sắt đá, tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Vì vậy, bản Di chúc còn cho chúng ta thấy những dự cảm, tầm nhìn xa đến kỳ lạ của Người. Theo Người, nếu đánh Mỹ và thắng Mỹ đã đòi hỏi nhiều gian khổ, hy sinh thì công cuộc xây dựng đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh còn là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn.
Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm. Do vậy, trước khi đi xa, Người căn dặn Đảng và Nhà nước ta phải quan tâm và thực hiện tốt chính sách xã hội đối với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, bộ đội, thanh niên xung phong, phụ nữ, nông dân và mọi tầng lớp trong xã hội, thậm chí đến cả những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi hoàn toàn.
Như vậy, tư tưởng bao trùm trong toàn bộ Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tình yêu thương, tin tưởng vào con người và cố gắng thực hiện những điều tốt đẹp cho con người, vì con người...
50 năm đã trôi qua, nhưng những tư tưởng, tình cảm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta vẫn là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Tuy nhiên, bối cảnh mới đã và đang đặt ra vô vàn thách thức, nguy cơ đan xen với thời cơ, vận hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày nay sẽ còn rất dài và lắm chông gai.
Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cần phải nhận thức sâu sắc thực tế đó, thực hiện những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, tận dụng, phát huy tốt nhất thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức trong thời đại mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.