Theo dõi Báo Hànộimới trên

Định hướng chiến lược kinh doanh trên nền tảng số trong thời kỳ nhiều biến động

Lam Giang| 01/03/2023 10:52

(HNMO) - Ngày 1-3, tại Hà Nội Bộ Công Thương phối hợp với sàn thương mại điện tử Alibaba.com tổ chức Hội nghị Định hướng chiến lược kinh doanh trên nền tảng số trong thời kỳ VUCA (thời kỳ có nhiều biến động phức tạp).

Hội nghị thu hút gần 300 đại biểu từ các đơn vị, tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương khai mạc hội nghị. Ảnh: L.Giang

Phát biểu khai mạc, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong khuôn khổ hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại và sàn thương mại điện tử Alibaba (Alibaba.com), hai bên đã triển khai thành công nhiều sự kiện quốc tế như: Hội nghị Thương mại điện tử quốc tế B2B Alibaba.com năm 2021, Hội nghị quốc tế “Xuất khẩu trực tuyến qua nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com” năm 2022 và khai trương “Gian hàng quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavilion năm 2022. Đây là không gian hàng hóa Việt Nam trên Alibaba.com, tập hợp giới thiệu các thương hiệu uy tín, sản phẩm chất lượng, các câu chuyện thành công của các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu.

Ngoài ra, có hơn 200 khóa huấn luyện, đào tạo được Bộ Công Thương phối hợp với Alibaba.com triển khai trên toàn quốc, tập trung vào các nội dung như: Nhận thức về chuyển đổi số, tiếp cận với phương thức kinh doanh trên nền tảng số, cách thức vận hành gian hàng số, bán hàng trực tuyến (livestream)…

Năm 2023 là năm bản lề trong việc thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, việc số hóa các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác xúc tiến là một nội dung quan trọng trong chủ trương xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, phía doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động, tích cực trong việc tìm hiểu thông tin, cơ chế, chính sách, nghiên cứu thị trường..., đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu, phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại xây dựng kế hoạch và tham gia hoạt động xúc tiến thương mại để đón đầu cơ hội từ thị trường, đặc biệt là các thị trường có hiệp định thương mại tự do.

Ông Roger Luo, Giám đốc Alibaba.com khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: L.Giang

Ông Roger Luo, Giám đốc Alibaba.com khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho hay, thông qua dữ liệu xuất khẩu của Việt Nam những năm qua, có thể thấy, hàng hóa của Việt Nam đang đứng hàng đầu trong nhu cầu thu mua của thế giới. Sản phẩm từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam luôn được đánh giá cao về chất lượng thành phẩm, kỹ năng xuất khẩu cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Bên cạnh đó, 50% nhà xuất khẩu từ Việt Nam đang được đánh giá ở mức KA (nhà xuất khẩu có hạng sao cao), điều này thể hiện xu hướng đầu tư theo chiều sâu ngày càng nhiều hơn của các doanh nghiệp Việt Nam vào thương mại điện tử.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, xuất khẩu Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng 6% trong năm 2023, mở ra kỳ vọng kinh doanh mới cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có các bước chuẩn bị tương ứng, trong đó, các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là thương mại điện tử, cần được áp dụng nhiều hơn. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu giúp tiết giảm chi phí để vượt qua khó khăn hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Định hướng chiến lược kinh doanh trên nền tảng số trong thời kỳ nhiều biến động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.