(HNM) - Theo kết quả do Bộ Nội vụ Pháp công bố ngày 12-6, đảng Nền Cộng hòa tiến bước (LREM) của tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng liên minh là đảng trung hữu Phong trào Dân chủ (MoDem) đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Hạ viện Pháp vòng 1, với 32,32% số phiếu bầu...
Cử tri bỏ phiếu vòng 1 bầu Hạ viện tại điểm bầu cử ở TP Nice (miền Nam nước Pháp). |
Cuộc bầu cử Hạ viện Pháp vòng 1 được tổ chức trong bối cảnh có nhiều yếu tố thuận lợi cho đảng LREM. Kể từ năm 2002, cử tri Pháp luôn dành sự ủng hộ cho đảng của tổng thống đương nhiệm. Diễn ra chỉ hơn một tháng sau cuộc bầu cử tổng thống, về cơ bản, đa phần cử tri vẫn ủng hộ và tin tưởng vào cam kết của nhà lãnh đạo do chính họ bầu ra. Người dân Pháp kỳ vọng các nghị sĩ của đảng LREM do ông E.Macron lãnh đạo sẽ là những người hiện thực hóa cương lĩnh tranh cử của vị tổng thống 39 tuổi này. Những gì Tổng thống E.Macron thể hiện trong khoảng thời gian ngắn vừa qua không chỉ chứng tỏ bản lĩnh của ông mà còn gây ấn tượng mạnh mẽ trên bình diện quốc tế.
Với tỷ lệ ủng hộ áp đảo có được ở vòng 1, đảng LREM non trẻ cùng liên minh được dự đoán có thể đi từ con số 0 lên tới 445 ghế trong tổng số 577 ghế Hạ viện ở vòng 2 của cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 18-6. Nếu dự đoán của giới phân tích trở thành hiện thực, đây sẽ là tỷ lệ đa số quá bán lớn nhất trong lịch sử nước Pháp kể từ sau chiến tranh lạnh và cũng là tỷ lệ ủng hộ cao nhất dành cho một tổng thống Pháp trong 60 năm qua.
Ngay sau khi nhậm chức, tân Tổng thống E.Macron cũng thẳng thắn thừa nhận, ông cần sự ủng hộ của cử tri cho đảng LREM để hiện thực hóa các cam kết tranh cử. Quyền lực của tổng thống chỉ thực sự phát huy nếu có sự hậu thuẫn của Quốc hội. Nếu cử tri Pháp lựa chọn một Quốc hội không đồng thuận với Tổng thống E.Macron, các nghị sĩ mới có thể gạt bỏ nội các mà ông vừa khởi động tháng trước và xây dựng một bộ máy mới.
Tuy nhiên, nhiều học giả nhận định ông E.Macron vẫn đang tận hưởng “tuần trăng mật” kể từ khi nhậm chức, đồng thời bày tỏ hoài nghi, liệu một đảng mới đi vào hoạt động có thể chiếm tới quá bán (289 ghế) trong tổng số 577 ghế tại Quốc hội hay không khi mà nhiều ứng viên còn chưa được cử tri biết đến rộng rãi. Bên cạnh đó, đảng MoDem - một đồng minh quan trọng của LREM - đang bị điều tra sơ bộ vì nghi ngờ sử dụng trợ lý giả mạo tại Nghị viện Châu Âu. Các công tố viên Pháp cũng đã công bố các cuộc điều tra về một hợp đồng bất động sản cách đây vài năm trong đó có sự tham dự của Bộ trưởng Quy hoạch phát triển Richard Ferrand.
Tính đến thời điểm này, có thể thấy nền chính trị Pháp đang được định hình lại từ những thay đổi tương quan giữa các lực lượng, trong đó đảng LREM đang nắm giữ vị trí trung tâm. Hai đảng chính trị lớn và có truyền thống lâu đời là đảng Xã hội và đảng Những người Cộng hòa vốn thay phiên nhau nắm quyền trong suốt 60 năm qua đã chịu thất bại nặng nề. Cảnh báo của hai đảng này về việc nền dân chủ Pháp sẽ không “lành mạnh” nếu đảng của ông E.Macron giành thế “độc quyền” trên chính trường dường như không được cử tri lưu tâm. Thậm chí một vài chính trị gia thuộc đảng Xã hội và đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia đã công khai cho rằng LREM có thể giành được đa số phiếu.
Có một vấn đề được cho là dễ phá hỏng mọi dự đoán là việc số cử tri đi bầu thấp kỷ lục trong vòng 1 (chỉ khoảng 49%) có thể dẫn tới những kết quả bất ngờ trong vòng 2. Ngay cả khi giành được tỷ lệ đa số quá bán tại Quốc hội, đảng do tân Tổng thống E.Macron dẫn dắt vẫn sẽ phải đương đầu với những vấn đề mà các đảng chính trị lâu đời cũng từng gặp như tỷ lệ thất nghiệp cao, nền kinh tế trì trệ, tình trạng nhập cư và những nguy cơ an ninh hiện hữu.
Dẫu vậy, rõ ràng tân Tổng thống E.Macron đã vượt qua cuộc sát hạch đầu tiên trên con đường hiện thực hóa cam kết mang tới tương lai tươi sáng cho nước Pháp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.