(HNMO) - Ngày 3-2, Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi Sóc Trăng thông tin về việc điều trị thành công trong 29 ngày cho bé gái sinh năm 2014 bị uốn ván nặng.
Theo đó, đầu tháng 1-2023, Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi Sóc Trăng tiếp nhận từ y tế tuyến dưới bé gái T.T,N, sinh năm 2014, ngụ tại phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng trong tình trạng lơ mơ, gồng người, cứng hàm. Bé có 1 vết thương 1x2 cm, sưng đỏ, loét ở mặt trước cẳng chân phải, 1 vết thương 2cm ở lòng bàn chân trái.
Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bé bị uốn ván toàn thể, nên cấp cứu cho thở oxy ẩm qua cannula mũi 3l/p; kháng sinh; chống phù não; điều trị bằng huyết thanh uốn ván. Do bé tiếp tục có biểu hiện nặng, các bác sĩ phải mở khí quản, cho bé thở máy, dùng thuốc an thần, giãn cơ...; tiên lượng nặng.
Sau 17 ngày điều trị, tình trạng bệnh cải thiện, bé không còn gồng người. Bệnh nhi được ngưng thuốc an thần, giãn cơ, tự thở. Sau 29 ngày điều trị, bé được chuyển từ Khoa Cấp cứu sang Khoa Nhiễm nhi. Hiện tại, bé tỉnh, ăn uống được, môi hồng/ khí trời, chi ấm, mạch rõ, tim đều, phổi không ran, bụng mềm, chỗ mở khí quản không rỉ dịch. Dự kiến 1 tuần nữa, bé sẽ xuất viện.
Qua ca bệnh này, các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh phải cảnh giác trước nguy cơ con trẻ có thể bị nhiễm uốn ván qua những vết thương hở, nhất là vết thương sâu, nhiễm đất bẩn, bụi bẩn, phân người hoặc gia súc, vết thương dập nát…
Việc xử lý ban đầu đối với các vết thương sâu bẩn cần phải thực hiện đúng cách: Bên cạnh cầm máu, cần rửa vết thương bằng nước muối hoặc nước sạch, loại bỏ đất bẩn, mảnh vụn nếu có. Với các vết thương nhiều ngóc ngách, chảy máu, dính nhiều đất, cát đòi hỏi cắt lọc, sử dụng oxy già, thường cần xử lý ở cơ sở y tế. Vết thương do động vật cắn cần rửa lại bằng xà phòng. Sau đó, có thể bôi các dung dịch sát khuẩn phù hợp và băng bó nhẹ nhàng bằng băng y tế vô khuẩn.
Không nên băng kín nếu vết thương chưa được vệ sinh tốt vì vi trùng uốn ván có thể phát triển thuận lợi trong môi trường kỵ khí, băng bó kín. Việc theo dõi, thay băng, kiểm tra vết thương hằng ngày cũng rất quan trọng. Nếu vết thương có tình trạng mưng mủ nhiễm trùng, cần tháo bỏ băng, làm sạch, để hở, hoặc đến cơ sở y tế để can thiệp xử lý triệt để vết thương. Tuyệt đối không dùng các phương pháp dân gian như đắp lá, rắc bột...
Bên cạnh chăm sóc vết thương, bác sĩ khuyến cáo cần tiêm dự phòng uốn ván đối với các vết thương dập nát, sâu bẩn, bao gồm tiêm huyết thanh ngừa uốn ván (SAT) đối với những người chưa tiêm ngừa đầy đủ, hoặc thời gian trên 10 năm. Sau đó, cần tiêm nhắc lại vắc xin uốn ván theo khuyến cáo của các đơn vị tiêm chủng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.