Bà Diệp Ngọc Sương và anh Trần Vũ Bình là con của những người anh hùng, những chiến sĩ cách mạng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Tiếp bước cha anh, bằng những cách khác nhau, họ cũng đã có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nuôi dưỡng niềm tự hào và quyết tâm vươn lên cho các thế hệ kế tiếp.
Học giỏi ở miền Bắc để xây dựng miền Nam
“Tôi đã ước nguyện như thế khi cùng mẹ tôi và các em đặt chân xuống con tàu tập kết tháng 10-1954, từ Cà Mau ra Bắc. Lúc đó, tôi mới 12 tuổi”, Tiến sĩ Diệp Ngọc Sương bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như thế. Người phụ nữ đã bước sang tuổi 84 vẫn minh mẫn và khúc triết khi nói chuyện, đúng với phong cách của một nhà khoa học.
Cha của bà là ông Diệp Ba (sinh năm 1917), đại biểu Quốc hội khóa 1. Ông sinh ra ở Tiền Giang, học trung học tại Sài Gòn rồi tốt nghiệp ngành Luật tại Hà Nội. Năm 1945, ông trở lại miền Nam hoạt động với vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Mỹ Tho rồi Giám đốc Công an Nam Bộ. Sau khi tập kết ra Bắc từ năm 1954 đến 1967, ông đảm nhận nhiều trọng trách tại Tòa án nhân dân Tối cao trước khi qua đời vì trọng bệnh. Ông Diệp Ba được Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý.
“Cha tôi như thế, nhưng lần đầu tiên tôi về Hà Nội năm 1955 khi mới 13 tuổi, đi bộ một mình từ Chèm đến Bờ Hồ đến gặp cha, ông gặp tôi đúng 5 phút và nói: "Con lo học hành đi, sau này còn xây dựng quê hương. Tự con là người quyết định tương lai của mình…”. Hồi đó, tôi chạnh buồn, nhưng lại thêm quyết tâm phấn đấu. Tôi thi đỗ vào Khoa Toán Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội rồi chuyển sang Khoa Sinh vì không muốn học lớp Toán toàn bạn nam. Tôi được kết nạp Đảng năm 20 tuổi”, Tiến sĩ Diệp Ngọc Sương kể.
Tốt nghiệp loại giỏi, cô sinh viên Diệp Ngọc Sương được phân công về công tác tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội rồi được cử đi tiếp tục học tập, nghiên cứu và sau đó bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Tiệp Khắc cũ, chuyên ngành Sinh học. Năm 1978, Tiến sĩ Diệp Ngọc Sương trở về thành phố Hồ Chí Minh và đảm nhận nhiệm vụ Trưởng bộ môn Khoa Hóa Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh. Bà là một trong những người phát triển Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm của thành phố cho đến khi nghỉ hưu năm 1996. Đến năm 1997, bà Diệp Ngọc Sương thành lập một trong những doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên của thành phố, có nhiều đóng góp phát triển thị trường khoa học, công nghệ thành phố Hồ Chí Minh…
“Tôi cùng các đồng nghiệp đã nỗ lực góp sức mình vào công cuộc xây dựng, phát triển thành phố vượt qua những ngổn ngang thời hậu chiến, đến khi đất nước chuyển mình đổi mới. Đến giờ, tôi rất tự hào về những lớp nhà khoa học trẻ, những học trò của chúng tôi đã trưởng thành vững vàng, xuất sắc trong công việc, nhất là lĩnh vực phân tích, thí nghiệm, sắc ký. Những người đi trước như cha tôi đã góp công giành độc lập, thống nhất nước nhà. Tôi và các đồng nghiệp cũng đã góp sức mình xây dựng đất nước sau hòa bình và mong thế hệ trẻ tiếp nối, xây dựng thành phố to đẹp hơn trong kỷ nguyên mới của dân tộc”, Tiến sĩ Diệp Ngọc Sương chia sẻ.
Lưu quá khứ để xây đắp tương lai
Ông Trần Kiến Xương, Vụ trưởng Vụ công tác phía Nam, Tòa án nhân dân Tối cao, cũng luôn tự hào khi nói về cha mình, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai, một trong những người gây dựng, chỉ huy và phát triển lực lượng Biệt động Sài Gòn thời chống Mỹ.
“Ngày 30-4-1975, tôi mới biết cha mình là ai. Ông lạ lẫm trong bộ quân phục quân Giải phóng, cầm trên tay lá cờ đỏ sao vàng về cắm trước cửa nhà và xưng ba với chúng tôi, chứ không xưng bác như những lần trước đây, khi ông còn hoạt động bí mật, thỉnh thoảng ghé qua nhà. Mãi sau này tôi mới biết những căn nhà mà ba hay đưa tôi đến ngay sau giải phóng là những điểm hoạt động của Biệt động Sài Gòn khi xưa. Càng lớn, càng tìm hiểu, tôi càng kinh ngạc và ngưỡng mộ những gì cha tôi và đồng đội đã làm suốt những năm tháng chống Pháp, rồi chống Mỹ, cho đến ngày toàn thắng”, ông Trần Kiến Xương kể.
Ông Trần Văn Lai sinh năm 1920 tại Thái Bình. Được cán bộ Đảng giác ngộ đưa lên Hà Nội rồi vào Sài Gòn sinh sống, ông đã hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi trong đơn vị của Trung tướng Nguyễn Bình, Tư lệnh các lực lượng vũ trang miền Nam. Năm 1954, ông chỉ huy các tổ chiến đấu của Tiểu đoàn Quyết tử 950 Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.
Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, ông Trần Văn Lai được Đảng giao nhiệm vụ ở lại Sài Gòn hoạt động bí mật. Ông lập ra Nghiệp đoàn Xây dựng Mai Hồng Quế, chuyên thầu những công trình xây dựng lớn của chính quyền Sài Gòn, bao gồm cả Dinh Độc Lập, để dễ bề hoạt động. Từ năm 1962, ông cùng đồng đội xây dựng thành công nhiều địa điểm bí mật giữa Sài Gòn để nuôi giấu cán bộ và cất trữ vũ khí, sau này phục vụ trực tiếp cho lực lượng Biệt động Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, đánh thẳng vào nhiều cơ quan đầu não của Mỹ, ngụy, gây chấn động toàn cầu...
Ngưỡng mộ những gì cha mình và các đồng đội đã làm, từ năm 20 tuổi đến nay, ông Trần Kiến Xương miệt mài tìm lại, mua và phục dựng nhiều cơ sở hoạt động trong chiến tranh trước đây của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Đến giờ, hệ thống này đã trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất thành phố Hồ Chí Minh, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu những hầm bí mật, những kho vũ khí, những hiện vật sống động về một thời anh dũng của lực lượng Biệt động Sài Gòn.
“Khi phục dựng hệ thống Bảo tàng Biệt động Sài Gòn, tôi mong thế hệ trẻ có cơ hội hiểu biết hơn nữa về những gì lớp cha anh đi trước đã làm để đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Bảo tàng Biệt động Sài Gòn vừa lưu giữ được những chứng tích anh hùng, vừa là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ để họ thêm hiểu, tự hào và phấn đấu hơn nữa, đóng góp sức mình xây dựng đất nước”, ông Trần Kiến Xương chia sẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.