Trước cơn bão phát triển công nghệ toàn cầu, tiếp tục tìm kiếm đối tác ngoại để nâng cao năng lực tài chính, quản trị, tăng khả năng cạnh tranh với không chỉ tổ chức tín dụng trong nước mà còn với các ngân hàng có vốn nước ngoài là mục tiêu của các ngân hàng Việt trong năm 2025.
Cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài
Theo quy định hiện nay, mức trần room ngoại (tỷ lệ cổ phiếu tối đa các nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu) đối với các ngân hàng tại Việt Nam là 30%, trừ 3 ngân hàng: Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), Thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), Thương mại cổ phần Quân đội (MB). Ba ngân hàng này sẽ được nới lên mức 49% kể từ ngày 19-5 tới, do nhận chuyển giao ba ngân hàng yếu kém từ đầu năm 2025. Đây được xem là cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài.
Được biết, nhà đầu tư ngoại đang nắm giữ hơn 1,4 tỷ cổ phiếu của MB, tương đương 23,24%, song ngân hàng này chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài. Còn HDBank là một trong số ít ngân hàng lớn chưa lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài, mà chỉ có sự tham gia của một số quỹ đầu tư ngoại. Bởi vậy, khi HDBank được nới room lên 49% sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư ngoại và cho chính HDBank trong thu hút vốn, nâng cao tiềm lực tài chính.
Tuy nhiên, dự kiến HDBank chỉ dành khoảng 10% room ngoại cho việc tăng vốn. Kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược hoàn toàn có thể triển khai khi điều kiện thị trường thuận lợi và ngân hàng tìm được những đối tác phù hợp. HDBank đã nhận được sự quan tâm từ một số đối tác đến từ Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ.
Theo số liệu mới nhất từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến ngày 20-3-2025, có 12/27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 15%. Trong đó, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) là 22,51%; tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB): 30%; Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank): 26,84%; Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB): 27,55%; Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank): 28,05%.
Đại diện Techcombank cho biết, dư địa sở hữu của khối ngoại với ngân hàng này còn gần 10% và ngân hàng đang xem xét việc phát hành cho cổ đông chiến lược. Thông thường, phát hành cho cổ đông chiến lược thì giá cao hơn, mang lại lợi ích chung cho các cổ đông, nên ngân hàng đang tìm kiếm cơ hội và kỳ vọng khi thị trường tốt hơn sẽ gặp được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài phù hợp.
Nhiều kế hoạch cụ thể
Về kế hoạch cụ thể trong việc thu hút khối ngoại, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) Đặng Khắc Vỹ cho biết, hiện room ngoại tại VIB trống 25% và ngân hàng đang tìm kiếm đối tác ngoại sau khi cổ đông chiến lược Commonwealth Bank of Australia (CBA) thoái vốn.
Được biết, CBA rót vốn vào VIB từ năm 2010, với tỷ lệ góp ban đầu là 15% và nâng tỷ lệ sở hữu lên 20%. Cổ đông này đóng vai trò quan trọng trong bước chuyển đổi chiến lược của VIB từ ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp trở thành ngân hàng bán lẻ chuyên nghiệp.
Ngoài ra, cũng trong năm 2025, VIB có kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 14% (bên cạnh chia cổ tức tiền mặt 7%); phát hành 7,8 triệu cổ phiếu ESOP (cổ phiếu cho nhân viên); phát hành gần 417,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 14%). Sau hoàn tất, vốn điều lệ của VIB tăng từ hơn 29.791 tỷ đồng lên hơn 34.040 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng vốn 14,26%.
Trong khi đó, MB đang ráo riết tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài, nhằm nhanh chóng tiếp cận với các công nghệ, bí quyết phát triển kinh doanh và quản trị tiên tiến. Bên cạnh đó, MB có thể tận dụng kinh nghiệm, mạng lưới, cơ sở khách hàng của đối tác để phát triển các thị trường mới; ổn định cổ đông, bảo đảm tính đồng thuận và nhất quán trong phát triển kinh doanh, triển khai chiến lược. MB đặt ra tiêu chí chọn đối tác nước ngoài có năng lực tài chính tốt, đồng thuận về mục tiêu và triển khai chiến lược phù hợp với văn hóa cũng như có cam kết cao với MB, tránh các xung đột về quyền lợi, bảo đảm sự hợp tác chiến lược lâu dài, cùng phát triển.
Cụ thể hơn, lãnh đạo MB cho biết thêm, ngân hàng có thể bán 100% vốn tại ngân hàng nhận chuyển giao (Oceanbank, đã được đổi tên thành MBV) cho nhà đầu tư nước ngoài. Sau khi nhận chuyển giao, hình thức pháp lý của Oceanbank đổi từ công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu (nắm giữ 100% vốn điều lệ) sang công ty TNHH một thành viên do MB làm chủ sở hữu. MB dự kiến góp vốn điều lệ vào MBV với mức không quá 5.000 tỷ đồng.
Một ngân hàng trong nhóm “Big4” là Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chào bán 123,8 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp với mức giá được xác định 38.800 đồng/cổ phiếu. Trong đó, BIDV chào bán gần 38,7 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư trong nước và gần 85,2 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài.
Cơ hội còn “bỏ ngỏ” với nhiều nhà đầu tư ngoại khác ở các ngân hàng đang có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở mức rất thấp, thậm chí còn nguyên room ngoại như Ngân hàng Thương mại cổ phần Lộc Phát (LPBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank)…
Các chuyên gia về tài chính nhận định, việc thu hút sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không chỉ giúp các ngân hàng tăng thêm nguồn lực tài chính, mà còn là sự hỗ trợ về công nghệ, quản trị, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay đối với nhà đầu tư nước ngoài khi muốn tham gia ngân hàng Việt vẫn là việc hạn chế room. Bởi vậy, nếu room với đối tác ngoại được nới, “cửa” cho đối tác ngoại sẽ rộng mở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.