Nga nhấn mạnh rằng, công nhận của quốc tế về quyền kiểm soát của nước này đối với Crimea, cũng như toàn bộ các tỉnh Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson là điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình.
Thông tin trên được Kyiv Independent dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Brazil O Globo ngày 28-4.
Yêu cầu này cũng được Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đưa ra vào tuần trước, bất chấp những nỗ lực của Mỹ nhằm làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình.
Washington được cho là đang xem xét việc công nhận về mặt pháp lý quyền kiểm soát của Nga đối với Crimea như một phần của thỏa thuận hòa bình tiềm năng và quyền kiểm soát trên thực tế đối với các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng khác. Trong một diễn biến khác, các quan chức Mỹ lại bác bỏ yêu cầu Ukraine rút quân hoàn toàn khỏi bốn khu vực còn lại.
Khi được hỏi về các điều kiện của Nga để tham gia đàm phán hòa bình, Bộ trưởng Lavrov cũng nêu vấn đề Ukraine không được gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), phi quân sự hóa nước này và những thay đổi trong luật pháp của Kiev nhằm khôi phục vị thế của ngôn ngữ, văn hóa và các tổ chức tôn giáo Nga. Những điều kiện này về cơ bản giống những yêu cầu ban đầu mà Mátxcơva đưa ra khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Cũng theo ông Lavrov, lệnh cấm đàm phán trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin của Ukraine phải được dỡ bỏ. Trước đó, Điện Kremlin cho biết, ông Putin sẵn sàng đàm phán với Kiev mà không cần "bất kỳ điều kiện tiên quyết nào" sau khi lệnh hạn chế này được gỡ bỏ, điều này dường như trái ngược với tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Nga.
Ukraine đã loại trừ khả năng nhượng lại lãnh thổ của mình như một phần của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào và cũng bác bỏ yêu cầu cắt giảm lực lượng vũ trang.
"Tất cả cam kết của Kiev phải được đảm bảo về mặt pháp lý, có cơ chế thực thi và phải có tính lâu dài", ông Lavrov đồng thời nhấn mạnh, Nga yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây, bãi bỏ các vụ kiện quốc tế và lệnh bắt giữ đối với các quan chức Nga, cũng như trả lại các tài sản bị đóng băng của Nga.
Các nước phương Tây đã bắt đầu sử dụng lợi nhuận liên quan đến tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine. Vào tháng 10 -2024, nhóm G7 đã phê duyệt khoản vay khoảng 50 tỷ USD cho Kiev, được hoàn trả bằng lãi suất từ các quỹ đóng băng của nước này.
Ngoài ra, ông Lavrov cho biết, Mátxcơva sẽ yêu cầu "sự đảm bảo an ninh đáng tin cậy" từ NATO, Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia thành viên trước các mối đe dọa trong tương lai ở biên giới phía Tây của Nga.
Nhà ngoại giao Nga nêu rõ, Mátxcơva vẫn để ngỏ khả năng đàm phán nhưng tuyên bố "quả bóng không đứng ở phía chúng tôi". Ông Lavrov cũng lưu ý, Washington "đã bắt đầu hiểu rõ hơn" lập trường của Nga, ám chỉ đến sự thay đổi chính sách đối ngoại do Tổng thống Mỹ Donald Trump mang lại.
Mặc dù tuyên bố ủng hộ việc hạ nhiệt căng thẳng, Nga vẫn tiếp tục các hoạt động tấn công dọc theo tuyến đầu. Trong khi đó, lệnh ngừng bắn một phần riêng biệt liên quan đến cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, được đàm phán tại Saudi Arabia vào cuối tháng 3, cũng đã liên tục bị vi phạm.
Theo Kyiv Independent
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.