Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa yêu cầu Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ngày 2/9, tại Bắc Ninh làm 44 người bị ngộ độc...
Để xử lý kịp thời vụ ngộ độc và chủ động có các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các đơn vị chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm đối với bữa ăn đông người, tiệc cưới, đám giỗ...
Cùng với đó, tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện vệ sinh ăn uống; vệ sinh trong chế biến, bảo quản thức ăn; bảo đảm nguồn nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chế biến ăn ngay và nguồn nước chế biến an toàn; không sử dụng thức ăn tái, sống, nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm nghi ngờ ô nhiễm để chế biến thức ăn.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục chỉ đạo các đơn vị y tế địa phương và các đơn vị chức năng trên địa bàn quản lý tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bữa ăn tập trung đông người.
Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm và các quy định, hướng dẫn theo Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 25/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế về quy định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Cũng liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm cho biết, kết luận điều tra về nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại tỉnh Phú Yên, báo cáo số 62/ATVSTP ngày 3/9/2013 của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Yên xác định đây là vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở hộ gia đình. Bệnh nhân biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy xuất hiện 4 - 6 giờ sau khi ăn bữa trưa được nấu tại rẫy và người ở nhà ăn thức ăn còn lại từ rẫy mang về. Vụ ngộ độc làm 13 người mắc (10 người ăn tại rẫy và 3 người ăn tại nhà), có 10 người phải nhập viện để điều trị (trong đó có 2 trẻ em).
Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm là do thức ăn món "canh cá Ồ nấu với lá Giang" bị ô nhiễm vi sinh vật (không phải do sắn chứa độc tố). Đến trưa ngày 28/8/2013, tất cả bệnh nhân đều đã được Trạm y tế xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa tiếp nhận, cấp cứu, điều trị kịp thời, sức khỏe đã hồi phục, ra viện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.