Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều không bình thường

Nữ Quỳnh| 19/11/2011 06:13

(HNM) - Từ đầu năm đến nay, dù mới thanh tra 585 doanh nghiệp, chiếm khoảng 45% số đơn vị báo lỗ có dấu hiệu chuyển giá, nhưng Tổng cục Thuế đã giảm lỗ 3.754 tỷ đồng, truy thu thuế 978 tỷ đồng, giảm khấu trừ gần 87 tỷ đồng, phạt 272,4 tỷ đồng...

Có thể thấy, tình trạng báo lỗ, nhất là với các doanh nghiệp FDI, đã được dư luận cảnh báo từ lâu. Những "chiêu" lách thuế, đặc biệt là bằng cách chuyển giá (dùng một số phương thức khác nhau để trốn tránh các khoản thuế, phí thông qua việc báo lỗ trong hoạt động kinh doanh và chuyển lợi nhuận về công ty mẹ ở nước ngoài) cũng đã được cơ quan quản lý lưu ý tới. Tháng 4-2010, Thông tư 66 về chống chuyển giá ra đời, nhưng cũng phải sang năm 2011, Bộ Tài chính mới quyết liệt trong việc thanh tra, rà soát các khoản lỗ của doanh nghiệp. Và mới chỉ qua thanh tra gần 600 doanh nghiệp trong thời gian chưa đầy một năm, ngành thuế đã "giúp" doanh nghiệp giảm lỗ hàng nghìn tỷ đồng, tăng thu nộp ngân sách nhà nước. Dư luận có quyền đặt câu hỏi, con số thất thoát thực tế trong nhiều năm qua là bao nhiêu?

Và làm thế nào để triệt tiêu tình trạng lãi thật, lỗ giả này, chống thất thoát hàng nghìn tỷ đồng chảy ra nước ngoài?

Nhìn từ thực tế, việc chống chuyển giá không đến mức quá khó. Tăng cường tính trách nhiệm với cơ quan quản lý là điều được đề cập đầu tiên khi mà các dấu hiệu, các "mẹo" của doanh nghiệp đều được cơ quan thuế nhận diện. Từ chỗ "biết rõ" chắc chắn sẽ tìm được giải pháp, các cuộc thanh tra thực hiện thời gian qua là một ví dụ. Tuy nhiên, nếu sự việc chỉ dừng lại ở thanh tra, truy thu hay xử phạt hành chính vẫn là quá nhẹ, không đủ sức ngăn chặn. Lỗ hổng đầu tiên cần lấp đầy là kiểm soát ngay từ khi duyệt đầu tư của doanh nghiệp, với đặc thù theo lĩnh vực, khu vực để đặt ra cách thức quản lý. Tiếp đó là phải sớm hoàn thiện khung pháp lý để có thể mạnh tay hơn nữa ở khâu xử lý. Nên xem xét xử lý hình sự đối với các hành vi chuyển giá, vì nó tương tự hành vi cố ý trốn thuế.

Kinh tế Việt Nam thực chất chưa mạnh, hằng năm vẫn phải căn cơ từng khoản chi ngân sách và trong lúc nhà nước cố gắng tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp có môi trường đầu tư tốt nhất thì chính các doanh nghiệp hưởng lợi lại cố tình luồn lách để chối bỏ nghĩa vụ. Gần đây còn bắt đầu xuất hiện hiện tượng các tập đoàn trong nước cũng chuyển lãi khi quy định giá bán trong nội bộ tập đoàn thấp hơn so với các giao dịch độc lập để giảm doanh thu, chuyển lợi nhuận sang các công ty đang được hưởng ưu đãi về thuế hoặc sang các công ty liên kết để vay vốn kinh doanh, niêm yết chứng khoán... Thậm chí có đơn vị còn báo cáo lỗ để yêu cầu tăng giá thành sản phẩm của mình, chỉ đến khi niêm yết chứng khoán mới lại đưa ra báo cáo lãi.

Chuyển giá là hiện tượng rất không bình thường của nền kinh tế vì nó gây thiệt hại cho nhà nước và đang tạo sự bất bình đẳng, cạnh tranh không lành mạnh với các thành phần doanh nghiệp, cũng như với các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc. Chống được việc chuyển giá trốn thuế cũng chính là trả lại môi trường đầu tư lành mạnh, công bằng trong nghĩa vụ thuế giữa các doanh nghiệp. Trách nhiệm ấy trước hết thuộc về ngành thuế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điều không bình thường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.