Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều chuyển cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm

Thúy Nga| 29/04/2023 14:54

(HNMO) - Cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý, kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất, không dám chịu trách nhiệm trong cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, rút ngắn thời gian xử lý công việc và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành… là những yêu cầu nêu trong Công văn số 1259/UBND-TH của UBND thành phố Hà Nội triển khai Công điện của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương.

Quá trình phát triển Thủ đô có nhiều việc mới, việc khó, rất cần những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Không lạm dụng "lấy ý kiến"

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã không đề xuất, tham mưu UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố trình, báo cáo công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan trung ương; không lạm dụng việc lấy ý kiến các cơ quan trung ương để né tránh trách nhiệm; không lạm dụng lấy ý kiến của các đơn vị không có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến công việc cần giải quyết.

Chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được phân cấp, ủy quyền theo quy định. Chịu trách nhiệm cá nhân, trực tiếp và toàn diện trước UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố trong xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc khi được UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố phân công, ủy quyền, giao nhiệm vụ, bao gồm cả việc đã phân công hoặc ủy nhiệm cho cấp phó. Khi tham mưu, đề xuất UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố giải quyết công việc, phải nêu rõ cơ sở pháp lý, thẩm quyền, quan điểm, kiến nghị rõ phương án giải quyết công việc (trường hợp đề xuất từ 2 phương án trở lên, phải có phương án chọn).

Thực hiện đúng quyền hạn được giao, không chuyển công việc thuộc thẩm quyền của mình lên UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố hoặc cho các cơ quan khác và không giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của cơ quan khác, trừ trường hợp theo chỉ đạo, ủy quyền của Chủ tịch UBND thành phố.

Thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng sở, ngành, cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về những nội dung thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý của cơ quan mình và những vấn đề liên quan khác bảo đảm thời hạn quy định hoặc theo đề nghị của cơ quan chủ trì. Quá thời hạn mà chưa trả lời được coi là đồng ý và phải chịu trách nhiệm cá nhân trước UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố và trước pháp luật.

Đối với những vấn đề, nội dung phức tạp, có tính chất liên ngành, còn ý kiến khác nhau, đã phối hợp xử lý nhưng không thống nhất thì thủ trưởng cơ quan được giao chủ trì phải có quan điểm, đề xuất rõ của cơ quan chủ trì trình lên cấp có thẩm quyền.

Cá thể hóa trách nhiệm

Bên cạnh đó, trực tiếp chỉ đạo xây dựng và ban hành quy chế làm việc, quy trình giải quyết công việc nội bộ của sở, ngành, cơ quan, trong đó phải cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong từng khâu của quá trình xử lý công việc, quy định cụ thể thời hạn xử lý công việc và trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện đến kết quả cuối cùng. Chỉ đạo rà soát, kiên quyết loại bỏ, giảm những việc phải phối hợp liên ngành trên tinh thần cơ quan được giao chủ trì chịu trách nhiệm đến cùng; chủ động phát hiện những khâu yếu, bộ phận yếu, cán bộ yếu để chấn chỉnh, củng cố tăng cường hoặc thay thế kịp thời, nâng cao chất lượng giải quyết công việc.

Khẩn trương rà soát các nhiệm vụ, công việc của cơ quan, đơn vị, địa phương để kịp thời xem xét, quyết định theo thẩm quyền và trong thời hạn quy định, nhất là đối với những công việc đã chậm trễ, kéo dài.

Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Nội vụ tham mưu UBND thành phố chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất. Kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều chuyển cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.