(HNM) - Ở thời điểm này, việc điều chỉnh giá các dịch vụ khám, chữa bệnh (DV KCB) là tất yếu. Tuy nhiên, khi người dân sẵn sàng mở
Bài 2: Có tăng sự hài lòng?
(HNM) - Ở thời điểm này, việc điều chỉnh giá các dịch vụ khám, chữa bệnh (DV KCB) là tất yếu. Tuy nhiên, khi người dân sẵn sàng mở "hầu bao" cũng đồng nghĩa với việc họ mong muốn được KCB trong điều kiện tốt hơn. Liệu việc điều chỉnh giá DV KCB có dẫn đến sự tăng chất lượng ở mức tương xứng?
Giảm gánh nặng bù lỗ?
Hà Nội áp dụng giá DV KCB mới đã được 3 tháng. Điều đó góp phần giảm bớt sự căng thẳng về tài chính vốn tồn tại từ nhiều năm qua tại các cơ sở KCB công lập. Tại các bệnh viện (BV), rất dễ nhận thấy sự phấn khởi của cán bộ, nhân viên y tế.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội Nguyễn Duy Ánh cho biết, việc kéo dài mức thu theo giá cũ (ban hành từ năm 1995) đã khiến người bệnh phải chịu thiệt. Khi áp dụng mức giá quá thấp, thu không đủ bù chi, BV "buộc" phải đợi sự đầu tư từ cấp trên, dẫn đến tình trạng không đủ trang thiết bị KCB, người bệnh buộc phải trả thêm chi phí chênh lệch khi chuyển tuyến điều trị. Để giảm gánh nặng bù lỗ, nhiều cơ sở y tế đã "lách luật", tự đặt ra một số khoản thu không phù hợp, kéo theo những bức xúc không đáng có. Hiện nay, khi thực hiện điều chỉnh giá DV KCB, áp dụng theo từng hạng BV, các cơ sở y tế đã thoát khỏi mối lo thường trực là tìm nguồn thu thêm. "Điều chỉnh giá DV KCB là quyết định đúng đắn giúp BV tăng thu. Nhiều loại dịch vụ đã thu đủ để bù chi, có nguồn để đầu tư, nâng cao chất lượng KCB" - Giám đốc Nguyễn Duy Ánh nói.
Đại diện ban lãnh đạo của một BV đa khoa ở ngoại thành Hà Nội cho biết, trước thời điểm áp dụng giá mới, toàn BV có đến 10/16 dịch vụ phải bù lỗ từ 80% đến 300%, như chi phí chụp phim là 40 nghìn đồng nhưng BV chỉ được phép thu 20 nghìn đồng. Mặc dù đợt điều chỉnh giá này mới chỉ được xây dựng theo cơ cấu giá của 3/7 yếu tố cấu thành giá dịch vụ kỹ thuật (gồm tiền điện, tiền nước, khử khuẩn; duy tu bảo dưỡng trang thiết bị y tế, tu bổ một phần nhỏ cơ sở hạ tầng BV; tiền thuốc, vật tư tiêu hao) nhưng đó là những yếu tố giúp mang lại lợi ích trực tiếp cho người bệnh, vừa giúp các BV có điều kiện giải quyết khó khăn tồn tại từ nhiều năm qua, từ đó khuyến khích BV phát triển thêm kỹ thuật mới, đồng thời cải thiện môi trường chăm sóc bệnh nhân theo chiều hướng tốt hơn.
Mừng là vậy nhưng sau 3 tháng áp dụng giá mới, các BV của Hà Nội đã gặp một số vướng mắc. Khảo sát thực tế tại các BV cho thấy, với một số dịch vụ đặc thù thì sau khi tính đúng, tính đủ chi phí đối với bệnh nhân, BV lại lâm vào cảnh… lỗ vốn. Ví như việc tiến hành một ca mổ sinh con, kể cả trong trường hợp sinh thường cũng sẽ kéo theo nhiều chi phí phát sinh (chỉ khâu, bông băng…) hoặc truyền máu sau sinh... nhưng biểu giá mới lại chưa đề cập đến những chi phí này. Nếu BV thu thêm của bệnh nhân thì lâm cảnh sai quy định, nếu không thu thì… lỗ nặng. Do đó, các BV như Xanh Pôn, Đống Đa, Đan Phượng, Ung bướu, Thanh Trì, Hà Đông... khi gặp vướng mắc mới thường chọn giải pháp gửi báo cáo về Sở, phản ánh cụ thể những khó khăn chứ không tự ý thu thêm của người bệnh.
Bảo đảm quyền lợi cho bệnh nhân
Hiện nay, ngành y tế Hà Nội đang quản lý 41 BV công lập, trong đó có 7 BV hạng I, 18 BV hạng II và 16 BV hạng III. Dù vậy, nhiều BV vẫn luôn trong tình trạng quá tải, người bệnh phải nằm ghép giường. Không ít bệnh nhân than phiền, khi áp dụng giá mới, cách tính ngày giường chưa thật hợp lý, giường nằm ghép đôi, ghép ba vẫn phải chịu chi phí như một bệnh nhân/giường, đó là sự thiệt thòi của người bệnh.
Về vấn đề này, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội lý giải, mỗi năm, BV tiếp nhận hơn 40.000 ca sinh thường và khoảng 20.000 ca sinh mổ, luôn chịu cảnh quá tải. Dù không muốn nhưng BV cũng phải áp dụng giải pháp ghép giường. Để bảo đảm công tác KCB, công tác điều trị, BV đã cố gắng không để bệnh nhân bị ghép giường quá 6 tiếng. Để chống quá tải, BV tiến hành thăm khám sớm, nâng cao chất lượng KCB để bệnh nhân nhanh chóng ổn định sức khỏe, sớm đủ điều kiện xuất viện, giải phóng giường bệnh, tránh quá tải cho BV.
Dù việc điều chỉnh giá các DV KCB lần này không ảnh hưởng tới bệnh nhân nghèo và tất cả người bệnh tham gia bảo hiểm y tế đều được hưởng lợi (bởi khi chi phí được thanh toán tăng lên, người bệnh sẽ đỡ phải đóng các khoản phí chênh lệch). Nhưng không ít người bệnh vẫn mang nặng tâm lý KCB bằng thẻ bảo hiểm y tế dễ bị phân biệt đối xử. Trên thực tế đâu đó vẫn còn xảy ra hiện tượng trên. Tuy nhiên, theo lãnh đạo của nhiều BV thì đó chỉ là vấn đề "con sâu làm rầu nồi canh" ở thời điểm giá các loại DV KCB chưa tăng. Hiện nay, khi các BV đồng loạt thực hiện khung giá mới, lãnh đạo Sở Y tế khuyến cáo, để thực hiện quyền giám sát và bảo đảm các quyền lợi của mình, người dân có thể phản ánh trực tiếp vướng mắc qua đường dây nóng được niêm yết tại các cơ sở y tế đó.
Ông Nguyễn Văn Hán, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất: Trước đây, mỗi khi vào điều trị tại BV huyện Thạch Thất, tôi rất sợ, bởi cơ sở vật chất xuống cấp, chật chội, 2-3 bệnh nhân phải nằm chung một giường. Khu vực phòng khám lúc nào cũng đông, hiện tượng "chen ngang" thường xuyên xảy ra khiến nhiều bệnh nhân rất bức xúc. Từ khi áp dụng khung giá mới, những tồn tại trên cơ bản được khắc phục, chất lượng KCB được nâng lên, đội ngũ y, bác sĩ luôn niềm nở. Rất mong ngành y tế tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho BV tuyến huyện để giảm tải cho BV tuyến trên và người bệnh cũng giảm được chi phí đi lại. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.