(HNM) - Ngày 2-10, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho biết, năm 2013-2014 sẽ thiếu điện nghiêm trọng. Ngay thời điểm hiện tại, chuyện thiếu điện vẫn đang là chuyện
Ngành chức năng cho rằng, chuẩn bị vào mùa khô, hầu hết các hồ chứa nước thủy điện đang rơi vào tình trạng "mực nước chết", nên sản lượng điện thương phẩm không đủ cung cấp cho nhu cầu sử dụng là lẽ đương nhiên... Nghe cũng có lý, song nếu nhìn tổng thể thì mấy năm vừa qua, chẳng cứ mùa khô mà ngay cả khi đang mưa bão, ngập lụt, chuyện thiếu điện vẫn xảy ra, trở thành căn bệnh... kinh niên, chưa có thuốc chữa.
Hiện nay, về hạ tầng cơ sở của ngành điện, Quốc hội kiểm tra 51 dự án đang thi công và chuẩn bị thi công thì chỉ có 5 dự án đúng tiến độ. Như vậy, nếu có đủ điện hay thừa điện thì mới là chuyện lạ. Ở một khía cạnh khác, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Trương Thị Mai phát biểu: Điều bức xúc của người dân là cách điều hành của ngành điện.
Trong nhiều cuộc hội thảo, sơ kết, tổng kết, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm thực tế... của các DN đều cho thấy một bài học điển hình - đó là muốn thành công trong hoạt động kinh doanh, sản xuất, DN phải biết kết hợp hài hòa giữa lợi ích Nhà nước, lợi ích DN và lợi ích người tiêu dùng. Về nguyên tắc, điều đó không có gì mới. Song hãy thử áp vào chuyện sản xuất điện. Trước hết đây là một ngành chủ chốt của nền kinh tế và cho tới thời điểm này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang "độc diễn", chưa có đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Đây là lợi thế đặc biệt, không phải đơn vị sản xuất, kinh doanh nào cũng có được.
Còn nhớ, khi giá điện chưa tăng thêm 6,8% vào đầu năm 2010, số lãi EVN thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2009 là trên 2.000 tỷ đồng. Như vậy, lợi ích của EVN đã được bảo đảm, dù rằng chưa phải là cao và chưa bàn tới việc có tương xứng hay không với địa vị và điều kiện hiện tại của EVN. Tuy nhiên, xét về lợi ích Nhà nước và lợi ích của người tiêu dùng trong hoạt động của EVN thì đều có những điều phải bàn. Cụ thể, về lợi ích Nhà nước, hiệu quả hoạt động của EVN chính là thước đo năng lực quản lý, điều hành cùng hiệu quả của những cơ chế hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. Ở đây không chỉ đơn thuần là lợi nhuận đóng góp cho ngân sách nhà nước, mà là sự cân đối trong điều tiết, điều hành giữa các lĩnh vực, thúc đẩy sự phát triển KT-XH đất nước. Lấy ví dụ như việc thiếu điện, không chỉ ảnh hưởng kinh doanh, sản xuất của các đơn vị kinh tế, tác động trực tiếp tới đời sống sinh hoạt của nhân dân mà còn cho thấy sự hạn chế trong kế hoạch đầu tư xây dựng nguồn điện, đã không theo kịp nhu cầu phát triển của xã hội, sự phát triển thiếu quy hoạch và tầm nhìn chiến lược. Bằng chứng rõ nét là các dự án trong Tổng sơ đồ điện VI chậm so với tiến độ, đây chính là nguyên nhân dẫn đến thiếu điện trong năm 2010 và những năm tiếp theo.
Mặt khác, theo phát biểu của một quan chức EVN, từ năm 1997 đến nay không có một nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia vào các dự án điện. Điều đó đồng nghĩa với việc 13 năm nay, những bất cập, nghịch lý vẫn đang tồn tại và ngành chủ quản cũng như các cơ quan quản lý nhà nước chưa có hướng giải quyết. Do đó, cũng không có gì ngạc nhiên khi trong vòng 5 năm, nhiều công trình đường dây, trạm biến áp chỉ thực hiện được hơn 60% kế hoạch vì thiếu vốn, thiếu nhân lực và thiếu cả năng lực thực hiện của chủ đầu tư, nhà thầu... Trong khi đó, nhiều đơn vị, tập đoàn kinh tế mạnh của Việt Nam lại đổ tiền vào đầu tư các dự án sản xuất điện ở nước ngoài.
Nếu các lợi ích nêu trên chưa được điều chỉnh hài hòa thì chắc chắn tình trạng thiếu điện vẫn còn diễn ra và sẽ ngày càng trầm trọng khi nền kinh tế của chúng ta đang không ngừng phát triển. Dù EVN vẫn kinh doanh, sản xuất có lãi, song liệu như thế đã là đủ khi EVN cứ "độc diễn" mãi kiểu ậm ạch trong một thời gian dài như vậy?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.