Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; - Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân;
- Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;
- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân;
- Thưa các vị khách quý, quý vị đại biểu;
- Thưa đồng bào, chiến sĩ Thủ đô và cả nước!
Toàn cảnh lễ mít-tinh Ảnh: Viết Thành |
Hôm nay, trong niềm phấn khởi và rất đỗi tự hào, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016) - một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, gắn liền với chiến công oanh liệt của quân và dân Hà Nội những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.
Thay mặt Ban tổ chức Lễ kỷ niệm, tôi trân trọng gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các vị khách quý, các quý vị đại biểu, nhân dân Thủ đô, đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài lời chúc tốt đẹp nhất.
Trong thời khắc thiêng liêng và xúc động này, với niềm biết ơn vô hạn, chúng ta thành kính tưởng nhớ và đời đời biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, lãnh tụ kính yêu của dân tộc và cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông đất nước ta.
Chúng ta mãi mãi tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã anh dũng hy sinh, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thưa đồng bào, đồng chí!
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời, đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa; song cũng khiến cho các thế lực đế quốc và bọn phản động vô cùng lo sợ, tìm mọi cách chống phá, hòng thủ tiêu thành quả vĩ đại vừa giành được của Đảng Cộng sản và dân tộc Việt Nam.
Chính quyền cách mạng non trẻ khi đó gặp muôn vàn khó khăn, cùng lúc phải giải quyết nạn đói, nạn mù chữ,... và đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi phải đối phó với “thù trong giặc ngoài”.
Được sự giúp đỡ của quân Anh, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai, sau đó mở rộng đánh chiếm Nam Bộ và Nam Trung Bộ, tìm cách đưa quân ra Bắc Bộ. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm các biện pháp đấu tranh linh hoạt, mềm dẻo nhằm duy trì hòa bình, giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Chính phủ ta đã chủ động đàm phán với Chính phủ Pháp để tránh cuộc chiến tranh, ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, sau đó ký Tạm ước ngày 14/9/1946.
Song, chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Bất chấp những thiện chí hòa bình của ta, ngày 15 và 16/12/1946, quân Pháp nổ súng gây hấn nhiều nơi ở Hà Nội. Ngày 17/12/1946, chúng cho xe phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc, rồi gây ra vụ tàn sát đẫm máu đồng bào ta ở phố Hàng Bún, Yên Ninh. Ngày 18/12/1946, tướng Mô-li-e gửi cho ta hai tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính, đòi ta phải phá bỏ mọi công sự và chướng ngại trên các đường phố, đòi để cho chúng làm nhiệm vụ giữ gìn trị an ở Hà Nội; nếu các đòi hỏi đó không được chấp nhận thì chậm nhất là sáng ngày 20/12/1946, quân Pháp sẽ chuyển sang hành động.
Dã tâm xâm lược nước ta của thực dân Pháp đã rõ ràng. Nền độc lập dân tộc bị đe dọa nghiêm trọng; dân tộc Việt Nam đứng trước hai lựa chọn: hoặc là khoanh tay, cúi đầu trở lại kiếp nô lệ; hoặc là đấu tranh đến cùng để bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất của đất nước.
Trước tình thế đó, nêu cao tinh thần yêu nước và trách nhiệm trước Tổ quốc, trước nhân dân, trong hai ngày 18 và 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) đã quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc, kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước đứng lên chống thực dân Pháp, bảo vệ độc lập dân tộc. Sáng 20/12/1946, tại Hang Trầm (huyện Chương Mỹ), Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đồng bào, chiến sỹ cả nước.
Đáp lời hiệu triệu của Người, quân và dân Hà Nội đã mở đầu kháng chiến toàn quốc vào hồi 20 giờ 03 phút ngày 19/12/1946 bằng những loạt đại bác từ Pháo đài Láng vào các mục tiêu trong Thành phố, chính thức mở đầu cuộc kháng chiến với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Cùng với Hà Nội, quân và dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam, như: Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn,… đã đồng loạt anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Cả dân tộc ta muôn người như một, chung sức đồng lòng, nhất tề đứng lên cầm vũ khí chống giặc ngoại xâm với ý chí sục sôi, quyết tâm hy sinh và niềm tin tất thắng.
Thưa đồng bào, đồng chí!
Cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu, trong đó cuộc chiến đấu của quân và dân Thủ đô giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Hà Nội đã thực hiện nghiêm, có hiệu quả mệnh lệnh kháng chiến. Cuộc Toàn quốc kháng chiến được mở đầu một cách chủ động, có chuẩn bị, thực hiện đúng kế hoạch tác chiến, đẩy quân Pháp vào thế bị động.
Trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, ác liệt, với lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ, chống lại kẻ địch tinh nhuệ được vũ trang hiện đại, song, đồng bào và chiến sỹ Thủ đô đã chiến đấu với tinh thần quả cảm, bất khuất, sáng tạo, giành giật với địch từng ngôi nhà, từng góc phố, kiên cường giam chân địch trong suốt 60 ngày đêm, vượt gấp đôi thời gian dự kiến. Quân, dân Hà Nội và các địa phương khác đã phát huy cao độ nghệ thuật quân sự của cha ông ta: “lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều”, sử dụng mọi vũ khí có trong tay, kết hợp “trong đánh, ngoài vây”, “trong ngoài cùng đánh”...
Từ thực tiễn chiến đấu ác liệt, quân ta đã trưởng thành nhanh chóng cả về số lượng, chất lượng, tổ chức biên chế; vừa đánh, vừa bảo vệ và phát triển lực lượng. Từ trong khói lửa của những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, một số trung đoàn chủ lực của quân đội đã ra đời. Nhiều đơn vị sau này trở thành trung đoàn chủ công của các đại đoàn 308, 304, 320. Nhiều cán bộ, chiến sĩ của mặt trận Hà Nội chiến đấu trong ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, sau này đã trở thành những tướng lĩnh tài ba của quân đội nhân dân và công an nhân dân.
Cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Thủ đô trong 60 ngày đêm một lần nữa thể hiện rõ “khí phách cha ông và hồn thiêng sông núi”, làm rạng rỡ thêm hùng khí đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội; thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, cốt cách, tâm hồn của người Thăng Long - Hà Nội: thanh lịch - hào hoa - yêu chuộng hòa bình nhưng cũng quật cường - bất khuất, sẵn sàng hy sinh, hiến dâng tất cả vì nền độc lập - tự do của dân tộc. Đó cũng tiêu biểu cho truyền thống “Cả nước đánh giặc, toàn dân ra trận” với tinh thần “thà chết chứ không chịu làm nô lệ”; đã kế thừa và phát huy trang sử vẻ vang đánh giặc giữ nước của Thăng Long - Đông Đô và tiếp nối khí phách hào hùng của Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,... với những chiến công vang dội đã trở thành huyền thoại như: Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Đông Bộ Đầu, Ngọc Hồi, Đống Đa... Có thể nói, chiến công của quân và dân Thủ đô trong mùa Đông năm 1946 có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao: “Các chú giam chân địch được một tháng là thắng lợi, đến nay giữ Hà Nội được hai tháng là đại thắng lợi”.
Hình tượng những chiến sĩ Cảm tử quân Hà Nội “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” mãi mãi là biểu tượng bất tử về cuộc chiến tranh nhân dân, mà ở đó mỗi người dân đều là chiến sỹ và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc; qua đó, góp phần làm bùng cháy lên ngọn lửa ái quốc, tạo nên sức mạnh to lớn để “Thắng lợi nhất định về dân tộc ta!” như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Thưa đồng bào, đồng chí!
Từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, qua 9 năm kháng chiến trường kỳ, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã lập nên bao kỳ tích, đã đánh bại chủ nghĩa thực dân kiểu cũ và đội quân viễn chinh Pháp mà đỉnh cao là “Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền của 3 nước Việt Nam, Lào, Căm-pu-chia. Thành công của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tạo tiền đề cho thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giành độc lập dân tộc, thống nhất hoàn toàn đất nước, kết thúc vẻ vang cuộc trường chinh 30 năm của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Từ thực tiễn cách mạng đã khẳng định: Thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, với mốc son lịch sử của những ngày Toàn quốc kháng chiến, do nhiều nhân tố hợp thành; trong đó, sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đường lối đúng đắn, sáng tạo là nhân tố quyết định.
Trong những ngày Toàn quốc kháng chiến, cũng như suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta đã phát huy cao độ tinh thần, khí phách, truyền thống yêu nước, giữ nước của dân tộc; ý chí quyết tâm “thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, sẵn sàng “hi sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước”. Đó là khơi dậy và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến, giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.
Thưa đồng bào, đồng chí!
Khi non sông thống nhất, Tổ quốc liền một dải, đất nước ta lại nỗ lực bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển. Sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1986 - 2016 đạt khá, khoảng 6,6%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, công nghiệp và dịch vụ hiện nay đã chiếm gần 83% trong tổng GDP. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế không ngừng tăng lên; GDP tăng gấp gần 7 lần và kim ngạch xuất khẩu tăng gấp hơn 200 lần so với trước đổi mới. GDP bình quân đầu người năm 2016 đạt khoảng 2.200 USD. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ, với nhiều công trình lớn, hiện đại được hoàn thành, tạo diện mạo mới cho đất nước.
Tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển văn hóa và xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Công tác giảm nghèo được nỗ lực triển khai, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều đến cuối năm 2016 giảm còn 8,5%. Đã có gần 99% số hộ gia đình nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế toàn dân đạt khoảng 80%. Nước ta đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Chính trị - xã hội ổn định. Quốc phòng, an ninh được tăng cường. Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; Việt Nam đang chủ động, tích cực khẳng định vai trò trong các diễn đàn đa phương quan trọng cũng như các liên kết kinh tế hàng đầu ở khu vực và quốc tế; vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao. Đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao, thương mại và đầu tư với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng, đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh tổng hợp của đất nước có những bước phát triển rất quan trọng, thúc đẩy nước ta tiến nhanh trong quá trình hội nhập và phát triển.
Những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực sau 70 năm Toàn quốc kháng chiến, nhất là trong 30 năm đổi mới, đã tạo cơ sở và tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa trong giai đoạn mới.
Thưa đồng bào, đồng chí!
Trong giai đoạn phát triển mới, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra là rất nặng nề, đan xen cả thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức. Phát huy tinh thần Ngày Toàn quốc kháng chiến, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội nguyện chung sức, đồng lòng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Trước hết, tập trung thực hiện tốt các chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Huy động và sử dụng hiệu quả cao nhất các nguồn lực trong và ngoài nước. Phát triển mạnh doanh nghiệp; tạo mọi thuận lợi để người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.
Phát triển kinh tế gắn kết chặt chẽ với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thực hiện tốt chính sách đối với người có công với nước.
Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Giữ vững và tăng cường niềm tin trong nhân dân, củng cố mối quan hệ mật thiết và sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, giữa nhân dân với Đảng. Tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và phát huy mạnh mẽ quyền dân chủ, tự do của người dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. Tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thưa đồng bào, đồng chí!
Tinh thần, khí phách “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân Thủ đô Hà Nội trong 60 ngày đêm năm 1946 - 1947 mở đầu cho Toàn quốc kháng chiến đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một bản anh hùng ca mùa Đông bất tử. Tầm vóc lớn lao và ý nghĩa sâu sắc của sự kiện lịch sử vĩ đại này đang soi rọi vào công cuộc đổi mới và hội nhập hôm nay.
Từ mốc son chói lọi này, nhìn về quá khứ, hướng tới tương lai, chúng ta càng thêm phấn khởi, tự hào, trân trọng những gì đã làm được để tiếp tục ra sức phát huy; đồng thời, chúng ta cũng nghĩ suy, trăn trở về những gì chưa làm được để quyết tâm khắc phục, sửa chữa; càng thấm thía sâu sắc giá trị quý báu không gì sánh được của: Độc lập, Tự do của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân; về giá trị của hoà bình và phát triển; càng tin tưởng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Thủ đô và đất nước. Dù phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách, nhưng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của chúng ta nhất định thành công vì chúng ta có sức mạnh từ cội nguồn lịch sử ngàn năm văn hiến và anh hùng; có Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại; có nhân dân dũng cảm, cần cù, sáng tạo đang vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.
Trách nhiệm và sứ mệnh của chúng ta trước quá khứ lịch sử hào hùng của cha ông ta để lại, trước tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam là: phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ muôn vàn kính yêu hằng mong ước.
Đó là ý chí và khát vọng của nhân dân cả nước cũng như của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội; là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với cha ông và muôn đời sau.
Tinh thần Ngày Toàn quốc kháng chiến bất diệt!
Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!
Một lần nữa, kính chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các vị khách quý, các đồng chí, đồng bào sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.