(HNM) - Sau 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1975 - 2015), TP Hồ Chí Minh đã có bước tiến thần kỳ. Trong đó, những công trình về hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông đã giúp thành phố vươn lên ngang tầm với các thành phố lớn trong khu vực và trên thế giới.
Trong kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông, có thể nói hầm sông Sài Gòn là dấu ấn đậm nét của TP Hồ Chí Minh sau 40 năm giải phóng. Công trình này là một phần của dự án Đại lộ Đông Tây (nay là đường Võ Văn Kiệt) nối quận 1 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Tháng 11-2011, công trình được chính thức thông xe sau gần 7 năm thi công. Hầm sông Sài Gòn đã kết nối đôi bờ sông, giảm tải cho cầu Sài Gòn và là động lực phát triển của thành phố trong tương lai, đặc biệt là Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đây còn là công trình hầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam và hiện đại nhất Đông Nam Á.
Sau 40 năm giải phóng, TP Hồ Chí Minh đã có bước phát triển mới. Ảnh: Văn Thương |
Có thể thấy, sau khi đưa vào sử dụng hàng loạt công trình giao thông trọng điểm, cơ sở hạ tầng của thành phố nói chung và giao thông nói riêng đã "thay áo mới". Tính từ đầu năm 2013 đến nay, tại khu vực nội thành đã đưa vào sử dụng hàng loạt cầu vượt nhẹ như cầu vượt tại vòng xoay Hàng Xanh (Bình Thạnh) tại nút giao Lăng Cha Cả (Tân Bình), nút giao Nguyễn Tri Phương - Thành Thái - Ba Tháng Hai (quận 10), cầu vượt Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa (Tân Bình) và cầu vượt nhẹ dài nhất và là cầu vượt nhánh đầu tiên của TP Hồ Chí Minh tại bùng binh Cây Gõ (quận 6).
Tại cửa ngõ phía Đông, cầu Sài Gòn 2 đã được đưa vào khai thác vào cuối năm 2013 cùng với Xa lộ Hà Nội nâng cấp mở rộng lên 12 làn xe và cầu vượt tại ngã tư Thủ Đức đã chính thức khai thông xuyên suốt cung đường Điện Biên Phủ - Cầu Sài Gòn - Xa lộ Hà Nội. Cung đường này được xem là cung đường "xương sống" của TP Hồ Chí Minh giúp cho khu vực giao thông cửa ngõ phía Đông thành phố trở nên liên hoàn. Còn tại cửa ngõ phía Đông bắc, dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (đường Phạm Văn Đồng) cũng được xem là một trong những tuyến đường đẹp nhất TP Hồ Chí Minh. Đến nay, đường Phạm Văn Đồng đã được thông xe gần 7km. Sau khi hoàn thành đưa vào khai thác toàn tuyến (13,6km), đường Phạm Văn Đồng sẽ giải quyết bài toán giao thông giữa khu vực nội ô với cửa ngõ Đông bắc thành phố.
Một trong những tuyến đường quan trọng góp phần làm thay đổi diện mạo TP Hồ Chí Minh trong năm 2014 phải kể đến là tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Được khởi công vào tháng 10-2009, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài 55km với quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120km/h và tổng số vốn đầu tư là 20.630 tỷ đồng. Tháng 1-2014, hơn 20km đầu tiên của đường cao tốc này, đoạn từ đường Vành đai 2 (TP Hồ Chí Minh) đến quốc lộ 51 (Đồng Nai) đã được thông xe. Theo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), các đơn vị thi công đang khẩn trương thực hiện những công đoạn cuối cùng của dự án để đến ngày 8-2 thông xe toàn tuyến. Như vậy, tuyến đường giữ vai trò là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và khu tam giác kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, góp phần giảm tải đoạn quốc lộ 1A nối TP Hồ Chí Minh - Đồng Nai sẽ được thông xe toàn tuyến trước Tết Ất Mùi.
Một trong những dự án cải tạo môi trường đô thị lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm này phải kể đến "Dự án cải tạo, hồi sinh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè". Ngay từ năm 1993, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã quyết tâm "cứu" dòng kênh "chết". Để thực hiện dự án, thành phố phải di dời giải tỏa hàng nghìn hộ dân, hàng nghìn căn nhà lụp xụp hai bên bờ kênh và thay thế bằng hai tuyến đường mới khang trang, sạch đẹp. Qua đó, gần 7.000 hộ dân sống ven kênh đã được đền bù, giải tỏa, di dời đến nơi ở mới; đồng thời nạo vét hàng trăm nghìn mét khối bùn đất, xây bờ kè, làm đường, lát gạch, trồng cây xanh… Các hạng mục này có mức đầu tư tới 1.600 tỷ đồng nhưng thành phố vẫn quyết tâm thực hiện dù lúc bấy giờ ngân sách còn rất eo hẹp, đồng thời dự án cũng mất tới 10 năm để thực hiện. Mãi tới năm 2003, kế hoạch "hồi sinh" dòng kênh mới được hiện thực hóa bằng dự án vệ sinh môi trường nước Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 1 có vốn đầu tư 300 triệu USD từ nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới. Giai đoạn này cũng phải mất gần 10 năm mới cơ bản hoàn thành. Đến năm 2011, thành phố quyết định tiếp tục đầu tư cải tạo nâng cấp hai tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa từ cuối đường Út Tịch (Tân Bình) đến đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1) với quyết tâm biến hai con đường này trở thành tuyến đường kiểu mẫu của thành phố.
Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã quyết định phê duyệt dự án vệ sinh môi trường thành phố giai đoạn 2 để hoàn thiện "công cuộc hồi sinh" kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với tổng vốn đầu tư 524 triệu USD (tương đương hơn 11.000 tỷ đồng) chủ yếu bằng vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới. Giai đoạn 2 này sẽ được khởi công từ năm 2015 và dự kiến tới năm 2020 mới hoàn thành. Như vậy, để "cứu" một con kênh, TP Hồ Chí Minh phải mất 27 năm với tổng số vốn đầu tư gần 1 tỷ USD mới thực hiện được.
TP Hồ Chí Minh cũng quyết tâm xây dựng 6 tuyến đường sắt đô thị (metro), trong đó tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã được khởi công từ tháng 8-2012. Trước đó, vào tháng 8-2010, hạng mục depot tại quận 12 của tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng đã chính thức được khởi công. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang tập trung vào dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), cụ thể là khẩn trương triển khai các gói thầu đường ngầm, đường trên cao, nhà ga trung tâm. Cuối tháng 7-2014, Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh đã cho động thổ gói thầu số 1b xây dựng tuyến tàu điện ngầm trong lòng đất từ nhà ga Nhà hát thành phố đến nhà ga Nhà máy Ba Son dài 1,8km. Đây được xem là hạng mục quan trọng nhất của tuyến metro số 1 được khởi công trong năm 2014. Giấc mơ về mạng lưới metro tỏa ra khắp thành phố sắp thành hiện thực, dự kiến, chậm nhất vào năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ vận hành tuyến metro đầu tiên.
Cũng trong năm 2014, nằm trong kế hoạch chỉnh trang đô thị, TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành đoạn đường lát đá đầu tiên. Đó là đường Lê Thánh Tôn, đoạn từ đường Đồng Khởi đến đường Pasteur (dài 220m, rộng 14m) đã được lát đá granite dày 8cm, vỉa hè lát đá granite dày 6cm. Các phương tiện ô tô, xe máy vẫn được lưu thông bình thường trên đoạn đường này. Trong thời gian tới, các quận trung tâm thành phố cũng sẽ đồng loạt triển khai cải tạo hè phố, chỉnh trang đô thị. Trong đó, một số tuyến đường chính khu vực trung tâm thành phố như Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Thánh Tôn, Đồng Khởi, Lê Lợi... sẽ được lát đá granite và tăng cường mảng xanh. Đặc biệt, đường Nguyễn Huệ có tổng chiều dài 670m, rộng 64m được kết nối đồng bộ với khu vực xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh mới sẽ trở thành quảng trường trung tâm của thành phố. Dự án này đang được khẩn trương thi công để kịp hoàn thành trước tháng 4-2015 chào mừng Kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1975 - 2015).
Tại buổi lễ tổng kết 10 năm dự án nâng cấp đô thị Việt Nam được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào cuối năm 2014 vừa qua, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã bày tỏ vui mừng trước những tác động đa chiều từ các dự án nâng cấp đô thị mang lại. Lấy dẫn chứng từ chiến lược nâng cấp đô thị của TP Hồ Chí Minh, ông Lê Hoàng Quân cho rằng, các dự án này đã góp phần rất lớn trong việc thay đổi bộ mặt đô thị, cải thiện đời sống của người dân thành phố, đặc biệt là khu vực nghèo, nhất là hàng chục nghìn hộ dân sống dọc các dòng kênh ô nhiễm. Theo Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP Hồ Chí Minh, đến nay thành phố đã hoàn thành xây dựng khoảng 500km hệ thống thoát nước và nâng cấp 580km đường giao thông. Qua đó, có khoảng 30.000 hộ gia đình đã được hưởng lợi từ các dự án này.
Ông Trần Văn Đăng, một người dân sống tại TP Hồ Chí Minh từ trước giải phóng cho biết, ông đã chứng kiến gần như trọn vẹn sự đổi thay của thành phố trong suốt 40 năm qua, chứng kiến những số phận đã thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực hơn khi làm việc và sinh sống tại đây. "Thành phố "thay da, đổi thịt" từng ngày. Có được sự phát triển vượt bậc như ngày hôm nay, trở thành đầu tàu kinh tế lớn nhất của cả nước, thành phố đã "nuôi nấng" và "chở che" biết bao người con từ mọi miền Tổ quốc về đây lập nghiệp và cống hiến. Tôi may mắn được sống khoảng thời gian còn lại của đời mình giữa thành phố trong thời bình, sự phát triển của thành phố như ngày hôm nay quả thật là một sự đổi thay kỳ diệu", ông Trần Văn Đăng nói.
Thật vậy, TP Hồ Chí Minh đã trở thành "nơi chốn đi về" của biết bao thế hệ, của những người trẻ muốn tìm cơ hội lập nghiệp và cả những bậc cao niên vui vầy bên con cháu. Có người ví von thành phố như "bầu sữa mẹ" ôm ấp, cưu mang biết bao số phận, đổi lại, những công dân này đang lao động hăng say, đóng góp công sức, chất xám góp phần đưa thành phố ngày càng phát triển giàu đẹp hơn nữa.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân: Năm 2015 là năm có ý nghĩa trọng đại với chính quyền và nhân dân thành phố khi gắn với Kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đây là tiền đề để thành phố phát triển lên tầm cao mới, trở thành thành phố năng động, văn minh, hiện đại và nghĩa tình. Để làm được điều này đòi hỏi sự nỗ lực và sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo thành phố và trên hết là sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Với mục tiêu phấn đấu xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố xã hội chủ nghĩa, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã và đang đẩy mạnh nhiều phong trào thi đua yêu nước, khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của mình để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, giai đoạn 2011 - 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.