Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điện hạt nhân ở Hàn Quốc: Giúp cân bằng chính sách năng lượng

Hương Chi| 17/09/2015 06:15

(HNM) - Theo Tổ chức Hạt nhân thế giới (WNA), tính đến tháng 9-2015, Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia có công nghệ điện hạt nhân (ĐHN) có thể xuất khẩu.

Nước này cũng đang vận hành 23 lò phản ứng phát điện với công suất 20.716 MW, đưa ĐHN chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng điện sản xuất ra trong năm 2014. ĐHN giúp Hàn Quốc cân bằng chính sách năng lượng trong bối cảnh các nguồn năng lượng khác như nhiệt điện, thủy điện, điện khí… đang cạn kiệt.

Nhà máy Điện hạt nhân Kori ở Busan (Hàn Quốc).


Theo WNA, chương trình ĐHN của Hàn Quốc được khởi động cách nay gần sáu thập kỷ. Năm 1961, Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) được thành lập để hỗ trợ kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ nhất (bắt đầu vào năm 1962). Năm 1964, Ban Năng lượng nguyên tử và Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc tập trung vào việc ứng dụng đồng vị phóng xạ trong y tế và nông nghiệp. Từ năm 1964 đến 1966, Hàn Quốc bắt đầu đánh giá và lựa chọn địa điểm cho nhà máy ĐHN đầu tiên. Năm 1968, kế hoạch phát triển ĐHN dài hạn trong 20 năm tiếp theo được xây dựng. Năm 1971, nhà máy ĐHN đầu tiên được khởi công theo hợp đồng chìa khóa trao tay và bắt đầu hoạt động thương mại vào năm 1978.

Với thành công trong việc phát triển công nghiệp hóa chất và công nghiệp nặng như một phần của kế hoạch phát triển kinh tế, Hàn Quốc đã ký hợp đồng xây dựng nhà máy ĐHN thứ 4 có sự tham gia của nhà thầu chính nước ngoài và 1 nhà thầu phụ trong nước. Từ năm 1978 đến 1980, Hàn Quốc đã đặt hàng 6 tổ máy sử dụng lò phản ứng nước áp lực (PWR). Năm 1981, Trung tâm An toàn hạt nhân được thành lập thuộc Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc. Năm 1989, Hàn Quốc đã tiến hành xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên dựa trên nền tảng công nghệ và kinh nghiệm của các hoạt động quản lý và khoa học trong nước.

Theo đánh giá của WNA, để có được thành công như hôm nay, Hàn Quốc đã tham gia tích cực vào các chương trình hợp tác quốc tế nhằm xây dựng năng lực kỹ thuật và nhận được hỗ trợ về nguồn nhân lực chất lượng cao. Các hoạt động này đồng thời cũng đóng góp vào việc xây dựng lòng tin quốc tế và khảo sát các xu hướng phát triển ĐHN toàn quốc. Chính phủ Hàn Quốc đã cử người tham gia vào các chương trình hợp tác quốc tế và thành lập các văn phòng ở nước ngoài. Dựa trên những cố gắng này, Cơ quan thực hiện chương trình ĐHN (NEPIO) đã sử dụng một cách hiệu quả mạng lưới thông tin giúp cho việc phát triển chương trình ĐHN Hàn Quốc. Bất cứ khi nào NEPIO phải đối mặt với những vấn đề khó khăn, những bài học từ các quốc gia tham khảo được thu thập để giúp NEPIO đưa ra kết luận hợp lý.

Đặc biệt, trong quá trình phát triển ĐHN, Hàn Quốc còn thuê một công ty tư vấn nước ngoài để có được sự bảo đảm về mặt kỹ thuật trong việc đưa ra những quyết định quan trọng. Bằng cách đó, Hàn Quốc đã nhận được các ý kiến phản hồi và đánh giá liên tục từ các chuyên gia trong nước và quốc tế, làm cơ sở cho việc phê chuẩn kế hoạch dài hạn cho 20 năm từ 1968 tới 1989 bao gồm 5 kế hoạch chi tiết nối tiếp nhau trong các lĩnh vực nội địa hóa lò phản ứng hạt nhân, phát triển nhiên liệu và các vật liệu cấu trúc, bảo đảm nguồn Urani, ứng dụng bức xạ, kiểm soát và bảo vệ an toàn bức xạ, nghiên cứu cơ bản, phát triển nhân lực và công nghiệp.

Cùng với đó, Hàn Quốc đã rất chú trọng tới công tác an toàn ĐHN. Cụ thể, Chính phủ Hàn Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải sớm xây dựng một khuôn khổ pháp quy về an toàn hạt nhân cũng như xây dựng hệ thống kiểm soát an toàn hạt nhân. Các kinh nghiệm trong việc xây dựng khuôn khổ pháp quy về an toàn của các nước có nền công nghiệp ĐHN phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Nga... đã được Hàn Quốc nghiên cứu tham khảo và vận dụng linh hoạt và sáng tạo vào thực tiễn trong nước một cách hợp lý và độc lập. Đây là kinh nghiệm có giá trị đối với những quốc gia đang bắt đầu khởi động chương trình phát triển ĐHN như Việt Nam.

Hiện nay, Hàn Quốc đang xây dựng 5 lò phản ứng hạt nhân phát điện và 4 lò đã được lên kế hoạch xây dựng. Nước này cũng có kế hoạch hoặc các đơn đặt hàng cho 12 lò phản ứng hạt nhân mới. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đã được Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) lựa chọn là đối tác xây dựng 4 lò phản ứng hạt nhân tại nước này với số vốn lên đến 20 tỷ USD. Seoul cũng coi năng lượng hạt nhân vẫn là ưu tiên chiến lược trong ít nhất 2 thập kỷ tới và dự kiến công suất ĐHN sẽ đạt 37.000 MW (chiếm khoảng 35-40% tổng điện năng sản xuất ra) vào năm 2029, đồng thời duy trì mức độ này đến năm 2035.

Cuối năm 2014, Trường Đại học Đà Lạt đã tiếp nhận hệ thống thiết bị mô phỏng lò phản ứng hạt nhân thời gian thực OPR1.000 Core Simulator (CoSi) có trị giá 500.000 USD do Tập đoàn Thủy điện - ĐHN Hàn Quốc (CRI-KHNP) cùng một số cơ quan, đơn vị của Hàn Quốc tài trợ. Hệ thống thiết bị này đã được CRI-KHNP đầu tư nghiên cứu nhằm mô phỏng tính toán các thông số thực của lò phản ứng OPR 1.000; cung cấp, dự báo những sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của lò. Trường Đại học Đà Lạt sẽ dùng thiết bị này để sinh viên thực nghiệm mô phỏng tại phòng thí nghiệm công nghệ hạt nhân của trường trước khi tham gia các hoạt động thực tế tại lò phản ứng hạt nhân (Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt). Đây là hệ thống mô phỏng lò phản ứng hạt nhân thời gian thực đầu tiên có mặt tại một trường đại học của Việt Nam.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện hạt nhân ở Hàn Quốc: Giúp cân bằng chính sách năng lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.