Theo dõi Báo Hànộimới trên

Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ bảy: Tạo thêm cơ hội hợp tác mới

Quỳnh Dương| 09/09/2022 06:51

(HNM) - Từ ngày 5 đến 8-9, Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ bảy (EEF 2022) đã được tổ chức tại thành phố Vladivostok (Nga) với sự tham dự của đại diện 68 quốc gia. Trong bối cảnh Nga đang hứng chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine, diễn đàn được cho là sẽ tạo ra những cơ hội hợp tác mới giữa Mátxcơva và các đối tác.

Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ bảy với sự tham dự của đại diện 68 quốc gia.

Với chủ đề “Con đường hướng tới thế giới đa cực”, Diễn đàn Kinh tế phương Đông năm nay được kỳ vọng sẽ gửi đi thông điệp “thay đổi của thế giới không chỉ đem lại những thách thức mà còn tạo ra những cơ hội mới”. Các đại biểu tham dự diễn đàn đã thảo luận nhiều nội dung liên quan tới sự phát triển của khu vực Viễn Đông, nền kinh tế toàn cầu và khu vực, hợp tác quốc tế, cũng như quỹ đạo vượt qua khủng hoảng và cấu trúc mới của thế giới. Hơn 90 sự kiện trong khuôn khổ diễn đàn được chia thành nhiều khối chuyên đề: “Thị trường tài chính: Điều gì giữ được giá trị khi lòng tin mất đi?”; “Vị trí của Nga trong cấu trúc thế giới: Kim cương kết tinh dưới áp lực”…

Diễn đàn năm nay đặc biệt đáng chú ý trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với hàng loạt rủi ro do những biện pháp mà Nga và phương Tây áp đặt trừng phạt lẫn nhau. Theo cảnh báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), căng thẳng giữa hai bên có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng phân mảnh nhiều khối địa chính trị với các tiêu chuẩn khác biệt về công nghệ, hệ thống thanh toán xuyên biên giới và tiền tệ dự trữ. Sự chia rẽ như vậy sẽ làm giảm hiệu quả của hợp tác đa phương, ngăn cản cộng đồng quốc tế cùng giải quyết các vấn đề cấp thiết toàn cầu như biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực. Ngoài ra, việc các biện pháp trừng phạt ngày càng thắt chặt sẽ dẫn đến động thái Mátxcơva giảm xuất khẩu dầu ra thị trường toàn cầu và dòng xuất khẩu khí đốt của Nga chảy sang châu Âu giảm xuống còn 0. Điều này sẽ khiến lạm phát tăng liên tục trên toàn cầu, buộc các chính phủ thắt chặt điều kiện tài chính trong nỗ lực đối phó với tình trạng giá cả tăng cao. Theo dự báo của IMF, tỷ lệ lạm phát trong năm 2022 ở các nền kinh tế phát triển sẽ lên tới 6,6%; tỷ lệ lạm phát ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển lên tới 9,5%.

IMF đã hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2022 xuống 3,2%, thấp hơn so với mức dự báo 3,6% mà tổ chức này đã đưa ra hồi tháng 4. IMF cho biết, GDP toàn cầu thực sự giảm trong quý II-2022 do suy giảm kinh tế ở Trung Quốc và Nga. IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 từ mức 3,6% đưa ra hồi tháng 4 xuống 2,9% do tác động của chính sách tiền tệ bị thắt chặt.

Trước những rủi ro đã được dự báo, EEF được đánh giá là diễn đàn quốc tế quan trọng để tạo dựng và tăng cường mối quan hệ giữa cộng đồng đầu tư của Nga và thế giới, đánh giá toàn diện về tiềm năng kinh tế của vùng Viễn Đông Nga, giới thiệu các cơ hội đầu tư và điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển. Hơn nữa, từ vài năm qua, Nga đã xác định chính sách xoay trục sang châu Á, vì vậy diễn đàn có thể xúc tiến những đề xuất của Nga với các nước châu Á, lấy khu vực Viễn Đông giàu tài nguyên làm bàn đạp để cụ thể hóa các sáng kiến này. Trong bối cảnh đó, các cuộc đối thoại kinh doanh Nga - Ấn Độ, Nga - ASEAN, Nga - Mông Cổ, cuộc họp của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển vùng Viễn Đông của Nga và các tỉnh Đông Bắc Trung Quốc, Hội nghị Thương mại và Đầu tư vùng Bắc Cực thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận.

Theo đánh giá của nhiều nhà phân tích quốc tế, EEF lần này sẽ mang lại một “đòn bẩy” không nhỏ cho nền kinh tế Nga.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ bảy: Tạo thêm cơ hội hợp tác mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.