Sáng 30-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự khai mạc và có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn cấp cao của ASEAN về hợp tác tiểu vùng vì tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững.
Đây là diễn đàn đầu tiên của ASEAN về chủ đề này, là dịp để các nước thành viên, các đối tác của ASEAN, các tổ chức khu vực và quốc tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp cùng trao đổi, xác định các cơ hội, thách thức, tiềm năng và phương hướng thúc đẩy hợp tác phát triển tại các tiểu vùng.
Diễn đàn có sự tham dự và đóng góp ý kiến của lãnh đạo và đại diện cấp cao các nước như: Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Phankham Viphavanh; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn, thay mặt Samdech Techo Hun Sen - Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia; Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi; Bộ trưởng Ngoại giao Australia; Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc; các vị bộ trưởng và đại biểu cấp cao phụ trách phát triển kinh tế các nước Malaysia, Indonesia, Thái Lan…; đại diện các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng như BIMP-EAGA, IMT-GT, ACMECS, Ủy hội Mê Công, Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS)...; các tổ chức khu vực và quốc tế là đối tác quan trọng về hợp tác tiểu vùng của ASEAN và khu vực như ADB, WB, UNDP, UNESCAP, JICA…; đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công và đại diện Hội đồng Tư vấn kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC). Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc và kết thúc diễn đàn.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, do tính chất đa dạng của ASEAN, sự phát triển ở các tiểu vùng đều nằm tại vị trị địa lý quan trọng của khu vực, rất cần được ASEAN quan tâm, chú trọng. Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với quá trình liên kết khu vực được thúc đẩy nhanh và sâu rộng của ASEAN, việc gắn kết và đảm bảo các vùng, miền theo kịp với tiến trình phát triển chung của khu vực có ý nghĩa đặc biệt. Thủ tướng kêu gọi đẩy mạnh sự đoàn kết, hợp tác và chung tay phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia như điều kiện thiết yếu để đảm bảo tăng trưởng bao trùm và bền vững.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam chỉ ra 3 ưu tiên cần thúc đẩy trong hợp tác tiểu vùng. Một là, lấy người dân làm chủ thể, làm trung tâm, làm mục tiêu và động lực cho phát triển. Hai là, tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế giúp nâng cao năng lực đảm bảo phát triển bền vững ở các tiểu vùng; đề nghị các nước ASEAN, các đối tác, nhất là các nước phát triển, các tổ chức khu vực, quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp tích cực ủng hộ, giúp đỡ các nước đang phát triển ở các tiểu vùng về nguồn lực tài chính, chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ xanh… nhằm bảo tồn các nguồn tài nguyên tự nhiên, ứng phó hiệu quả các thách thức. Ba là, tăng cường kết nối cả về hạ tầng, kinh tế và văn hóa để đẩy mạnh thu hẹp khoảng cách phát triển, tạo thuận lợi cho cuộc sống người dân và phát triển kinh tế ở các tiểu vùng.
Những định hướng quan trọng được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu cũng phù hợp với quan tâm và ý kiến chung của nhiều đại biểu, diễn giả tại diễn đàn. Đẩy mạnh kết nối, thúc đẩy hội nhập kinh tế, tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, sử dụng và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy du lịch… là những nội dung hợp tác chủ đạo được các nước ASEAN, các đối tác và các tổ chức khu vực, quốc tế thống nhất cần đẩy mạnh.
Các ý kiến khẳng định tầm quan trọng và tính gắn kết tương hỗ chặt chẽ, bổ trợ lẫn nhau giữa nỗ lực phát triển ở các tiểu vùng và tiến trình liên kết khu vực của ASEAN. Các đại biểu cũng thống nhất rằng, cần tận dụng và khai thác hiệu quả các tiềm năng hợp tác còn tiềm ẩn ở các tiểu vùng tạo cơ hội kinh doanh, đầu tư cho các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực.
Trong phần nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về “Thúc đẩy hợp tác tiểu vùng trong ASEAN, hướng tới phục hồi và phát triển bền vững” được trình bày tại diễn đàn, ADB đề cao vai trò của các hành lang kinh tế tiểu vùng trong tăng cường kết nối và liên kết kinh tế khu vực; gắn kết nhịp nhàng, hiệu quả giữa các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng cũng như với các kế hoạch phát triển chung của ASEAN, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh phục hồi từ tác động của đại dịch Covid-19 và đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030.
Một số đề xuất về sự hợp tác mới đã được các đối tác đưa ra, trong đó có thúc đẩy đối thoại, trao đổi giữa ASEAN với các đối tác về hợp tác phát triển tiểu vùng trong giai đoạn tới, nhằm triển khai cụ thể các nội dung thỏa thuận tại diễn đàn lần này.
Các đại biểu hoan nghênh và đánh giá cao vai trò và đóng góp của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hợp tác phát triển ở các tiểu vùng, vì mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển và phát triển đồng đều, bền vững trong ASEAN. Dự kiến, các đề xuất, khuyến nghị của diễn đàn sẽ được tổng hợp, báo cáo lên lãnh đạo cấp cao ASEAN để xem xét, chỉ đạo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.