Theo dõi Báo Hànộimới trên

Diễn biến bất lợi với Nhà Trắng

Kim Phượng| 11/01/2010 07:08

(HNM) - Vị thế chiếm đa số của phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ đang bị đe dọa khi tuần qua hai Thượng nghị sĩ (TNS) Crixơ Đót và Bairơn Đogơn của đảng Dân chủ bất ngờ tuyên bố sẽ không ra tranh cử tiếp trong năm bầu cử 2010 vào tháng 11 tới, khiến đảng này thêm lo ngại về những khó khăn chồng chất hiện nay.

Sự ra đi của Thượng nghị sĩ C.Đót đã khiến Tổng thống B.Ôbama mất đi một đồng minh đắc lực.

(HNM) - Vị thế chiếm đa số của phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ đang bị đe dọa khi tuần qua hai Thượng nghị sĩ (TNS) Crixơ Đót và Bairơn Đogơn của đảng Dân chủ bất ngờ tuyên bố sẽ không ra tranh cử tiếp trong năm bầu cử 2010 vào tháng 11 tới, khiến đảng này thêm lo ngại về những khó khăn chồng chất hiện nay.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Crixơ Đót, Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện tuyên bố sẽ không tìm cách tái cử vào tháng 11 tới được xem là mất mát lớn của Tổng thống Mỹ Barắc Ôbama khi không còn một đồng minh kiên định, hùng mạnh với 35 năm kinh nghiệm ở Oasinhtơn. TNS Đót là "kiến trúc sư" chính của dự luật giúp thực thi ưu tiên đối nội hàng đầu của ông B.Ôbama - cải cách hệ thống chăm sóc y tế Mỹ - vừa là nhân vật chủ chốt trong những nỗ lực "công phá" thành trì tiền thưởng ở Phố Uôn cũng như đối phó với biến đổi khí hậu và gây sức ép lên Iran về chương trình hạt nhân của nước này.

Nhiệm kỳ hiện tại của ông Đót tại Thượng viện sẽ kết thúc vào tháng 11-2011. Phát biểu với giới báo chí tại Oasinhtơn, ông Đót thừa nhận những nhiệm vụ nặng nề thời gian qua đã đẩy ông vào" tình thế chính trị cam go nhất trong sự nghiệp của mình". Ngay tại bang quê nhà Connếchticớt, ông Đót hiện phải đối mặt với cuộc tái cử đầy khó khăn trước đối thủ là nữ doanh nhân giàu có Linđa Mác Mahông mà phần thắng khá mong manh.

Tuy nhiên, sự ra đi của TNS Đót (thuộc bang Connếchticớt) trên thực tế không ảnh hưởng đến số ghế mà đảng Dân chủ nắm giữ ở bang này, bởi đảng dân chủ có thể nhanh chóng thay thế bằng một ứng cử viên mạnh hơn. Nhưng sự ra đi của TNS Đogơn mới thực sự là một mất mát lớn, vì Đacôta Bắc là bang có xu hướng ủng hộ đảng Cộng hòa nhiều hơn. Điều này có nghĩa là rất có khả năng đảng Dân chủ sẽ mất chiếc ghế thứ 60 có tính quyết định ở Thượng viện, khi cần thiết phải thông qua một dự luật quan trọng nào đó. Mặc dù chỉ cần đa số phiếu là có thể thông qua một dự luật theo thủ tục bỏ phiếu thông thường, nhưng đảng chiếm thiểu số vẫn có thể vận dụng các "vận động hành lang" để cản trở. 60/100 từ xưa đến nay tại Thượng viện Mỹ là số phiếu cần thiết để ngăn chặn không cho phe thiểu số áp dụng các tiểu xảo ở "hành lang".

Kết quả biểu quyết mở đường cho cuộc bỏ phiếu cuối cùng ở Thượng viện thông qua Dự luật cải cách y tế vừa qua là một ví dụ điển hình cho tầm quan trọng của lá phiếu thứ 60 này. Hiện đảng Dân chủ chiếm 58/100 ghế ở Thượng viện, cùng với 2 ghế của nghị sĩ độc lập thường đứng cùng phe trong các cuộc bỏ phiếu. Đảng Dân chủ hiện cũng chiếm đa số ở Hạ viện với 256/435 ghế. Thông thường, trong các năm bầu cử giữa nhiệm kỳ khi số đông cử tri không hài lòng với các nghị sĩ ở cả hai đảng thì đảng cầm quyền sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn. Năm 2010 là năm bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, trong đó có việc bầu lại 1/3 số ghế ở Thượng viện và toàn bộ Hạ viện. Sự ra đi của hai TNS Đogơn và Đót đã buộc đảng Dân chủ vào cuộc chiến bảo vệ 4 ghế mở và 3 ghế dễ mất tại Thượng viện, gồm cả vị trí do lãnh đạo phe đa số Dân chủ Hari Rết đang nắm giữ. Trên một bình diện khác, các tuyên bố nghỉ hưu của hai TNS trên đã khiến các thành viên đảng Cộng hòa tại Quốc hội "phấn khởi" bởi lạc quan thắng lợi đã ló dạng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11 tới khi đảng Dân chủ mất đi hai nhân vật chủ chốt.

Bên cạnh đó, sự ủng hộ của cử tri Mỹ đối với đảng Dân chủ đã có phần sụt giảm sau chưa đầy một năm khi đảng này giành được đa số áp đảo ở cả Thượng và Hạ viện, kiểm soát cả ngành lập pháp và hành pháp Mỹ. Kết quả cuộc thăm dò dư luận mới đây nhất của Nhật báo Phố Uôn và Hãng tin NBA của Mỹ cho thấy, bức tranh chính trị của nước Mỹ đang thay đổi sau năm đầu tiên cầm quyền của tổng thống thuộc đảng Dân chủ và một quốc hội do đảng này kiểm soát. Chỉ có chưa đầy 50% cử tri Mỹ đánh giá tốt cách điều hành đất nước của Tổng thống đương nhiệm.

Trong khi đó, một số nhân vật cao cấp trong đảng Dân chủ bày tỏ lo ngại, tỷ lệ thất nghiệp chưa được cải thiện, khó khăn kinh tế kéo dài, bế tắc trong cuộc chiến ở Ápganixtan là những nhân tố khiến đảng Dân chủ có thể bị mất thêm ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11 tới. Vì vậy, năm 2010 này, sau khi mất hai nhân vật quan trọng, không chỉ là một năm thử thách đầy sóng gió với đảng Dân chủ cầm quyền, mà còn là một năm tương tự đối với những chính sách đang được Nhà Trắng theo đuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Diễn biến bất lợi với Nhà Trắng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.