Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điện ảnh Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế: Khát vọng bứt phá

An Nhi| 30/05/2021 06:12

(HNM) - Không dừng lại ở trong nước, điện ảnh Việt Nam đang tiến mạnh ra thị trường quốc tế và đạt được dấu ấn nhất định. Minh chứng rõ nhất là số lượng phim Việt đoạt giải thưởng quốc tế và có chỗ đứng tại hệ thống rạp nước ngoài ngày càng nhiều. Tuy nhiên, để thực hiện khát vọng bứt phá trên trường quốc tế, điện ảnh Việt Nam cần có chiến lược phát triển đồng bộ và bền vững hơn.

Thời gian qua, một số phim do Việt Nam sản xuất đã chinh phục thành công các thị trường quốc tế. Trong ảnh: Một cảnh trong “Lật mặt 5: 48h”, bộ phim đã nhận được thỏa thuận công chiếu tại Mỹ, Canada, Australia.

Những bước tiến triển vọng

Lập kỷ lục doanh thu hơn 400 tỷ đồng trong nước, phim “Bố già” do nghệ sĩ Trấn Thành sản xuất, đồng đạo diễn, diễn viên chính tiếp tục chinh phục các thị trường quốc tế. Sau khi “xuất ngoại” đến Singapore, Malaysia với những suất “cháy vé” vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua, “Bố già” đã đến với khán giả Melbourne (Australia) từ ngày 21-5 và có nhiều suất chiếu kéo dài đến giữa tháng 6-2021. Đặc biệt, từ ngày 28-5, phim chính thức có mặt ở Mỹ, được chiếu rộng rãi tại nhiều nơi, như: California, Georgia, Texas, Virginia và các thành phố lớn: Washington, New York…

Cùng với “Bố già”, một số phim truyện điện ảnh Việt gần đây cũng đã đạt thỏa thuận phát hành ở nước ngoài. Sau khi cán mốc doanh thu 150 tỷ đồng trong nước, “Lật mặt 5: 48h” sẽ công chiếu tại Mỹ, Canada, Australia thời gian tới. Tương tự, “Thiên thần hộ mệnh” của đạo diễn Victor Vũ cũng sẽ đến với khán giả Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Ireland, Czech, Australia và một số nước trong khu vực ASEAN. Phim kinh dị “Bóng đè” (đạo diễn Lê Văn Kiệt) cũng đã được mua bản quyền để phát hành tại 25 quốc gia trên thế giới, dù chưa ra mắt tại Việt Nam. Đây là bước tiến quan trọng, tạo đà cho nhiều phim Việt thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.

Bên cạnh việc đi theo hướng thị trường, điện ảnh Việt Nam cũng đã chủ động góp mặt trong các sự kiện điện ảnh uy tín quốc tế. Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thường xuyên phối hợp với các nhà sản xuất gửi phim tham dự vòng loại giải Oscar ở hạng mục “Phim truyện quốc tế”, như các phim: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cha cõng con”, “Cô Ba Sài Gòn”... Ngoài ra, nhiều phim Việt cũng đã tham gia trình chiếu tại các sự kiện trong khuôn khổ liên hoan phim quốc tế: Cannes (Pháp), Berlin (Đức), Busan (Hàn Quốc)… Hằng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều phối hợp với các đơn vị tổ chức Tuần phim Việt Nam tại các quốc gia, như: Nga, Mỹ, Đức, Cuba… để mang những phim đoạt giải trong nước đến bạn bè quốc tế.

Không chỉ phim, kịch bản Việt cũng ghi dấu ấn khi mới đây, phim “Vệ sĩ Sài Gòn” được Hãng phim Universal của Mỹ mua bản quyền sản xuất lại. Tương lai hứa hẹn đây sẽ là “bom tấn” của Hollywood, vì được anh em nhà Russo - những người gắn liền với loạt phim siêu anh hùng của “Vũ trụ điện ảnh Marvel” đạo diễn.

Một cảnh trong phim “Thiên thần hộ mệnh”, bộ phim được mua bản quyền phát hành tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Phát triển điện ảnh theo hướng công nghiệp, hiện đại

Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định phát triển điện ảnh theo hướng công nghiệp, hiện đại, hội nhập quốc tế, với mục tiêu đến năm 2030 xây dựng nền điện ảnh Việt Nam có bản sắc và uy tín ở châu Á, có tác phẩm chất lượng cao, tài năng điện ảnh tầm cỡ thế giới.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan, điện ảnh Việt Nam trước đây chỉ được coi là ngành nghệ thuật, nhưng muốn có tác phẩm chất lượng cao, bước ra thế giới, có khả năng cạnh tranh quốc tế, thì phải phát triển điện ảnh thành ngành công nghiệp, đồng thời tăng cường xúc tiến, hợp tác, học hỏi các nền điện ảnh mạnh trên thế giới.

Tại hội thảo quốc tế trực tuyến “Nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Phát triển bền vững và mang tính cạnh tranh quốc tế” do Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam và Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, Giám đốc, cố vấn Film Group (Singapore) Nelson Mok nhận định, điện ảnh Việt Nam rất có triển vọng trên trường quốc tế, khi có “Bố già” và một số phim khác phát hành tốt ở nhiều nước. Ông N.Mok cho biết, phim Việt Nam muốn bước ra thế giới trước tiên phải thành công trong nước, bởi đơn vị phát hành nước ngoài sẽ xem xét phim đó được giới chuyên môn và khán giả trong nước đón nhận ra sao mới quyết định mua.

Để sản xuất những bộ phim có sức hút với khán giả trong nước và trên thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển nền công nghiệp điện ảnh, theo đạo diễn, nhà sản xuất Charlie Nguyễn, phim phải kể được câu chuyện của người Việt Nam hôm nay, mang bản sắc và đặc trưng Việt, không vay mượn, làm lại kịch bản nước ngoài. Bên cạnh đó, nước ta cần chú trọng đào tạo đội ngũ làm nghề chuyên nghiệp, đồng đều ở tất cả các khâu biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim, đạo cụ, kỹ xảo…

Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Phương Hòa cho rằng, ngoài tập trung vào bản sắc Việt, điện ảnh nước ta phải tích cực tham gia các liên hoan phim quốc tế uy tín để bạn bè quốc tế biết đến; đồng thời, hợp tác để phát hành phim tại hệ thống rạp trong nước, quốc tế và phát hành trên nền tảng trực tuyến, hòa vào xu hướng thế giới. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị cần đưa điện ảnh thế giới đến Việt Nam thông qua liên hoan phim, tuần phim trong nước và hợp tác làm phim quốc tế để học hỏi, nâng cao chất lượng...

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, để tạo hành lang pháp lý cho điện ảnh chuyển mình, bứt phá, nhất là trên trường quốc tế, dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đang được hoàn thiện để trình Quốc hội với nhiều đổi mới, ghi nhận những đóng góp của giới chuyên môn, phù hợp với bối cảnh phát triển trong nước và quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện ảnh Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế: Khát vọng bứt phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.