Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điện ảnh Việt Nam: Nhọc nhằn tìm cái mới

Hải Giang| 18/03/2012 06:42

(HNM) - Thêm một mùa Cánh diều nữa trôi qua, câu chuyện đau đầu nhất mỗi kỳ giải thưởng bao giờ cũng là định giá trị cho tác phẩm theo tiêu chí của hội nghề nghiệp.


Mới từ quy chế

Một điểm đáng chú ý trong quy chế chọn phim truyện điện ảnh dự Cánh diều 2011 là trong số thành phần làm phim (đạo diễn, biên kịch, quay phim…) cho dù không có ai là hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam thì bộ phim đó vẫn có quyền được tranh giải. Nhà phê bình điện ảnh, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - ông Trần Luân Kim cho rằng, đây là một bước tiếp tục đổi mới nhằm thu hút đông đảo hơn nữa lực lượng làm phim, trong đó có cả những nhà làm phim là người nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam, hoặc những nghệ sĩ nước ngoài nhưng mang trong mình dòng máu Việt. Những năm trước, phim dự giải bắt buộc phải có ít nhất một người trong ê-kíp sản xuất phim là hội viên của hội.


Cảnh trong phim “Mùi cỏ cháy”.

Xem ra, nói đổi mới cũng phải mà coi như đây là một cách thích ứng của đơn vị tổ chức với chính sự vận động của đời sống điện ảnh cũng đúng. Sân chơi điện ảnh cũng có điểm giống như bóng đá, những cầu thủ nhiều màu da khác có thể chạy trên sân cỏ Việt Nam với tinh thần chung là nâng cao tính chuyên nghiệp.

Tổ chức giải hướng đến tiêu chí nghề nghiệp là ý thức chủ quan của hội, nhưng theo các nhà phê bình điện ảnh thì cái ý thức chủ quan ấy phải có những điều kiện nhất định để thực hiện. Trong đó, phong trào sáng tác chưa thực sự phát triển cũng là một yếu tố cản trở. Muốn tìm cái mới, cái ý thức đào sâu sáng tác, cái ý nghĩa nhân văn mà không có tác phẩm thì… cũng chịu. Ngay cả việc đổi mới quy chế cũng là một bước mở rộng về số lượng. Phải đến một ngưỡng nào đó, từ sự phong phú, cọ xát của số lượng mới nảy sinh những bước phát triển về chất.

Lại có ý kiến cho rằng, Cánh diều không thu hút các nhà làm phim độc lập với không ít những thử nghiệm sáng tạo về nghề. Điều này không sai, nhưng hình như chưa đủ. Ở ta mới chỉ xuất hiện những gương mặt làm phim theo xu hướng độc lập, song số lượng quá ít ỏi. Một ý kiến đáng chú ý khác là một số nhà làm phim trẻ có ý thức tự vận động kinh phí để thực hiện giấc mơ điện ảnh, nhưng một khi nguồn đầu tư đó là do một tổ chức, cá nhân nào đó hỗ trợ thì tính "độc lập" cũng khó toàn vẹn.

Phép thử "Mùi cỏ cháy"

Từ lúc có ý tưởng cho tới khi hoàn thiện, bộ phim truyện điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng này đã xác lập nhiều kỷ lục về độ "nhọc nhằn". Cũng có thể xem đây như một phép thử về nhiều vấn đề của điện ảnh, trong đó có câu chuyện, phim đề tài cũ như chiến tranh cách mạng có thể hấp dẫn người xem không?

Nhiều nghệ sĩ khẳng định: Đã lâu lắm rồi mới có một bộ phim chiến tranh cách mạng xúc động đến như thế. Song cũng có khi "Mùi cỏ cháy" bị chê là cách kể hơi "xưa", bối cảnh mắc một số lỗi quen thuộc của phim chiến tranh… Nhìn nhận vấn đề "cũ" và "mới" trong tác phẩm này thế nào, cũng như lý giải ra sao về khả năng chạm đến sâu thẳm những tầng bậc cảm xúc người xem như thế?

Nhà phê bình điện ảnh Trần Luân Kim (thành viên Ban Giám khảo phim truyện điện ảnh Cánh diều 2011) trao đổi với Hànộimới: Cánh diều coi trọng yếu tố nghề nghiệp trong một tác phẩm điện ảnh. Nhưng khi đặt những tác phẩm có yếu tố đổi mới ấy đứng cạnh nhau, nhất thiết phải xem tác phẩm nào có tác động sâu rộng tới xã hội. "Mùi cỏ cháy" nói về câu chuyện không mới nhưng rất xúc động, nhiều chi tiết rõ ràng có tìm tòi, sáng tạo. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng: Làm phim chiến tranh mà hấp dẫn, lay động được người xem như vậy thì chính là một nét mới. Đổi mới trong cách kể cũng còn phải tùy thuộc vào thể loại. Phim chiến tranh phải chấp nhận một trình tự câu chuyện có đầu cuối. Cứ xem "Artist" (bộ phim đoạt Oscar 2012) thì cách kể cũ đến thế là cùng, nhưng kể như vậy mà vẫn hay thì chính là đã không lặp lại cái cũ.

Lúng túng trong định giá trị?

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã là người ủng hộ việc hội nghề nghiệp hỗ trợ, hợp tác với nhà làm phim tư nhân để nâng cao chất lượng kịch bản cũng như tác phẩm điện ảnh. Nhưng bà cũng cho rằng, ta đang có những nhầm lẫn nhất định giữa yếu tố lạ, cá biệt, khác biệt với sự đổi mới. Điều đó ít nhiều gây ra lúng túng trong việc định giá trị tác phẩm.

Phim do tư nhân sản xuất không chỉ xuất hiện sôi nổi, ấn tượng mà còn áp đảo về số lượng trong Cánh diều 2011. Muốn hay không nó cũng gây ra những tranh cãi về việc yếu tố công nghệ, tính thị trường có tương xứng với giá trị xã hội mà nó mang lại cho công chúng? Thực tế là, những phim như "Long Ruồi", "Sài Gòn Yo"… cho dù thông điệp xã hội chưa thực sự sâu sắc như thừa nhận của giới chuyên môn, song nó cũng lại được một số nhà phê bình, biên kịch đánh giá là "làm tròn trịa, tương đối khá".

Giải trí mà không nhảm nhí, hấp dẫn mà vẫn mang giá trị nhân văn, nghệ thuật rõ ràng không phải là vấn đề của hai dòng phim, mà chính là căn cốt của nền điện ảnh nước nhà trong quá trình phát triển. Có nhiều ý kiến cho rằng, nên lượng hóa những tiêu chí xét giải thưởng, như một cách định hướng sáng tác, cụ thể hóa bằng hệ thống giải thưởng nhỏ đi kèm giải thưởng chính thức. Đặc biệt tiêu chí về "bản sắc văn hóa dân tộc" phải được quan tâm hơn nữa. Đó cũng là nền tảng cho những đổi mới của điện ảnh nước nhà - đi tận cùng cái ta để chạm tới tinh thần chung của nhân loại.

“Mùi cỏ cháy” đoạt 4 Cánh diều Vàng
(HNM) - Tối 17-3, lễ kỷ niệm Ngày Điện ảnh Việt Nam (15-3-2012) và lễ trao Giải thưởng Cánh diều 2011 đã diễn ra tại Cung Văn hóa, Lao động - Hữu nghị Việt - Xô Hà Nội với sự tham dự của đông đảo nghệ sĩ điện ảnh, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ VH-TT&DL.

Từ 137 phim thuộc 7 thể loại của 40 cơ sở điện ảnh trong cả nước dự thi, Ban giám khảo các thể loại của Cánh diều 2011 đã chọn được những đại diện tiêu biểu để trao giải Cánh diều Vàng (CDV), Cánh diều Bạc (CDB) cùng các giải thưởng khác. Bộ phim truyện nhựa “Mùi cỏ cháy” đã vượt lên 11 phim giành 4 CDV cho Phim truyện nhựa xuất sắc nhất; Biên kịch xuất sắc nhất - nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm; Nhạc sĩ xuất sắc nhất - Đỗ Hồng Quân; Quay phim xuất sắc nhất - Phạm Thanh Hà.

Hai bộ phim giành CDB gồm “Long Ruồi” và “Sài Gòn Yo”. “Lệ phí tình yêu” cùng “Hotboy nổi loạn, câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt” cùng nhau nhận Bằng khen của Hội Điện ảnh Việt Nam. Danh hiệu Đạo diễn xuất sắc nhất năm nay thuộc về Charlie Nguyễn (phim “Long Ruồi”). Họa sĩ Mã Phi Hải (phim “Lời nguyền huyết ngải”) dành giải Họa sĩ xuất sắc nhất.

Giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất được trao cho Thái Hòa (phim “Long Ruồi”). Quỳnh Hoa của “Sài Gòn Yo” trở thành Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất là Hiếu Hiền (Phim “Hotboy nổi loạn…”). Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất là Tina Tình (phim “Long Ruồi”). Bên cạnh đó “Hotboy nổi loạn…” cũng giành giải Báo chí.

Phim truyện truyền hình năm nay không có CDV. Hai bộ phim “Công nghệ thời trang” - Hãng TFS và “Những đứa con biệt động Sài Gòn”-Hãng phim Long Vân cùng nhận CDB. Đạo diễn Nguyễn Dương dành CDV Đạo diễn phim truyền hình xuất sắc nhất (phim “Khát vọng thượng lưu”). Cao Minh Đạt (phim “Công nghệ thời trang”) và Elly Trần (phim “Khát vọng thượng lưu”) dành giải Nam, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất phim truyện truyền hình.

CDV Phim ngắn dành cho bộ phim “16h30” của đạo diễn trẻ Trần Dũng Thanh Huy. CDB Phim ngắn: “Thứ 7 này bác có đến không?” của Lê Phương Mai; “Mắt cửa” của Huỳnh Viết Phương.

CDB Phim tài liệu điện ảnh: “Sóng nhà giàn”.
CDV Phim tài liệu truyền hình: “Tiếng vọng 50 năm”.
CDV Phim khoa học: “Động đất - Sóng thần thảm họa
khôn lường”.
CDV thể loại phim hoạt hình thuộc về “Đôi bạn” của đạo diễn Phạm Hồng Sơn. Đạo diễn xuất sắc nhất là Phạm Ngọc Tuấn (phim “Chiếc lông công”).
Lĩnh vực lý luận phê bình điện ảnh không có CDV.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điện ảnh Việt Nam: Nhọc nhằn tìm cái mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.