(HNM) - Đại hội toàn quốc Hội Điện ảnh Việt Nam lần thứ VIII vừa diễn ra tại Hà Nội. Mặc dù điện ảnh Việt trong 5 năm qua đã có những bước đi vừa nhọc nhằn vừa ngẫu hứng, ít nhiều sôi động hơn nhưng Hội và những người làm nghề cũng phải đồng tình với dự báo
Vẫn đang... "chạy đà"
Xã hội hóa điện ảnh là một trong những chính sách bộc lộ rõ dấu ấn trong đời sống điện ảnh trong 5 năm qua. Đến nay, cả nước có trên 200 cơ sở điện ảnh ngoài khu vực nhà nước được phép hoạt động, cùng với đó là hơn 140 phòng chiếu kỹ thuật số chủ yếu do tư nhân quản lý, khai thác. Dòng phim do các đơn vị tư nhân sản xuất tăng từ 12 phim trên tổng số 17 phim sản xuất trong năm 2010 lên đến 22 trên 25 phim vào năm 2014.
Các sự kiện quảng bá phim trước và sau khi sản xuất, ra mắt phim, giao lưu với nghệ sĩ… được tổ chức rầm rộ chả kém sự kiện ra mắt những "bom tấn" của điện ảnh Mỹ. Có lẽ cũng lâu rồi mới trở lại hiện tượng khán giả quan tâm đến sự ra đời, sức lan tỏa… của phim Việt chiếu rạp. Bên cạnh dấu ấn của dòng phim do tư nhân sản xuất, phim của các hãng phim nhà nước cho thấy sự rục rịch tìm hướng mới.
Đặc biệt, ở cả hai dòng phim đều thấy rõ xu thế chuyển thể các tác phẩm văn học được chú ý lên màn ảnh. Những cái tên như "Hương ga" (từ tiểu thuyết "Phiên bản" của Nguyễn Đình Tú), "Quyên" (từ tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Văn Thọ), "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" (từ tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh)… được quan tâm ngay từ khi chưa bấm máy. Người ta xem trailer (đoạn phim quảng cáo) và bình luận rộn ràng trên mạng.
Cảnh trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. |
Cũng không thể không ghi nhận những bước đi rõ rệt hơn của phim độc lập với nhiều cái tên đã góp mặt ở những sân chơi điện ảnh trẻ thế giới. Ngoài phim truyện thì phim hoạt hình đã gây chú ý đáng kể khi xuất hiện những gương mặt trẻ có nhiều sáng tạo, đam mê với nghề.
Như đã nói, nhiều mảng hoạt động điện ảnh Việt tuy có sự "khởi sắc", "chuyển biến", "đổi mới", "tiến bộ"… nhưng vẫn đang trên đường chạy đà chứ chưa thể cất cánh. Hệ thống rạp chiếu hiện đại chủ yếu do tư nhân quản lý, hệ thống rạp nhà nước thì xuống cấp trầm trọng, chủ yếu vẫn sử dụng máy chiếu phim nhựa, chưa chuyển đổi được sang công nghệ kỹ thuật số. Nhiều địa bàn miền núi, vùng xa vẫn là vùng trắng về điện ảnh.
Xã hội hóa giúp đời sống điện ảnh thêm rộn ràng nhưng các nhà đầu tư không quên mục tiêu kinh tế. Phim nặng về giải trí vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Khoảng 100 triệu USD doanh thu mỗi năm có từ lợi nhuận chiếu phim đương nhiên thuộc về tư nhân, trong đó có các liên doanh với nước ngoài. Còn trách nhiệm tái đầu tư cho nền điện ảnh trong nước, cho những mục tiêu phát triển văn hóa, xây dựng nhân cách con người Việt Nam… vẫn là nhiệm vụ của Nhà nước, do Nhà nước lo.
Nguồn nhân lực thiếu trầm trọng
Có lẽ đây là nhận định quan trọng nhất của Hội Điện ảnh Việt Nam, một sự lý giải rõ ràng cho vấn đề được quan tâm là vì sao điện ảnh nước nhà chưa thể cất cánh.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Điện ảnh Việt Nam lần thứ VIII, khi nhìn thấy sự có mặt của NSND Trà Giang, một trong những diễn viên thế hệ đầu của nền điện ảnh cách mạng, nhiều nghệ sĩ không khỏi nhớ về một thời điện ảnh Việt. Một thời mà điện ảnh mang đến cảm giác thật sang trọng. Không phải vì hương phấn mà vì tâm thế làm nghề, thái độ không dễ dãi của chính các nghệ sĩ.
Hiện nay, phần lớn những nghệ sĩ, người làm phim được đào tạo bài bản đã quá tuổi lao động, trong khi lực lượng kế tiếp chưa thể hiện khả năng sẵn sàng. Cả nước có trên 50 cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật nhưng ngành điện ảnh chỉ có hai đơn vị. Số trường ít đã đành, điều gây quan ngại là trường nào cũng thiếu giảng viên ở mức "trầm trọng", thiếu luôn cả phương tiện thiết bị chuyên dùng để thực hành.
Khâu đào tạo trong nước gặp khó khăn, việc đưa người ra nước ngoài học tập cũng có sự hạn chế. So với bối cảnh hiện tại, điều khiến nhiều người băn khoăn là vì sao trước đây, trong những năm tháng khó khăn của đất nước mà chúng ta lại có nhiều lớp nghệ sĩ được đào tạo bài bản ở nước ngoài như Bùi Đình Hạc, Trần Văn Thủy, Vương Đức, Lê Hồng Chương (Đại học Điện ảnh Mátxcơva), Phi Tiến Sơn (Đại học Điện ảnh và Truyền hình CHDC Đức)...
Còn nhớ chừng 10 năm trước, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên từng phát biểu về tính chuyên nghiệp trong điện ảnh với tình trạng "phải dùng một người làm ánh sáng để cầm sào thu thanh, dùng một đạo diễn mới ra trường làm thư ký… và bản thân đạo diễn phải làm nhiều việc khác như kế hoạch quay, dựng phim…".
Ngay khi đó anh đã nói: "Nếu cứ tiếp tục kéo dài thế này thì trong tương lai sẽ không còn ai là người chuyên nghiệp trong ngành điện ảnh Việt Nam nữa". Về điều này, họa sĩ thiết kế mỹ thuật Vũ Huy cho rằng, sự thiếu coi trọng, thậm chí bỏ qua một số khâu của quy trình làm phim điện ảnh của các nhà đầu tư cũng là nguyên nhân khiến cho việc làm phim không có được sự bài bản, không thể hiện tính chuyên nghiệp…
Lại nói về đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, lâu nay anh gắn bó với điện ảnh trong vai trò người dẫn dắt Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh - TPD với những hoạt động "truyền nghề" trực tiếp cho những người trẻ. Giải thưởng Búp sen vàng của TPD bắt đầu có uy tín, bên cạnh đó, một số tác phẩm do các bạn trẻ thực hiện cũng đoạt được giải thưởng tại các sân chơi điện ảnh, phần nào mang lại cảm giác về một lực lượng kế tiếp. Tuy nhiên, nguồn lực xã hội hóa khiến đơn vị này mấy phen sóng gió và vẫn đang vừa hoạt động vừa tìm kiếm nhà tài trợ...
Càng nghĩ càng thấy đời sống điện ảnh còn bề bộn, biết đến bao giờ mới có thể cất cánh được đây?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.