Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm xuất phát là nhận thức

Ngân Vũ| 04/06/2020 16:04

(HNMCT) - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa phối hợp với UBND thành phố Hà Nội phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”. Sự kiện này diễn ra gần với thời điểm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, trong bối cảnh thiếu nhi cả nước háo hức đón chào Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6...

Những sự kiện trên nhắc nhở chúng ta, những người lớn luôn khẳng định tình yêu và sự quan tâm tới trẻ em và cần phải cố gắng nhiều hơn nữa trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ. Cố gắng nhiều hơn là bởi, dù Đảng và Chính phủ luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác thực hiện quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em và thực tế trong thời gian qua cho thấy phần việc này đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng cuộc sống cũng cho thấy tình trạng xâm hại trẻ em - cả trong đời thực và trên không gian mạng - có diễn biến phức tạp; vẫn có trường hợp trẻ tử vong do tai nạn, thương tích, trẻ bị bạo hành cả trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội.

Đó là chưa kể hiện tượng lạm dụng sức lao động trẻ em, sự thiếu về cơ sở vật chất phục vụ việc luyện tập thể dục - thể thao, sinh hoạt văn hóa... cho con trẻ. Sự hạn chế đó sẽ không được khắc phục nếu mỗi người trong chúng ta không thật tâm hướng mình vào đó, nói đi đôi với làm, coi mỗi trẻ nhỏ trên đất nước này như con em ruột thịt của mình để điều chỉnh cách ứng xử, đối đãi, quan tâm, dạy bảo, làm gương...

Xuất phát điểm của mọi sự thay đổi bắt đầu từ nhận thức. Nhận thức như thế nào thì hành động như thế ấy.

Như cách đây ít ngày, khi chúng ta đón nhận tin buồn về một học sinh tử vong do cây đổ trong khuôn viên trường học. Chia sẻ, bày tỏ sự cảm thông, thậm chí giận dữ lên án sự tắc trách của ai đó là một chuyện. Vấn đề quan trọng là làm gì đó để từ nay không còn cảnh trẻ thơ bị tước đi mạng sống chỉ vì nguyên nhân không đáng có, chứ không phải nhất nhất nhân danh trẻ em để quy trách nhiệm với dụng ý nhằm làm “xấu mặt” cá nhân, nhà trường cụ thể.

Thực tế vẫn có nhiều người thường nói ra miệng việc thương yêu con trẻ, tạo điều kiện để con em cố gắng rèn luyện thành người có ích, nhưng lại không cố gắng làm gương cho trẻ học theo. Dễ thấy cảnh cha mẹ “quẳng” cho con chiếc điện thoại thông minh để rảnh tay làm việc khác. Chúng ta nói trẻ thiếu sân chơi, mải mê lên mạng nhưng không phải ai cũng chịu bỏ công đưa trẻ tới nhà hát, rạp chiếu phim hoặc mua sách cho chúng.

Không ít phụ huynh thường chê bai thực phẩm đường phố thiếu an toàn nhưng lại không chịu khó nấu nướng để con mình có cái “bỏ vào miệng” trước khi đến trường. Nhiều gia đình sẵn sàng chi tiền cho con học đủ loại khóa học kỹ năng sống nhưng lại không chú ý uốn nắn trẻ tại nhà, khi trẻ thể hiện cách ứng xử và khả năng xử lý tình huống thiếu chuẩn mực...  

Sự thay đổi nhận thức là rất quan trọng. Nhận thức ở đây thể hiện qua thái độ nhất quán nói đi đôi với làm. Tình thương yêu phải đi đôi với hành động thể hiện. Việt Nam có Luật Trẻ em, có các cơ quan, tổ chức chuyên trách nhiệm vụ bảo vệ trẻ em, nhưng nếu không có sự chung sức của cả cộng đồng, khi tất cả nhất trí quan điểm trẻ em “như búp trên cành”, là “tương lai của thế giới” nhưng còn có người thỏa hiệp với thói xấu liên quan tới trẻ nhỏ, lợi dụng trẻ để mưu cầu lợi ích không chính đáng... thì nỗ lực của cả cộng đồng không thể mang lại kết quả như mong muốn.

Bởi vậy, có thể nói, đã đến lúc nhiều người trong chúng ta dừng việc đổ lỗi cho hoàn cảnh, không biện hộ rằng cuộc sống khó khăn, gấp gáp nên cha mẹ không có thời gian chăm chút cho con mình. Hãy luôn nghĩ rằng mình cần cố gắng nhiều hơn nữa, cần vượt qua hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ, chăm sóc trẻ nhiều hơn, bởi trẻ em có quyền đòi hỏi điều đó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điểm xuất phát là nhận thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.