(HNMCT) - Văn hóa truyền thống luôn là nền tảng căn bản trong các lĩnh vực của đời sống. Truyền thống được hình thành, chắt lọc từ quá khứ, được sáng tạo để thích nghi với cuộc sống hiện tại và hướng tới tương lai. Nhiều quốc gia ngày càng quan tâm đến văn hóa truyền thống, coi đây là chất liệu để sáng tạo và phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế. Vì vậy, nhận diện tốt những giá trị truyền thống sẽ là điểm tựa vững chắc để bước vào tương lai.
Sức sống, cảm hứng từ truyền thống
Hồi đầu năm nay, Trưng bày “Từ truyền thống tới truyền thống” của nhóm sinh viên chuyên ngành Lụa và Sơn mài của khoa Hội họa (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) tại đình Nam Hương (75 Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm) đã thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng. Sau một tháng tìm hiểu về dòng tranh dân gian Hàng Trống với nghệ nhân Lê Đình Nghiên, nhóm đã sáng tạo nhiều tác phẩm đương đại mang hơi thở truyền thống, mở ra những hy vọng về việc kế thừa và phát huy giá trị của một di sản tưởng như đã bị quên lãng. Hơn thế, ngôi đình Nam Hương nằm trên con phố từng chứng kiến sự tồn tại, phát triển và lụi tàn của dòng tranh dân gian Hàng Trống nổi tiếng, giờ lại trở thành nơi gặp gỡ của các thế hệ có chung tâm huyết giữ gìn một dòng tranh quý của Thủ đô.
Đánh thức các di sản bằng cách khơi dậy những giá trị văn hóa nguồn cội để phát huy, khai thác một cách hiệu quả đang là cách được nhiều di tích trên địa bàn Hà Nội thực hiện. Tại Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhiều trưng bày đã được thực hiện với những sáng tạo trong việc thiết kế, sử dụng công nghệ, áp dụng các thủ pháp trưng bày hiện đại nhằm phát huy tối đa giá trị văn hóa và không gian di tích. Cùng với đó, các sản phẩm lưu niệm gắn với hình ảnh đặc trưng cũng được thiết kế và sử dụng nhằm lan tỏa giá trị văn hóa - lịch sử của di tích, đồng thời phục vụ nhu cầu của du khách. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Sản phẩm lưu niệm mang tính đặc trưng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám là kết quả của sự sáng tạo, tìm tòi, nghiên cứu trên nền tảng truyền thống. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc đưa yếu tố truyền thống vào các sản phẩm lưu niệm. Chẳng hạn, sổ, bút, giá để điện thoại, bình nước, đồng hồ... được gắn với những hình ảnh liên quan đến truyền thống khoa bảng Việt Nam như sĩ tử đi thi, vinh quy bái tổ, hay các họa tiết, hoa văn trang trí điển hình trên các công trình kiến trúc để tạo thành các sản phẩm đặc trưng, qua đó giúp du khách hiểu thêm về giá trị của di tích”.
Nhận diện truyền thống trong cuộc sống hiện đại
Đánh thức di sản là đánh thức những giá trị truyền thống đã ngủ yên hoặc bị che mờ bởi lớp bụi thời gian. Ngày nay, điều đó càng có ý nghĩa khi tính dân tộc, tính truyền thống được các quốc gia đặc biệt coi trọng và đưa vào các sản phẩm thiết kế mang tính ứng dụng nhằm thu lợi về kinh tế, đồng thời quảng bá các giá trị truyền thống của quốc gia đó. Thế nhưng, việc nhận diện giá trị truyền thống trong cuộc sống hiện đại không đơn giản. Họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng lý giải vì sao văn hóa truyền thống chưa được nhìn nhận đúng: “Văn minh truyền thống tồn tại dưới dạng vật chất và phi vật thể ở nước ta là một kho tàng cực kỳ phong phú, không thua kém bất cứ dân tộc phồn vinh nào trong lịch sử. Có điều nó bị chiến tranh che phủ, sự mặc cảm thua kém phương Tây, Trung Hoa, Ấn Độ và tự đánh giá thấp mình, không coi trọng gia tài của mình nên chúng ta cứ hướng ra ngoài, học bên ngoài nhiều hơn là trong nhà...”.
Khai thác di sản, văn hóa truyền thống đôi khi bắt đầu từ những điều rất đơn giản. Đó có thể là những công cụ sản xuất, là những nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương hay những tri thức nghề truyền thống để tạo nên những sản phẩm mang tính bản địa. Ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VietCraft) cho rằng, những sản phẩm thiết kế nói chung của Việt Nam có tính kế thừa truyền thống và tính bản địa rất cao. Điều đó đã tạo nên những nét đặc trưng và mang lại giá trị kinh tế, văn hóa cho sản phẩm. “Việt Nam có 54 dân tộc anh em. Đó là một kho tàng văn hóa truyền thống có thể khai thác, kết hợp với các nguyên liệu, kỹ thuật sản xuất truyền thống và hiện đại để tạo nên những sản phẩm mới dựa trên nền tảng truyền thống. Truyền thống không phải là di tích của quá khứ mà là nhịp cầu nối kết các giá trị mới. Đó chính là cách mà các sản phẩm thiết kế “đánh thức” truyền thống”.
Đề cao vai trò của thiết kế như là một công cụ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ông Ngọc cũng cho biết, hiện nay, nhiều quốc gia đang theo đuổi xu hướng này. Nếu không kịp thời nắm bắt thời cơ và nhận diện tốt di sản truyền thống, một ngày nào đó, các thương hiệu nổi tiếng thế giới có thể sử dụng văn hóa bản địa của các quốc gia vào thiết kế của họ. Tại Việt Nam, không ít sản phẩm của các hãng thời trang danh tiếng như: Louis Vuitton (LV), Gucci, H&M… đã khiến nhiều người Việt “shock” vì được lấy cảm hứng từ những thứ rất quen thuộc như: Chiếc túi LV có hình dáng như hai chiếc nón lá úp vào nhau, hay mẫu túi Jelly/Plastic Handbags trông na ná chiếc làn nhựa phụ nữ Việt thường dùng đi chợ có giá lên tới 3.150USD. Mẫu ví cầm tay của nhà thiết kế nổi tiếng người Pháp Jean Paul Gaultier có hình dáng, màu sắc như tàu lá chuối, lá cọ - những loài cây phổ biến ở Việt Nam - có giá lên tới vài nghìn đô la Mỹ… Những minh chứng này cho thấy, nếu biết khai thác một cách sáng tạo, người Việt có thể tự hào với thế giới về văn hóa truyền thống của đất nước mình.
Đánh thức bộ gen Việt
Khẳng định truyền thống là sự kế thừa, và điều đó phải do lớp người đi trước truyền lại cho thế hệ sau, ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho rằng, các nghệ nhân lớn tuổi thường nắm giữ nhiều tri thức nghề truyền thống mà các bạn trẻ cần học hỏi. Người trẻ có lợi thế dễ thích nghi và tiếp cận cái mới. Vì thế, họ sẽ là lực lượng kế thừa và phát huy tốt giá trị văn hóa truyền thống. “Tuy nhiên, Nhà nước cần tăng cường các hoạt động đào tạo, giao lưu, sáng tác đối với các nghệ nhân lớn tuổi, qua đó giúp họ nâng cao năng lực tạo mẫu, năng lực nắm vững xu hướng thị trường và vật liệu mới để họ có thể truyền nghề cho thế hệ trẻ một cách tốt nhất”, ông Ngọc nói.
Đồng quan điểm khuyến khích thế hệ trẻ sáng tạo, nhà thiết kế Từ Phương Thảo, Giám đốc thiết kế Công ty cổ phần Sadec District cho rằng, thế hệ trẻ hiện nay có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc tiếp thu những xu hướng sáng tạo mới trên thế giới. Việc học hỏi các kỹ năng từ bên ngoài sẽ là “phần cứng” để vận hành cho bộ máy sáng tác, nhưng thế hệ trẻ cần nghiên cứu, phát triển “phần mềm”, đó chính là bộ gen Việt - được bắt nguồn từ chính văn hóa truyền thống Việt có trong mỗi người. “Điều đó giúp nhận dạng “quốc tịch” của tác phẩm Việt giữa trăm ngàn tác phẩm của các nước khác. Khai thác di sản của cha ông chính là khởi động, “đánh thức” các bộ gen Việt”, bà Thảo chia sẻ.
Văn hóa truyền thống là nguồn tài nguyên không bao giờ cạn nếu biết giữ gìn, bảo vệ và khai thác đúng cách. Muốn vậy, song song với việc kế thừa, phải có sự sáng tạo để văn hóa truyền thống luôn được đầu tư trở lại. Và thực tế chứng minh, khi thế hệ trẻ biết quý trọng văn hóa truyền thống, đó sẽ là điểm tựa vững chắc để bước vào tương lai.
“Đánh thức Truyền thống” (Awakening Traditions) là chủ đề của cuộc thi Designed by Vietnam 2021 (diễn ra từ ngày 17-7 đến 31-8-2021) trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam (VNDW) 2021 do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) và một số đơn vị tổ chức tại Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 15 đến 21-11-2021. Đây là năm thứ 2 sự kiện này được tổ chức nhằm tôn vinh sản phẩm và các nhà thiết kế xuất sắc của Việt Nam trên 5 lĩnh vực: Thiết kế truyền thông, Thiết kế đồ nội thất, Thiết kế vật dụng và trang trí, Thiết kế trang phục và Thiết kế công cộng; đồng thời khuyến khích sự thay đổi trong tư duy khai thác và làm mới các giá trị truyền thống của Việt Nam, hướng tới xu thế thiết kế bền vững cũng như hỗ trợ kết nối với thị trường trong và ngoài nước.
Trong khuôn khổ chương trình, do yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch Covid-19, Ban tổ chức Tuần lễ VNDW 2021 đã tổ chức 2 buổi hội thảo trực tuyến nhằm giúp các thí sinh có cơ hội chia sẻ, trao đổi chuyên môn với những người hướng dẫn - các nhà thiết kế đi đầu trong việc thực hành các lĩnh vực này ở Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.