Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm tựa nông nghiệp công nghệ cao

TS Lê Hưng Quốc| 17/02/2010 06:58

(HNM) - Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, có thể thấy từ sâu lắng nhất truyền thống anh hùng chống ngoại xâm và nền văn minh lúa nước (văn minh sông Hồng) là hai yếu tố căn cốt tạo nên bản sắc Việt Nam.


Văn minh lúa nước - bản sắc Việt Nam

Ông cha ta nói: Với quốc gia là "Dĩ nông vi thiên"; với nông dân "Dĩ nông vi bản" "Dân dĩ thực vi nhiên, thực dĩ an vi tiên" nghĩa là coi nghề nông là gốc, bảo đảm cái ăn làm đầu, lấy lành làm đầu, bảo đảm an ninh lương thực thực phẩm.

Chăm sóc giống nấm tại Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật, Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Bảo Lâm


Kỹ thuật trồng lúa nước nghìn năm của người Việt được tổng kết trong bốn chữ: nước, phân, cần, giống ngày nay đã đạt tới trình độ như làm vườn ở Thái Bình (xếp ải nỏ, chọn giống tốt, gieo mạ khay, cấy mạ non ngửa tay thẳng hàng, tới nước phù sa theo thủy triều, đắp đê tạo ra các kênh tưới tiêu... Vùng Đồng bằng sông Hồng ngày nay đạt năng suất lúa cao nhất cả nước ngang với các nước có trình độ phát triển (6 tấn/ha/vụ). Doanh thu 1ha (trồng 2 vụ lúa) đạt gần 3.000 USD, gấp đôi Thái Lan (chỉ làm 1 vụ lúa/năm). Nước ta đã tham gia xuất khẩu gạo từ cách đây 100 năm với hàng triệu tấn gạo. Hiện nay gạo Việt Nam đã chiếm 1/5 tổng lượng gạo thương mại thế giới.

Hà Nội là trung tâm của vùng châu thổ sông Hồng có hàng trăm triệu tấn sản phẩm nông, lâm, thủy sản mỗi năm. Nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới đều đánh giá rất cao văn hóa ẩm thực Hà Nội đến mức độc đáo, có sức cạnh tranh cao, có lợi thế phát triển. Họ ví như "bếp ăn của thế giới" với các thương hiệu nổi tiếng đã xuất ngoại như phở, bún, bánh cốm, bánh đa, bánh đậu xanh, hoa đào Nhật Tân...

Với hàng trăm làng nghề nông thôn, Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước với các sản phẩm: chế biến lương thực thực phẩm, chế biến gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, nghề dệt, thêu, ren, may, nghề giấy, sản xuất vật liệu xây dựng, nghề cơ khí, đồ gốm sứ, thương mại và "đầu ra" là 36 phố phường nội đô. Đó chính là mô hình làng xã nông thôn bền vững do kết hợp nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ vốn tồn tại ở Hà Nội từ xa xưa.

Nhân dân vùng châu thổ còn tôn thờ tình mẫu tử (bà chúa Liễu Hạnh) và tình yêu nam nữ (Chử Đồng Tử - Tiên Dung).

Xây dựng nền nông nghiệp Hà Nội đa chức năng

Nông nghiệp Thủ đô hiện nay không còn đáp ứng được các yêu cầu của Hà Nội và toàn vùng châu thổ sông Hồng với tam giác phát triển Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội và chiến lược hai hành lang một vành đai gắn với Côn Minh, Nam Ninh, có thị trường hàng trăm triệu dân và sức mua hàng chục tỷ USD.

Vì vậy nông nghiệp Hà Nội phải vươn lên đi đầu cả nước với định hướng xây dựng nền nông nghiệp đa chức năng, đa canh, hiện đại, giàu bản sắc Hà Nội với sản phẩm là hàng hóa chất lượng cao, hiệu quả cao. Bây giờ cây lúa không còn chiếm ưu thế tuyệt đối như trước đây. Nông nghiệp đa chức năng là ngoài các yếu tố truyền thống như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, nghề phụ, còn cần phát triển dịch vụ, du lịch, công nghiệp, thương mại, môi trường nông thôn, xây dựng nông thôn kiểu mới.

Nông dân Hà Nội thế kỷ XXI phải được đào tạo để đạt 2 yêu cầu: chuyên nghiệp và sáng tạo. Hà Nội cần hình thành một thế hệ nông dân kiểu mới, công nhân nông nghiệp, là địa phương có thể xuất khẩu những chuyên gia là nông dân.

Nông thôn Hà Nội là vùng ngoại vi được đô thị hóa xanh, sạch, đẹp, kiểu mẫu cho cả nước; có kết cấu hạ tầng hiện đại và đời sống tinh thần văn minh, phù hợp và tôn vinh vùng nội đô, trên cơ sở mô hình thí điểm nông thôn mới ở xã Thụy Hương (Chương Mỹ).

Làng nghề Hà Nội được hiện đại hóa phát triển thành các cụm công nghiệp nông thôn, có thương hiệu để xuất khẩu ra thế giới. Ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, tôn vinh nghệ thuật ẩm thực giàu bản sắc Hà Nội và ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp phải được coi là chiến lược mũi nhọn. Thương mại nông thôn Hà Nội phải được quy hoạch tổ chức lại là mô hình chợ nông thôn cho toàn vùng học tập.

Công nghệ của nền văn minh lúa nước phải được nâng cao thành nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ GAP đã được quốc tế hóa, Việt Nam hóa gắn với doanh nghiệp, trang trại và thị trường. Hà Nội cần đi tiên phong xây dựng nền nông nghiệp hợp đồng, có cam kết, theo tiêu chuẩn và hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và sĩ, nông, công, thương.

Tiếp tục xây dựng các trường đại học ngang tầm khu vực và đẳng cấp quốc tế, nâng cao văn hóa thanh lịch lên mức văn hóa hội nhập xây dựng nền khoa học công nghệ nông nghiệp mang thương hiệu Việt Nam, tương xứng với Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điểm tựa nông nghiệp công nghệ cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.