(HNM) - Ngày này 64 năm trước, hàng vạn người dân Hà Nội đã vỡ òa trong niềm vui đón đoàn quân chiến thắng trở về...
Truyền thống đoàn kết là điểm tựa để xây dựng thành công một Thủ đô xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại. Ảnh: Vũ Long |
1. Chưa đầy một tháng sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được khai sinh, thực dân Pháp với dã tâm cướp nước ta một lần nữa đã gây hấn và phát động chiến tranh ra cả nước. Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Hà Nội đã “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Sau cuộc trường chinh 9 năm cả nước kháng chiến gian khổ, nhưng vô cùng vinh quang, Hà Nội đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; buộc thực dân Pháp ký Hiệp định Geneve ngày 20-7-1954, công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
16h ngày 9-10-1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên. Sáng 10-10-1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh quân lớn ca khúc khải hoàn tiến vào trung tâm Hà Nội. Hàng vạn người dân Hà Nội trong niềm vui sướng vỡ òa, đổ ra đường chào đón đoàn quân chiến thắng. Thăng Long - Hà Nội có thêm một mốc son rạng rỡ trong lịch sử ngàn năm đầy tự hào.
Ngay trong những ngày đầu tiên trở về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân Thủ đô: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới nhìn vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.
64 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã nỗ lực thực hiện lời Bác dạy, ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trung tâm, trái tim của cả nước. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, hàng chục vạn người con Thủ đô lên đường tòng quân chiến đấu khắp các chiến trường. Nơi hậu phương, Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho tiền tuyến với phương châm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Không chỉ vậy, Hà Nội đã cùng các quân, binh chủng và các địa phương, đặc biệt dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” mùa Đông năm 1972. “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người” đã buộc Chính phủ Mỹ phải quay lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đây là tiền đề quan trọng để cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, thu non sông về một mối.
2. Vượt qua những khó khăn, gian khổ thời kỳ bao cấp, Hà Nội đã đi đầu nắm bắt và triển khai quyết sách mới của Đảng, cùng cả nước tạo nên những thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong hơn 30 năm đổi mới.
Đặc biệt, ngày 1-8-2008 đánh dấu mốc son lịch sử mới, mở ra thời kỳ phát triển giàu tiềm năng của Hà Nội. Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, thành phố chính thức hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. 10 năm qua, Thủ đô Hà Nội tiếp tục gương mẫu đi đầu trên mọi “mặt trận”, đạt được những thành tựu nổi bật, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của cả nước. Kinh tế Thủ đô xứng đáng giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển của Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, Hà Nội tiếp tục thể hiện rõ sức vươn ngày càng mạnh mẽ. Mặc dù chỉ chiếm 1% diện tích và 8,1% dân số cả nước, nhưng Hà Nội đóng góp 16,46% về GRDP, 19,05% về thu ngân sách. GRDP tăng bình quân 7,23%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Với phương châm “Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt”, Hà Nội còn đi đầu cả nước trong công tác xây dựng Đảng, nổi bật là việc ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”; thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; triển khai đánh giá cán bộ hằng tháng trong toàn hệ thống chính trị...
Từ đầu năm đến nay, thành phố tiếp tục duy trì tốt đà phát triển trên các lĩnh vực và có những bước tiến vững chắc. Về kinh tế, GRDP thành phố tăng 7,17%. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 6,2 tỷ USD, gấp 5,4 lần cùng kỳ, đứng đầu cả nước. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt khoảng 219,44 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3%. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh, đạt khoảng 10,51 tỷ USD, tăng 21,6%. Ngành Du lịch đạt kết quả ấn tượng với việc đón 19,7 triệu lượt khách, tăng 9,2%, trong đó có 4,3 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20%. Hà Nội tiếp tục đi đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, thành phố có 4 huyện được công nhận huyện nông thôn mới và 294/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến cuối năm nay, con số này sẽ tăng lên thành 8 huyện và 324/386 xã.
3. Từ mốc son Giải phóng Thủ đô 64 năm về trước, đến nay, mạch nguồn đoàn kết, ý chí quyết tâm không lùi bước của người Hà Nội tiếp tục được bồi tụ làm nên những thành tựu quan trọng. Đây cũng là động lực để cán bộ và nhân dân thành phố hướng tới những mục tiêu cao hơn, xa hơn.
Trong quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển Thủ đô, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Hà Nội luôn tự hào về thành quả đạt được, nhưng không giấu hạn chế, yếu kém mà thẳng thắn chỉ rõ, phân tích tỉ mỉ, đề ra giải pháp khắc phục... Dẫu đã đạt nhiều thành quả to lớn, nhưng thành phố chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh. Trên mỗi lĩnh vực, xen giữa những thành tựu, vẫn còn đó những đòi hỏi nỗ lực cao hơn.
Trước mắt, theo chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, các cấp, các ngành đang khẩn trương rà soát, quyết liệt đẩy nhanh việc thực hiện các nhiệm vụ của "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị" để hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2018. Trong đó thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch khắc phục hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra sau kiểm điểm giữa nhiệm kỳ; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác năm 2019, xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá; những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả. Toàn thành phố nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, tập trung 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá gắn với 8 chương trình công tác lớn của Thành ủy.
Sự phát triển của Hà Nội phụ thuộc vào hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, trong đó vai trò đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp rất quan trọng. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh: “Từng đồng chí Thành ủy viên, cấp ủy viên các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần phát huy vai trò, trách nhiệm; sâu sát, bám nắm cơ sở, nhất là những khâu yếu, việc khó, địa bàn còn có những vấn đề phức tạp; tăng cường đối thoại, lắng nghe cơ sở; tiếp thu ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tháo gỡ, đề xuất chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở”.
Với khí thế rồng bay của Thăng Long ngàn năm văn hiến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo; tiếp tục đổi mới phong cách lãnh đạo, điều hành; phấn đấu xây dựng một Thủ đô hòa bình, xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.