Xã hội

Điểm tựa để người khuyết tật vươn lên

Minh Vũ 05/12/2023 - 06:31

Những năm qua, công tác chăm lo, giúp người khuyết tật ổn định cuộc sống luôn được các cơ quan chức năng nỗ lực thực hiện với tinh thần lắng nghe và thấu hiểu. Điều này góp phần thúc đẩy, tạo điểm tựa, động lực, cơ hội để người khuyết tật vươn lên, hòa nhập xã hội.

nguoi-khiem-thi.jpg
Người khiếm thị tham gia Hội thi “Vào bếp cùng phụ nữ khiếm thị Thanh Xuân”, tháng 10-2023.

Vẫn khó hòa nhập

Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, cả nước có hơn 7 triệu người khuyết tật, bằng hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên. Trong đó, số người khuyết tật nặng chiếm khoảng 28,9% tổng số người khuyết tật.

Những năm qua, các bộ, ngành, địa phương quan tâm, chăm lo cho người khuyết tật tương đối đầy đủ, toàn diện. Đến nay, có hơn 1,6 triệu người hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Cùng với đó, người khuyết tật được quan tâm chăm sóc sức khỏe, điều trị phục hồi chức năng, tiếp cận với cơ hội học văn hóa, học nghề…

Cùng với những kết quả đáng ghi nhận, theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi, đời sống của nhiều người khuyết tật còn khó khăn do sức khỏe hạn chế, do thiếu việc làm và sinh kế bền vững…

Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Tô Đức cho biết thêm, số lượng lao động là người khuyết tật được đào tạo nghề, tiếp cận với cơ hội việc làm còn ít. Trung bình mỗi năm, có khoảng 19.000 người khuyết tật được đào tạo nghề; gần 40.000 người được vay vốn ưu đãi để tạo việc làm. Điều này lý giải vì sao, tỷ lệ lao động là người khuyết tật có việc làm mới đạt khoảng 31,7%, tỷ lệ có chứng chỉ nghề mới đạt khoảng 6,5%.

Vừa là người khuyết tật, vừa đồng hành với người khuyết tật, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội Đỗ Thị Huyền khẳng định, giúp người khuyết tật có việc làm là “chìa khóa” để họ vươn lên, hòa nhập xã hội. Tuy nhiên, quá trình tiếp cận với cơ hội việc làm của nhóm lao động đặc thù này còn những rào cản do một số ngành, nghề được hỗ trợ đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường. Hơn nữa, những vị trí việc làm dành cho lao động khuyết tật hiện chưa nhiều. Về phía người lao động, do mặc cảm, tự ti, nhiều người chưa chủ động nắm bắt cơ hội học nghề, tạo việc làm…

Nhiều giải pháp trợ giúp

Giúp người khuyết tật có cuộc sống ngày càng tốt hơn, các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, trong đó có hai giải pháp then chốt là chăm lo toàn diện cho nhóm người khuyết tật nặng và tăng cơ hội học kiến thức, học nghề, việc làm cho nhóm có khả năng lao động.

Với người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng, ngoài các chính sách quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng từ trung ương đến cơ sở còn chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách, huy động nguồn lực xã hội để trợ giúp. Chẳng hạn, tại Hà Nội, các bên chung tay hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho những gia đình gặp khó khăn về nhà ở có thành viên là người khuyết tật; hỗ trợ thêm lương thực, đồ dùng thiết yếu kèm theo khoản tiền chi tiêu cho những hoàn cảnh đặc biệt.

Bà N.T.P (sinh năm 1954, trú tại phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm) cho hay: “Tôi là người khuyết tật nặng, đang ở với em trai, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Nhờ sự quan tâm đến từ nhiều người, nhiều phía, tôi có đủ cơm ăn, thuốc uống hằng ngày”.

Đối với người khuyết tật ở độ tuổi đi học, họ được học tập trong môi trường giáo dục hòa nhập hoặc học tại những cơ sở giáo dục chuyên biệt. Còn những người ở độ tuổi lao động, họ được quan tâm đào tạo nghề, tiếp cận với cơ hội việc làm. Dễ nhận thấy là hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm trên cả nước luôn mở cửa tiếp đón doanh nghiệp và người lao động đến kết nối cung - cầu về lao động, trong đó có nhiều vị trí dành cho lao động khuyết tật.

Gần đây nhất, tại phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức ngày 23-11, các đơn vị, doanh nghiệp đã mang đến cơ hội việc làm cho hàng trăm lao động khuyết tật. May mắn trúng tuyển, anh N.M.K, đến từ phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) phấn khởi nói: “Do bị khuyết tật vận động, nên tôi luôn mong muốn trở thành nhân viên công nghệ thông tin, làm việc tại văn phòng để không phải di chuyển nhiều. Hiện nay, mong ước đã trở thành hiện thực, tôi rất vui”.

Dưới góc độ tuyển dụng, Giám đốc Công ty TNHH Xã hội 3/12 Nguyễn Kim Khôi cho hay: “Thông qua các phiên giao dịch việc làm, chúng tôi đã tuyển được hàng chục lao động là người khuyết tật vào học và làm nghề may. Đa số lao động khuyết tật có khả năng tiếp thu kiến thức, làm việc tốt, nên chỉ cần mỗi người luôn cố gắng thì cơ hội việc làm sẽ rộng mở”.

Ở cấp vĩ mô, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, các bộ, ngành chức năng tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách trợ giúp người khuyết tật sao cho phù hợp, phát huy hiệu quả cao hơn. Tất cả được triển khai với tinh thần lắng nghe và thấu hiểu, tạo đà cho người khuyết tật vươn lên dựa trên khả năng của chính họ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điểm tựa để người khuyết tật vươn lên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.