(HNM) - Gần đây, những cuốn sách đặc biệt trở thành "điểm sáng" trong đời sống xuất bản. Có những cuốn sách giá hàng triệu đồng và qua thị trường đã lên tới giá hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Điều này khơi dậy trào lưu làm và chơi sách đặc biệt.
Tháng 7 vừa qua, giới xuất bản xôn xao khi cuốn độc bản chữ A “Bố già” (Mario Puzo) bìa da dê do Công ty cổ phần Văn hóa Đông A thiết kế đã đấu giá thành công ở mức 260 triệu đồng. Trước đó, một bản giới hạn của cuốn sách này cũng được giao dịch với mức 85 triệu đồng, trong khi giá xuất xưởng là 1,5 triệu đồng. Năm 2020, bộ sách đặc biệt “Việt Nam danh tác” được Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phát hành với giá 5,7 triệu đồng; hiện, bộ sách đang được trao đổi với mức hàng chục triệu đồng. Sáu phiên bản trúc chỉ cuốn sách “Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế” của Công ty cổ phần Sách Thái Hà ra mắt năm 2019 cũng được bán đấu giá ở mức 133,5 triệu đồng, trong đó cuốn sách đấu giá cao nhất là 42 triệu đồng…
Những ấn bản đặc biệt bán được giá cao như vậy là do bên cạnh nội dung hay, hấp dẫn, chúng còn được thực hiện rất kỳ công. Nhiều cuốn bọc da quý hiếm, chất liệu giấy đặc biệt, nhiều công đoạn được làm thủ công, kỹ thuật in, mạ tinh xảo… Những cuốn sách này chỉ được in với số bản giới hạn (80, 100, 500 cuốn hoặc độc bản), nên rất quý, hiếm.
Với trào lưu này, sách không chỉ có giá trị về nội dung, mà còn cả về hình thức, mang dáng dấp tác phẩm nghệ thuật, được những người yêu quý trân trọng, tôn vinh, giữ gìn. Để thị trường sách đặc biệt phát triển phong phú, tạo thành nét văn hóa thì cần sự vào cuộc của nhiều đơn vị xuất bản, trong đó khâu chọn lựa sách, hình thức thể hiện và quảng bá, giới thiệu phải được chú trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.