Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm sáng ''Ngoại giao vắc xin''

Nguyễn Thúc| 03/02/2022 05:17

(HNM) - “Ngoại giao vắc xin” được xem là thành tựu đặc sắc của ngoại giao Việt Nam trong năm 2021. Hoạt động này không chỉ giúp đất nước nhanh chóng có được nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả mà còn đặt nền móng cho các nỗ lực chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin, hướng tới khả năng tự cung cấp và bảo đảm nguồn cung vắc xin bền vững cho đất nước trong tương lai.

Đại diện Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp nhận lô vắc xin được Hoa Kỳ viện trợ thông qua cơ chế COVAX để sử dụng khẩn cấp cho chiến dịch tiêm chủng quốc gia phòng Covid-19.

Không dừng lại ở những nhiệm vụ mang tính truyền thống, đối ngoại Việt Nam trong năm 2021 đã chứng kiến những thành tựu đáng kể về “Ngoại giao vắc xin”. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và vắc xin khan hiếm, “Ngoại giao vắc xin” được đặt lên vị trí ưu tiên số một.

Dấu mốc quan trọng là vào ngày 13-8-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng. Việc thành lập Tổ công tác đã khẳng định chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết, huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, trong đó có vắc xin, để sớm đẩy lùi dịch Covid-19, đưa hoạt động kinh tế - xã hội, cuộc sống nhân dân trở lại trạng thái bình thường mới trong thời gian sớm nhất.

Quán triệt mục tiêu, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ, hoạt động ngoại giao vắc xin, ngoại giao y tế nhanh chóng được đẩy mạnh một cách toàn diện. Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin đã dành nhiều công sức tập trung thực thi nhiệm vụ trọng tâm, đẩy mạnh xúc tiến, vận động các đối tác, tổ chức quốc tế tiếp tục viện trợ, hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ vắc xin, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó là những nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận, kết nối, thúc đẩy, đôn đốc các đối tác nước ngoài trong đàm phán, nhập khẩu và tiếp nhận vắc xin, thuốc điều trị, vật phẩm y tế; đẩy mạnh vận động các đối tác giao vắc xin cho Việt Nam đúng hạn hoặc sớm hơn kế hoạch theo các thỏa thuận, hợp đồng đã ký.

Không dừng ở đó, mục tiêu tìm kiếm nguồn cung vắc xin còn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành thực hiện quyết liệt ngay trong các hoạt động ngoại giao song phương, đa phương, thậm chí ngay trong khuôn khổ các chuyến thăm chính thức, các chuyến công tác, các cuộc điện đàm…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đích thân trao đổi về vấn đề này trong nhiều cuộc điện đàm với lãnh đạo cấp cao các nước như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Các chuyến thăm của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Cuba (tháng 9-2021), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Anh và Pháp (tháng 10-2021), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Phần Lan (tháng 9-2021)… đều đặt “Ngoại giao vắc xin” là một trọng tâm công tác.

Những cố gắng không ngừng nghỉ từ trong nước và hơn 90 cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài đã mang tới nhiều mốc thành tựu, thể hiện rõ nét qua số lượng vắc xin về nước tăng lên nhanh chóng.

Theo số liệu của Bộ Ngoại giao, nếu như tới cuối tháng 7, Việt Nam mới chỉ tiếp nhận khoảng 14 triệu liều, thì con số này đã tăng gấp đôi trong tháng 8, và tới hết tháng 9 đã đạt 54 triệu liều. Tới giữa tháng 12-2021, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thông báo, nhờ nỗ lực vận động quyết liệt và sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, nước ta đã tiếp nhận trên 150 triệu liều vắc xin - một con số được xem là đặc biệt ấn tượng. Việt Nam giờ đây nằm trong nhóm nước có tỷ lệ tiêm chủng cao, tạo cơ sở vững chắc để chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi phát triển kinh tế.

Những nguồn cung vắc xin chủ đạo cho Việt Nam không dừng lại ở Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin Covid-19 (COVAX) vốn chỉ bảo đảm 20% dân số các quốc gia được tiêm chủng trong năm 2021, mà còn thông qua mua trực tiếp từ các nhà sản xuất vắc xin như AstraZeneca, Pfizer…, từ các nước có thể tự sản xuất vắc xin như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Cuba... Việt Nam cũng tranh thủ được các nguồn viện trợ, tặng; thậm chí vay, chuyển nhượng từ hạn ngạch mua vắc xin dôi dư của các nước… Sự đa dạng về nguồn cung đã thể hiện tính linh hoạt, sự chủ động, khéo léo của những trái tim, khối óc đằng sau chiến dịch ngoại giao chưa từng có tiền lệ vì sự an toàn của đất nước và nhân dân.

Phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, ghi nhận đóng góp to lớn của công tác đối ngoại nói chung và ngành Ngoại giao nói riêng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết chỉ riêng trong tháng 12-2021 và tháng 1-2022 đã có những nước sẵn sàng viện trợ cho Việt Nam hàng triệu liều vắc xin. Những con số biết nói khẳng định Việt Nam đã làm chủ được vắc xin, là cơ sở quan trọng để đất nước tự tin thay đổi trạng thái từ “Zero-Covid” (Không Covid) sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để tiếp tục khôi phục kinh tế - xã hội.

Theo người đứng đầu Chính phủ, đây là bước tiến lớn đầy tích cực so với giai đoạn đầu chống đợt bùng phát dịch thứ tư tại Việt Nam, vốn đối mặt tình trạng khan hiếm vắc xin, thuốc điều trị Covid-19, chưa hiểu về chủng Delta và kinh nghiệm có hạn dẫn tới buộc phải dùng các biện pháp hành chính với nhiều rủi ro để ngăn chặn lây lan. Xa hơn, việc nước ta có thể tự sản xuất vắc xin, chủ động nguồn cung cấp, thậm chí có thể xuất khẩu vắc xin ra thế giới là điều người dân Việt Nam có thể tin tưởng.

Bên cạnh những nỗ lực khơi thông “dòng chảy” vắc xin cho đất nước, Việt Nam còn góp phần vào nỗ lực chung của thế giới trong việc đẩy lùi Covid-19. Ngoài những đóng góp vào Quỹ ứng phó Covid-19 của ASEAN, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 hồi tháng 10-2021, Việt Nam đã công bố danh mục vật tư y tế trị giá 5 triệu USD đóng góp cho Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN. Bộ Ngoại giao cũng đã tích cực làm việc với các nước, các đối tác nhằm công nhận lẫn nhau hộ chiếu vắc xin. Bằng những hành động cụ thể, những sáng kiến và cả vật chất, Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong hợp tác phòng, chống dịch.

Có thể khẳng định, “Ngoại giao vắc xin” chính là điểm sáng của đối ngoại Việt Nam trong năm 2021, thể hiện đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong việc tạo lập, huy động các nguồn lực bên ngoài để phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm sáng ''Ngoại giao vắc xin''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.