Thế giới

"Điểm nóng" không ai mong muốn

Hoàng Linh 15/06/2024 - 06:28

Những động thái mới từ Liên minh châu Âu (EU) trong việc áp đặt bổ sung thuế đối với xe điện của Trung Quốc khiến giới quan sát lo ngại về nguy cơ xảy ra một “cuộc chiến” thuế quan mới đầy rủi ro. Đây là "điểm nóng" không ai mong muốn trong bối cảnh bức tranh thương mại thế giới vốn đã tồn tại nhiều căng thẳng.

lien-minh-chau-au-se-ap-dat.jpg
Liên minh châu Âu sẽ áp đặt bổ sung thuế đối với xe điện của Trung Quốc. Ảnh: Euronews

Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố, cuộc điều tra về sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc dành cho các nhà sản xuất xe điện nước này đã tạm thời kết luận rằng, ngành công nghiệp xe điện ở Trung Quốc “được hưởng lợi từ việc trợ cấp không công bằng, điều này gây ra mối đe dọa thiệt hại kinh tế” cho châu Âu. Hệ quả là, các mẫu xe điện của nước này khi nhập khẩu vào châu Âu sẽ phải chịu mức thuế bổ sung từ 17,4% đến 38,1%, được áp dụng cùng với mức thuế 10% hiện có. Điều đó có thể đưa ra tỷ lệ thuế cao nhất có thể lên tới gần 50%.

Hình phạt mới của EU áp dụng các mức thuế mới khác nhau đối với ba nhà sản xuất xe điện lớn của Trung Quốc. BYD có mức thuế bổ sung thấp nhất, ở mức 17,1%. Geely (công ty sở hữu Volvo của Thụy Điển) bị áp mức thuế tăng cường tới 20%. Riêng SAIC (chủ sở hữu thương hiệu MG) bị áp thêm 38,1%. Các nhà sản xuất xe điện khác ở Trung Quốc nếu “hợp tác” với cuộc điều tra của EU sẽ chịu mức thuế bổ sung 21%, còn những nhà sản xuất “không hợp tác” phải chịu mức thuế bổ sung 38,1%. Ngoại lệ duy nhất là Tesla có thể nhận được “mức thuế tính riêng”.

Động thái của EU được giới quan sát cho là đã thể hiện rõ quan điểm bảo hộ thương mại trước làn sóng sản phẩm Trung Quốc, và tương đồng với những biện pháp Mỹ triển khai. Washington đã tăng thuế với xe điện Trung Quốc lên 100% - gấp 4 lần so với mức trước đó. Các quan chức phương Tây lo ngại, việc làm và các ngành công nghiệp quan trọng mang tính chiến lược của các nước phương Tây có thể bị tác động tiêu cực, thậm chí biến mất trước làn sóng hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc. Năm 2023, giá trị nhập khẩu ô tô điện từ Trung Quốc của EU đạt 11,5 tỷ USD, tăng so với mức chỉ 1,6 tỷ USD vào năm 2020.

Ngoài ô tô điện, EU cũng đang xem xét khả năng các công ty tua bin gió và nhà cung cấp tấm pin mặt trời liệu có được Trung Quốc hỗ trợ theo cách tương tự.

Các ý kiến phân tích cũng lo ngại, những hàng rào thuế quan mới có thể sẽ khởi động một loạt căng thẳng giữa Bắc Kinh và EU, gây ra nhiều thiệt hại. Kịch bản xấu nhất có thể xảy ra nếu Trung Quốc có các động thái trả đũa, dẫn đến một cuộc chiến thương mại với châu Âu. Trong tình huống này, nền kinh tế châu Âu có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi ngành sản xuất của khu vực này đang phụ thuộc sâu sắc vào các chuỗi cung ứng do Trung Quốc thống trị, nhất là trong lĩnh vực công nghệ xanh.

Trước mắt, Trung Quốc vẫn tỏ ra thận trọng trước động thái mới của EU. Bộ Thương mại nước này mới chỉ bày tỏ lo ngại về “leo thang căng thẳng thương mại”, cho rằng mức thuế mới sẽ gây tổn hại cho người tiêu dùng châu Âu, đồng thời tuyên bố sẽ thực hiện “tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc”. Bắc Kinh đang điều tra chống bán phá giá đối với rượu mạnh nhập khẩu từ EU, có thể áp đặt thuế đối với các nhà sản xuất rượu Cognac của Pháp, và từng đề cập khả năng đưa các sản phẩm nông nghiệp và ngành hàng không của châu Âu "vào tầm ngắm".

Rủi ro về một cuộc chiến thương mại cũng gây lo ngại cho chính các doanh nghiệp châu Âu - những công ty không chỉ làm ăn tại Trung Quốc mà còn có dây chuyền sản xuất và những quan hệ hợp tác quy mô lớn tại nền kinh tế hàng đầu châu Á. Giám đốc điều hành BMW Oliver Zipse cho rằng, lạm dụng thuế nhập khẩu có thể dẫn đến sự cô lập hơn là hợp tác thúc đẩy phát triển. Trong khi đó, Giám đốc điều hành Mercedes-Benz Ola Kallenius kêu gọi các nỗ lực dỡ bỏ rào cản thương mại theo tinh thần của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bản thân các quốc gia thành viên EU cũng trong tình trạng chia rẽ, khi Pháp và Tây Ban Nha bày tỏ ủng hộ triển khai thuế mới, còn Đức kiên quyết phản đối. Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng nêu rõ, Berlin không đóng cửa thị trường vì không muốn điều đó xảy ra với các công ty của Đức.

Những căng thẳng mới phát sinh giữa EU và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh thế giới đã chứng kiến hàng loạt tranh chấp thương mại, nhiều vụ đã trở thành những cuộc chiến gây thiệt hại lớn cho kinh tế toàn cầu. Trong giai đoạn khó khăn còn chồng chất như hiện nay, sự xuất hiện thêm một "điểm nóng mới" giữa hai thế lực kinh tế hàng đầu thế giới chắc chắn là điều không ai mong muốn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Điểm nóng" không ai mong muốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.