Jaguar Land Rover (JLR) trở thành cái tên mới nhất xác nhận sẽ trưng dụng nền tảng của đối tác Trung Quốc là Chery cho các mẫu xe điện của mình trong tương lai.
Thực tế, JLR và Chery có mối quan hệ đối tác lâu dài, chủ yếu ở thị trường Trung Quốc từ năm 2012. Hai nhà sản xuất này thậm chí còn chia sẻ một cơ sở sản xuất ô tô ở Trung Quốc, vốn xuất xưởng các mẫu xe từ năm 2014 tới nay. Trong lần này, JLR sẽ “mượn” hai trong số các nền tảng do Exeed, một đơn vị con của Chery, phát triển, để sản xuất các mẫu xe điện hóa trong tương lai.
Theo Chủ tịch Chery Yin Tongyao, các nền tảng mà hãng cung cấp cho JLR gồm M3X và E0X. Theo thỏa thuận, JLR có thể sử dụng thoải mái các nền tảng này cho các thế hệ Range Rover, Discovery và Defender tiếp theo. Được biết, M3X đã được Chery sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc cho các mẫu như Exeed RX PHEV, Chery Fulwin T9…, hỗ trợ cả kết cấu động cơ đốt trong truyền thông, hybrid, hybrid sạc ngoài (PHEV).
Trong khi đó, E0X là nền tảng được Exeed phát triển chung với Huawei, thiên về xe thuần điện với công nghệ sạc 800V, mức tiêu thụ năng lượng khoảng 12 kWh/100km, tích hợp sẵn hệ thống treo khí nén và cơ chế tự hành tiên tiến. Đây là nền tảng đã có mặt trên nhiều xe thuộc Chery như: Exlantix ES, Exlantix ET, Luxeed S7 và Luxeed R7.
Theo giới chuyên môn, việc trưng dụng hai nền tảng của Chery sẽ cho phép JLR lấp đầy khoảng trống còn thiếu, đó là nhóm các phương tiện năng lượng mới. Mặc dù, việc thương hiệu hạng sang nước Anh sử dụng nền tảng công nghệ Trung Quốc có thể khiến nhiều người bất ngờ, nhưng thực tế trào lưu này không hề mới.
Cách đây chưa lâu, Volkswagen cũng thông báo sẽ sử dụng nền tảng của Xpeng phát triển, với lộ trình ra mắt hai mẫu xe điện cỡ trung trong năm 2026. Đây sẽ là các mẫu xe dùng chung nền tảng Edward mà Xpeng từng dùng cho chiếc G9 của hãng.
Tại Trung Quốc, Volkswagen cũng có kế hoạch bán ra những chiếc Jetta sử dụng công nghệ của Leapmotor.
Trong khi đó, Audi cũng tìm kiếm sự hỗ trợ của SAIC (tập đoàn sở hữu MG). Cụ thể, hãng xe sang nước Đức mong muốn sử dụng nền tảng iO Origin của IM Motors - công ty với sự hậu thuẫn của hai gã khổng lồ Trung Quốc là Alibaba và SAIC.
Về phần mình, Lotus, Smart, Volvo đều đang sử dụng giải pháp do Geely cung cấp, còn Renault cũng đang dốc sức tìm kiếm một lựa chọn phù hợp cho chiếc xe Twingo sắp tới của mình.
Nhận xét về trào lưu mới của các hãng xe châu Âu, nhiều ý kiến chuyên môn đánh giá, việc các tên tuổi lớn của ngành công nghiệp ô tô châu Âu nói chung và Đức nói riêng, tự nguyện bắt tay với các nhà sản xuất Trung Quốc có mục tiêu lớn nhất là nhằm tối ưu chi phí, đồng thời, có thể tung ra những sản phẩm phù hợp hơn với thị hiếu khu vực.
Cùng với đó, hiện nay, nhiều nền tảng công nghệ ô tô điện hóa của Trung Quốc được "hậu thuẫn" bởi một nền công nghiệp sản xuất hùng mạnh, là điều mà ít hãng châu Âu nào có sẵn.
Ngoài ra, cũng phải thừa nhận, công nghệ điện hóa của các hãng xe Trung Quốc, đặc biệt là về công nghệ pin, đã có bước tiến dài so với mặt bằng chung toàn cầu.
Một số quan điểm cũng nhận định, diễn biến mới có thể được xem như một minh chứng về việc ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đã “đủ lông đủ cánh”, có được sự tin tưởng của các đối tác từ Lục địa già.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.