Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Điểm nhấn” của quan hệ Nhật Bản - Malaysia

Đình Hiệp| 27/05/2015 06:09

(HNM) -

Đây là lần đầu tiên Nhật Bản đồng ý khởi động các cuộc đàm phán chuyển giao thiết bị cũng như công nghệ trong một lĩnh vực khá nhạy cảm với một quốc gia thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) giữa lúc tình hình tại Biển Đông trở nên căng thẳng.

Thủ tướng Najib Tun Abdul Razak (trái) và Thủ tướng Shinzo Abe vừa tuyên bố nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược.



Là một trong những quốc gia ASEAN có lợi ích trong sự ổn định của Biển Đông, tuyến hàng hải quan trọng của khu vực và thế giới, việc Thủ tướng N.Razak đưa vấn đề Biển Đông để bàn thảo với người đồng cấp nước chủ nhà S.Abe trong nghị trình chuyến thăm thể hiện mối quan tâm và quan ngại rõ ràng của Malaysia đối với những bất ổn tại vùng biển mà Trung Quốc đang có những hoạt động nhằm thay đổi hiện trạng trái với luật pháp quốc tế. Đây cũng là mối bận tâm hàng đầu của Nhật Bản khi những tranh cãi liên quan chủ quyền quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc vẫn chưa có giải pháp. Vì thế, khi bày tỏ quan điểm về việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo thông qua tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp trên Biển Đông, Thủ tướng S.Abe và người đồng cấp N.Razak đã thẳng thắn lên tiếng hối thúc Trung Quốc và các bên giải quyết tranh chấp và bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế. Hai nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải và trên không ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm thành lập một bộ quy tắc ứng xử hiệu quả nhằm giảm bớt những xung đột về lãnh thổ và hàng hải tại khu vực này.

Thực tế cho thấy đây không phải lần đầu tiên những quan ngại về hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông trở thành mối quan tâm chung của Nhật Bản và Malaysia. Trong chuyến công du Nhật Bản lần đầu tiên vào tháng 5-2014 - đúng thời điểm Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương 981) trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam - việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông đã được Thủ tướng N.Razak đưa ra bàn thảo với người đồng cấp nước chủ nhà S.Abe. Đặc biệt, trong năm Chủ tịch ASEAN 2015, giải quyết các cuộc xung đột và giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng con đường hòa bình là một trong những trọng tâm ưu tiên của Malaysia. Mối quan tâm này đã được Thủ tướng N.Razak đưa ra tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26 diễn ra tại Kuala Lumpur và Langkawi tháng 4 vừa qua khi kêu gọi các nước ASEAN chủ động giải quyết những căng thẳng trên Biển Đông theo cách xây dựng và tích cực. Thủ tướng N.Razak một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc tự kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Quan hệ hợp tác giữa Malaysia và Nhật Bản vừa ghi nhận bước tiến quan trọng sau khi nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược. Năm ngoái kim ngạch trao đổi thương mại song phương Malaysia - Nhật Bản đã đạt con số kỷ lục 42 tỷ USD, tăng 1,4% so với năm 2013, đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Malaysia sau Trung Quốc và Singapore. Chắc chắn, với những cam kết mới nhất, mối quan hệ kinh tế giữa hai nước sẽ còn đón nhận những tiến triển vượt bậc. Tuy nhiên, điểm đặc biệt trong chuyến công du xứ Mặt trời mọc của nhà lãnh đạo Malaysia là đánh dấu sự hợp tác giữa hai quốc gia Đông Bắc Á và Đông Nam Á trong lĩnh vực an ninh hàng hải, vấn đề có ý nghĩa sống còn với cả hai nước và các quốc gia trong khu vực. Với động thái này, chính phủ của Thủ tướng S.Abe đã tạo được một điểm nối nữa trong chính sách Hướng Đông và chiến lược liên kết với Đông Nam Á đang ngày càng thành công. Sự kiện này cũng là một thông điệp mạnh mẽ khẳng định rằng tất cả các quốc gia đều cần hòa bình, ổn định và sẵn sàng sát cánh để bảo vệ lợi ích dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Điểm nhấn” của quan hệ Nhật Bản - Malaysia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.