(HNM) - UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.
Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phaTP phố Hà Nội kiểm tra tại một quán ăn. Ảnh: Trang Thu |
Vẫn còn nhiều khó khăn...
Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có gần 14.000 cơ sở dịch vụ ăn uống và gần 6.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ năm 1998, Hà Nội đã triển khai thí điểm mô hình quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại phường Trung Liệt (Đống Đa) và tuyến phố Núi Trúc (Ba Đình). Đến nay, mô hình này đã được nhân rộng ở 30 tuyến phố văn minh thương mại và tại 198 phường, thị trấn, tiến tới sẽ thực hiện ở toàn bộ địa bàn thành phố.
Qua đánh giá cho thấy, mô hình này đã góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh cơ sở, ý thức chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở, sự tham gia quản lý, giám sát và kiểm soát của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội, do số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố lớn, luôn biến động, nên việc quản lý rất khó khăn. Hơn nữa, nhiều quán ăn bình dân, giá rẻ, cơ sở chật hẹp, lại hoạt động ở vỉa hè, lòng đường… với điều kiện vệ sinh và trang thiết bị, dụng cụ không bảo đảm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra
ngộ độc thực phẩm. Trong khi đó, việc xử phạt của chính quyền cơ sở còn nương nhẹ, chủ yếu là nhắc nhở.
Trước đòi hỏi của thực tiễn, từ đầu năm 2018 đến nay, Hà Nội tiếp tục triển khai thí điểm 8 tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố bảo đảm an toàn thực phẩm có kiểm soát ở 8 quận, huyện. “Ngoài việc đáp ứng 10 tiêu chí an toàn thực phẩm về điều kiện cơ sở vật chất, các cơ sở kinh doanh còn phải niêm yết công khai biển “Nhà hàng, cửa hàng kiểm soát an toàn thực phẩm”, có bảng ghi công khai nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm để người tiêu dùng biết” - ông Trần Ngọc Tụ cho biết thêm.
Theo Sở Y tế Hà Nội, qua kết quả kiểm tra, giám sát gần 900 lượt tại 386 cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống của 8 tuyến phố thí điểm an toàn thực phẩm có kiểm soát trong 8 tháng năm 2018 cho thấy, tỷ lệ các tiêu chí an toàn thực phẩm đạt từ hơn 53% đến 93%. Lực lượng chức năng của các quận, huyện đã nhắc nhở tại chỗ với 58 cơ sở, phê bình 18 cơ sở trên loa truyền thanh, phạt tiền gần 15 triệu đồng các cơ sở vi phạm. Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thành phố đã cấp kinh phí cho các quận, huyện tham gia thí điểm tổ chức tập huấn, cấp phát, hỗ trợ các hộ kinh doanh từ những vật dụng nhỏ nhất như: Thùng đựng rác, tạp dề, mũ, sổ ghi chép nguồn gốc thực phẩm, bảng công khai niêm yết nguồn gốc thực phẩm, biển phân khu chế biến, khung treo cơ sở đủ điều kiện kinh doanh… Thế nhưng, để thay đổi thói quen từ kinh doanh “mạnh ai, nấy làm”, không chú trọng đến nguồn gốc thực phẩm, sang mô hình mới, có kiểm soát là không đơn giản.
Cũng theo ông Trần Văn Chung, qua kiểm tra, một số hộ kinh doanh do phải thuê địa điểm, nên việc đầu tư về trang thiết bị, dụng cụ chưa phù hợp. Tại một số cơ sở, dù tham gia mô hình thí điểm tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, nhưng nguồn gốc thực phẩm vẫn chưa rõ ràng. Đa số các cơ sở chưa niêm yết giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm; chưa có biển hiệu phân khu riêng biệt giữa thực phẩm chín và sống.
Tăng mức xử phạt gấp 10 lần giá trị hàng hóa
Nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố vừa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, vừa gây mất mỹ quan đô thị. Ảnh: Hữu Tiệp |
Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, việc kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố là loại hình không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới cũng rất được ưa chuộng. Tại nhiều nước, công tác quản lý kinh doanh thức ăn đường phố được thực hiện rất nghiêm ngặt, việc triển khai quy hoạch được tiến hành đồng loạt. Đơn cử như Malaysia có quy định bắt buộc người bán hàng phải đăng ký mặt hàng kinh doanh, sau đó được tập huấn và được cấp thẻ. Khi bán hàng họ phải đeo thẻ để người tiêu dùng nhận diện. Còn tại Singapore đã quy hoạch hàng nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố vào 4 trung tâm để kiểm soát. “Và điều quan trọng là việc thanh tra, kiểm tra tại các quốc gia này được thực hiện nghiêm, xử lý nghiêm và bình đẳng; không có khoảng trống, không có nhân nhượng…” - ông Lâm Quốc Hùng nhấn mạnh.
Còn PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho rằng, để đưa loại hình dịch vụ thức ăn đường phố vào khuôn khổ là không hề đơn giản, song không vì thế mà bỏ ngỏ việc quản lý. Việc xử phạt hành chính các vi phạm về an toàn thực phẩm hiện được áp dụng theo Nghị định 178/2013/ NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, có thể phạt hành chính tối đa tới 100 triệu đồng với cá nhân, 200 triệu đồng với doanh nghiệp, nhưng mức xử phạt vẫn được cho là chưa đủ sức răn đe. Từ ngày 20-10-2018, Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 4-9-2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP) sẽ chính thức có hiệu lực. Nghị định này chỉ quy định hình thức xử phạt hành chính là phạt tiền, bỏ hình thức cảnh cáo và tăng mức phạt tiền ở các hành vi tối đa lên gấp 7 đến 10 lần giá trị hàng hóa vi phạm…
Cùng với việc tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm, theo PGS.TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, cần tuyên truyền, giáo dục cho người dân về ý thức xây dựng thương hiệu trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố nhiều hơn nữa. Mặt khác, muốn công tác kiểm tra được sâu sát phải tăng cường nhân sự cho việc quản lý an toàn, vệ sinh thực phẩm cấp cơ sở, không nên để kiêm nhiệm mà phải gắn trách nhiệm với những con người, việc làm cụ thể...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.