(HNMO) – Không ít dịch vụ ngày Tết Nhâm Thìn (2012) đã nâng giá vô tội vạ để “chặt, chém” khách hàng. Ví như một bát bún, hay phở vỉa hè bán tới 40 - 50 ngàn đồng, gửi xe máy từ 20 -30 ngàn đồng (tùy từng địa điểm), dịch vụ rửa xe máy 30 ngàn đồng/ chiếc.
Dịp Tết các hàng ăn vỉa hè có thể kiếm bội tiền (ảnh mang tính minh họa)
Chán với việc ăn bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành ở nhà, anh Phú cùng cậu em trai đi lên đầu phố Lạc Long Quân (Tây Hồ) làm mỗi người một đĩa bánh cuốn. Ăn xong khi tính tiền chủ hàng “quát giá” 80 ngàn đồng. Tính ra mỗi đĩa bánh cuốn là 40 ngàn đồng, đắt gấp 2 lần so với giá bình thường. Không tin vào tai mình, anh Phú hỏi lại thì chủ hàng thản nhiên cho biết, ngày Tết không có người làm và giá nguyên vật liệu cái gì cũng tăng.
Vợ chồng chị Phượng ( Bà Triệu, Hoàn Kiếm) đi lễ chùa về muộn, thấy đói bèn tạt vào làm 2 bát bún ốc và một chén rượu ở Phố Huế. Khi đứng dậy phải thanh toán 95 ngàn đồng (45 ngàn đồng/bát), trong khi cả bát chỉ loáng thoáng được vài con ốc và nước dùng thì đúng là “nhạt phèo như nước ốc”. Mở hàng sớm từ sáng mùng 2 Tết, nhưng không ít quán ăn vỉa hè ở Phố Huế, Lê Văn Hưu, Khu Kim Liên, Ngõ Cấm Chỉ… đều tăng giá bán cao hơn 2 lần so với ngày thường, trong khi chất lượng của bát bún, bát phở thì lại kém hơn ngày thường. Theo nhận định của một chủ nhà hàng có tiếng ở Hà Nội, trong dịp Tết hầu hết các cửa hàng lớn, nấu ăn ngon đều nghỉ. Đây là cơ hội hiếm có để các hàng ăn vỉa hè tranh thủ nhảy ra dịch vụ với giá “cắt cổ”. Nhưng do họ không chuyên nghiệp về nấu ăn nên chất lượng đồ ăn, uống rất kém. Đấy là chưa nói tới vấn đề an toàn, VSTP của các hàng ăn vỉa hè.
Ngày mồng 1 Tết nhiều người đi lễ chùa, hoặc vào các điểm tham quan đông người đã không khỏi phải bất bình khi một số điểm trông giữ xe tư nhân (tự phát) đã thu tiền giữ xe máy quá cao (trung bình là 20 ngàn đồng/ xe, thậm chí lên tới 30 ngàn đồng/xe máy). Không chỉ ở các điểm trông xe tự phát, mà ngay tại các điểm giữ xe ở ngoài cửa Văn Miếu – Quốc Tử Giám người ta cũng ngang nhiên thu 20 ngàn đồng/xe máy. Đem thắc này phóng viên HNMO hỏi nhân viên bảo vệ tại khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chúng tôi được biết, đó chính là điểm trông giữ xe của Hội Liên hiệp thanh niên của phường Quốc Tử Giám. Được phường “bật đèn xanh” nên mặc dù vé giữ xe của phường, nhưng nhân viên trông giữ xe vẫn thu giá vô tội vạ, còn phía bên trong hàng rào sắt thì Ban quản lý chỉ thu có 5.000đ/xe. Ấy vậy mà xe máy gửi bên ngoài Văn Miếu vẫn đông nghịt, xếp kín từng đoạn vỉa hè, vô hình chung trở thành chướng ngại vật cho người đi bộ…
Cũng như dịch vụ trông xe, vào những ngày sát Tết và ngay sau Tết dịch vụ rửa xe cũng “ cửa quyền tăng giá” với lý do ngày Tết Cung ít – Cầu nhiều. Vào dịp này giá rửa xe cũng thường tăng gấp đôi: Đơn cử như Tết năm nay giá rửa ô tô ở Hà Nội từ 50 -70 ngàn đồng/chiếc; giá rửa xe máy là 30 ngàn đồng/chiếc (tăng gấp 2 lần)… Đã đành là ngày Tết cái gì cũng đắt đỏ, vẫn biết dịp Tết là các dịch vụ tăng giá mạnh theo quy luật “Cung ít, Cầu nhiều”, nhưng việc tranh thủ dịp Tết để tăng giá vô tội vạ (gấp 2, gấp 3 lần) các dịch vụ đã khiến nhiều khách hàng phải khó chịu vì kiểu “chặt chém” có tính chụp giật này ở Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.