(HNM) - Tổ chức, cá nhân tự ý hoạt động đổi tiền lẻ mà không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 1, Điều 5, Nghị định số 69/2014/ NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Hoạt động đổi tiền lẻ vẫn diễn ra tại Khu di tích đình, chùa Bia Bà La Khê. |
Theo quan sát của tôi vào các ngày 2 và 3-2-2015 (tức ngày 14 và 15 tháng Chạp năm Giáp Ngọ) tại Khu di tích đình - chùa - Bia Bà La Khê (Hà Đông) cho thấy, mặc dù hoạt động đổi tiền lẻ không công khai, không mời chào rôm rả như trước nhưng vẫn còn khá nhiều. Các chủ quầy bán đồ lễ, viết sớ… tại đây sẵn sàng phục vụ nhu cầu đổi tiền lẻ nếu khách có nhu cầu. Trong vai người có nhu cầu đổi tiền lẻ, tôi hỏi một chủ quầy: "Sao trong tủ bà để ít tiền lẻ, lại bọc ngoài tiền âm phủ thế?". Bà chủ (khoảng 60 tuổi) cho biết, "mấy ngày gần đây các lực lượng chức năng của Ban quản lý di tích, UBND phường La Khê, thậm chí cả quận Hà Đông thường xuyên kiểm tra nên không dám bày "hàng" ra, chỉ dám bày một vài tờ tượng trưng. Nhưng ai có nhu cầu đổi nhiều với các mệnh giá chúng tôi đều đáp ứng". Một chủ hàng kế bên nhanh nhảu "anh cần bao nhiêu, mệnh giá gì, tiền sê ri hay tiền đã qua sử dụng một lần… cứ báo trước, chúng tôi sẽ đáp ứng. Nếu bày ở đây sẽ bị tịch thu như chơi. Thời gian gần đây, các lực lượng chức năng kiểm tra gắt gao nên nhiều người dân từ chợ Hôm và một số quận nội thành Hà Nội vào tận đây đổi tiền đấy"...
Một số chủ quầy đổi tiền lẻ tại đây còn cho biết, do năm nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không in tiền lẻ dịp Tết Nguyên đán nên giá chênh lệch các loại tiền mệnh giá thấp rất cao. Cụ thể, mức phí đổi tiền lẻ dao động 5-30% tùy từng mệnh giá. Ví dụ: Tiền mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng có mức phí đổi cao là 25-30%; các loại mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng có phí đổi là 12-15%, còn tiền mệnh giá 50.000 đồng có phí đổi thấp hơn (5%). Cũng theo một số chủ quầy đổi tiền lẻ, hiện tại thì mức phí đổi như trên, nhưng những ngày áp Tết Nguyên đán, phí chênh lệch đổi tiền cũ lấy tiền mới có thể sẽ tăng lên do nhu cầu đổi tiền của người dân tăng.
Có một điều lạ là dù mức phí đổi tiền cao hơn những năm trước 5-10% tùy từng mệnh giá nhưng nhiều người dân vẫn muốn đổi tiền lẻ, tiền mới. Chính điều này cho thấy, nhu cầu sử dụng tiền mới để mừng tuổi đầu xuân hoặc đi lễ là có, nên dễ hiểu có "cầu" ắt sẽ có "cung", dù rằng việc "cung" nếu bị phát hiện sẽ áp dụng mức xử phạt lên tới 40 triệu đồng(?). Vẫn biết, đổi tiền lẻ là hoạt động nghiệp vụ của các ngân hàng, vì thế các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi đổi tiền lẻ được cho là trái quy định của pháp luật. Tuy nhiên, mỗi dịp chuẩn bị Tết Nguyên đán hoặc tại các khu di tích đình, chùa, lễ hội - nơi người dân có nhu cầu đổi tiền lẻ cao thì cũng là lúc dịch vụ đổi tiền lẻ trái phép thỏa sức hoạt động.
Mặc dù phía Ngân hàng Nhà nước tuyên bố không in thêm tiền lẻ mới nhưng lượng tiền lẻ có trên thị trường hiện nay vẫn rất nhiều. Điều này khiến cho dư luận đặt nhiều câu hỏi, phải chăng chính các ngân hàng đã "tuồn" tiền lẻ ra ngoài để kinh doanh? Và nếu chỉ xử lý phần ngọn như hiện nay liệu có trị được tận gốc? Hy vọng, với sự ra đời của Nghị định 96/2014/NĐ-CP, các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, xử lý quyết liệt nhằm loại bỏ dịch vụ đổi tiền trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.