Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn ngang nhiên hoạt động

Thanh Hương| 17/12/2013 11:38

(HNMO) - Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề nghị Bộ Công thương và Bộ Công an phối hợp quản lý hoạt động dịch vụ đổi tiền mệnh nhỏ hưởng chênh lệch, nhưng trên thực tế dịch vụ này vẫn ngang nhiên hoạt động.

- Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề nghị Bộ Công thương và Bộ Công an phối hợp quản lý hoạt động dịch vụ đổi tiền mệnh nhỏ hưởng chênh lệch, nhưng trên thực tế dịch vụ này vẫn ngang nhiên hoạt động.

Tiền mới mệnh giá 500 đồng được đổi với giá "cắt cổ"


Vào vai người đi đổi tiền, tại đoạn Đinh Lễ-Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), 2 người phụ nữ đeo túi trước ngực như biết được ý định của chúng tôi liền chạy ra đon đả: “Các em muốn đổi tiền à, đổi những tiền gì bọn chị đổi cho”? “Bọn em muốn đổi 3 triệu tiền mệnh giá 500-100.000 đồng. Các chị có không?”-Chúng tôi hỏi. “Yên tâm đi, tiền gì cũng có, còn nguyên seri, bao nhiêu cũng đáp ứng hết.”-Một chị to béo đáp.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tiền mệnh giá 5.000 và 1.000 đồng cùng được đổi ở mức 10 “ăn” 8,5, tức đổi 10.000 đồng thì chỉ được lấy về 8.500 đồng; mức 10 “ăn” 9 được áp đối với tiền mệnh giá 2.000 đồng và 100.000 đồng. Riêng tiền mệnh giá 500 đổi rất đắt. Để mua 100.000 đồng loại mệnh giá này phải mất 200.000-250.000 đồng tùy vào số lượng đổi. “Sở dĩ tiền mệnh giá 500 đồng được đổi với giá “cắt cổ” như vậy là bởi loại tiền này hiện giờ rất hiếm, không dồi dào như vài năm trước”.-Một trong hai người phụ nữ trên giải thích.

Không chỉ tại khu vực trên mà ở nhiều cổng chùa như chùa Hà (Cầu Giấy), phủ Tây Hồ…, dịch vụ này cũng rất sôi động. Giá đổi có phần đắt hơn, đặc biệt tiền mệnh giá 500 đồng, phải mất 250.000-300.000 đồng nếu đổi 100.000 đồng loại tiền này.

Trên mạng, giao dịch sôi động không kém. Chỉ cần vào website doitienmoi.vn hay một số website khác, khách hàng có thể đổi được đủ loại theo nhu cầu. Chúng tối bấm số điện thoại được đưa ra trên mạng, một phụ nữa nhấc máy. Sau khi biết nhu cầu của chúng tôi, chị này cho biết, mức phí rất khác nhau tùy loại tiền. Chẳng hạn, tiền mệnh giá 1.000 đồng và 2.000 đồng cùng chịu mất mức phí 10%, tức đổi 1 triệu thì mất 100.000 đồng. Tiền mệnh giá 5.000 đồng mất 12% phí, tiền 20.000 đồng chịu phí 6%; tiền 50.000 đồng và 100.000 đồng mất phí lần lượt là 4% và 3%. Riêng tiền mệnh giá 500 đồng chịu mức phí đến 100%, tức đổi 1 triệu đồng thì phải mất phí 1 triệu đồng.

Theo chị này giới thiệu, nếu đổi từ 10 triệu đồng trở lên sẽ được phục vụ tận nhà mà không mất phí vận chuyển, còn đổi dưới mức trên phải đến tận nơi nhận hoặc mất phí để được chuyển đến nhà. Mức phí bao nhiêu tùy khoảng cách xa hay gần. Thời gian “cửa hàng” này làm việc là từ 8h đến 19h.

Như vậy, bất chấp lệnh cấm của cơ quan chức năng, dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn hoạt động tấp nập.

Trước đó, vào ngày 9/12, nhằm hạn chế những tiêu cực xảy ra đối với hình thức kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch, góp phần khuyến khích người dân tham gia lễ hội gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống dân gian, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam và tiết kiệm chi phí cho xã hội, NHNN đã đề nghị Bộ Công thương và Bộ Công an quan tâm chỉ đạo các cơ quan của đơn vị mình ở địa phương phối hợp cùng NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, cơ quan quản lý thị trường và chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố, quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch tại các điểm di tích, đền, chùa, lễ hội.

Qua khảo sát của NHNN, việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ không hợp lý của người dân ở một số đền, chùa, lễ hội, nơi thờ tự (chủ yếu ở các tỉnh Bắc Trung bộ trở ra)… còn phổ biến. Bên cạnh đó, tiền mệnh giá nhỏ được sử dụng không hợp lý, đúng chức năng gây ra lãng phí lớn cho xã hội trong việc in ấn, phát hành, kiểm đếm, phân loại, vận chuyển, bảo quản lượng tiền này.

Cứ mỗi dịp Tết nguyên đán đến, nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ lại tăng cao, tạo áp lực rất lớn đối với NHNN nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung. Số tiền mệnh giá nhỏ này chỉ một phần dùng làm phương tiện thanh toán trong lưu thông, phần còn lại được sử dụng vào các hoạt động khác, trong đó có hoạt động lễ hội, tín ngưỡng. Trong khi đó, tiền mệnh giá nhỏ được người dân đặt một cách tùy tiện, rải khắp các khu vực trong các đền, chùa, khu vực lễ hội tâm linh, mà theo chuyên gia, việc làm này tạo hình ảnh phản cảm, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích, làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa xã hội.

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết nguyên đán, các cơ quan chắc năng cần phối hợp quản lý chặt và giám sát mạnh dịch vụ việc đổi tiền lẻ. Cùng với đó, việc tuyên truyền về sử dụng tiền đi lễ đúng cách  nhằm tạo sự tôn nghiêm nơi thờ cúng cũng cần được đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn ngang nhiên hoạt động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.