Hồ sơ

Đích cuối của Israel ở Gaza

Trọng Nhân 13/11/2023 - 11:45

Israel có thể sẽ thắng mọi trận chiến chống lại Hamas nhưng lại thua trong cả một cuộc chiến lớn, trừ khi tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine có thể được bắt đầu ngay lúc này và chiến sự chấm dứt.

israel_2.jpeg
Các lực lượng Israel tiếp tục triển khai tấn công với cường độ cao.

Khi cuộc chiến Israel - Hamas tiếp diễn qua tháng thứ hai, lời kêu gọi quốc tế ngừng bắn, hoặc ít nhất là tạm dừng giao tranh trong vài ngày đã gia tăng nhằm thúc đẩy việc cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết.

Giới truyền thông nhận định, dù Israel "có quyền tự vệ", nhưng chiến dịch tiêu diệt Hamas đang ngày càng giống một cuộc trả thù. Chỉ sau 4 tuần, gần 11.000 người ở Gaza đã chết, 1/3 trong số đó là trẻ em, giữa bối cảnh khan hiếm lương thực, thuốc men, nước và nhiên liệu khiến gần một nửa dân số tại đây phải rời bỏ nhà cửa.

Nhiệm vụ mà Israel tuyên bố ngay từ đầu là tiêu diệt Hamas, nhưng nước này hiện vẫn chưa đưa ra bất kỳ chiến lược hay mục tiêu cuối nào rõ ràng. Trong khi các cuộc biểu tình kêu gọi ngừng bắn đã diễn ra trên khắp các thành phố lớn ở Mỹ và châu Âu trong tuần qua, bao gồm cả nhiều thủ đô lớn.

Tại Washington, những lời kêu gọi ngừng bắn, hoặc ít nhất là tạm dừng giao tranh, đang gây áp lực buộc Tổng thống Mỹ Joe Biden phải thay đổi sự ủng hộ gần như vô điều kiện đối với nỗ lực chiến tranh của Israel. Bởi ủng hộ không ngừng nghỉ với Israel, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ bị xem là đồng lõa với thảm kịch đang diễn ra ở Gaza.

Trong bối cảnh thực tế đó, giới phân tích đã phác thảo 3 kịch bản về kết cục cuối cùng mà Israel đang nhắm đến ở Gaza, mà 2 trong số đó sẽ dẫn đến một tương lai xung đột phức tạp hơn nữa giữa Israel - Palestine.

Israel kiểm soát Gaza

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố rằng ông muốn duy trì an ninh ở Gaza, nhưng không nói rõ ai sẽ quản lý và điều hành dải đất phức tạp này. Đã có những đồn đoán cho rằng ông muốn tái chiếm toàn bộ Gaza hoặc nửa phía Bắc, đến từ việc Israel đang ép dân thường Palestine di tản về phía Nam.

Tổng thống Joe Biden được đánh giá đã vô cùng sáng suốt khi đưa ra lời cảnh báo sớm rằng việc tái chiếm Gaza, dù một phần hay toàn bộ, sẽ không khác gì một thảm họa đối với Israel, và sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột Israel - Palestine. Hơn hết, điều này là dựa trên kinh nghiệm của Israel ở Bờ Tây đã bị chiếm đóng, khi mà việc duy trì an ninh cho thấy những thành công không đáng kể.

Khi các chiến binh Hồi giáo trong khu vực liên kết với Hamas ở Gaza, điều này được cho là sẽ khiến bộ máy an ninh của Israel ngày một thiệt hại nặng nề về máu và của cải. Do đó, điều này được tin sẽ là lựa chọn hết sức sai lầm của Thủ tướng Netanyahu.

israel_1.jpg
Dòng người di tản từ phía Bắc xuống phía Nam Dải Gaza.

Tái định cư người Palestine ở Ai Cập

Lựa chọn thứ hai mà Thủ tướng Benjamin Netanyahu sẽ phải cùng Ai Cập khai thác, là cho phép vài trăm nghìn người Palestine định cư ở Sinai. Ai Cập sẽ đảm nhận trách nhiệm hành chính ở Gaza trong khi Israel duy trì an ninh.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã thẳng thừng bác bỏ bất kỳ sự can dự nào trong tương lai với người Palestine ở Gaza, ngoài việc tạo điều kiện mở cửa Rafah để người dân qua lại vì những lý do chính đáng cũng như hoạt động thương mại. Chính phủ Ai Cập coi Hamas là một nhánh của Tổ chức Anh em Hồi giáo vốn nằm ngoài vòng pháp luật ở Ai Cập. Cũng vì lý do này, Ai Cập đã phong tỏa Gaza để ngăn chặn sự xâm nhập của các chiến binh Hamas vào nước này.

Hơn nữa, Ai Cập cũng đang có những rắc rối của riêng mình. Nền kinh tế nước này hiện ở trong tình trạng tồi tệ và mối lo ngại về an ninh ngày càng gia tăng. Ai Cập đơn giản là không muốn gây thêm rắc rối cho các vấn đề trong nước nên tỏ ra không quan tâm đến bất kỳ giải pháp nào có thể gây gánh nặng cho họ.

Giai đoạn chuyển tiếp của Gaza với sự giám sát của Liên hợp quốc

Lựa chọn thứ ba, được cho có thể khả thi hơn, sẽ kéo theo một giai đoạn chuyển tiếp, trong đó Liên hợp quốc sẽ đảm nhận trách nhiệm rõ ràng ở Gaza. Về mặt hành chính, Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNWRA) đã hoạt động trong nhiều thập kỷ qua, cung cấp các dịch vụ viện trợ và phát triển, bao gồm giáo dục, y tế, tài chính vi mô và đào tạo nghề.

Mặc dù không tham gia vào việc điều hành Gaza nhưng UNWRA đã thông thạo khu vực này, hiểu rõ nhu cầu của người dân cũng như điều kiện kinh tế xã hội hiện tại và cả những vấn đề hằng ngày mà người dân Gaza phải đối mặt. UNWRA đang ở vị trí tốt nhất để đảm nhận trách nhiệm lớn hơn theo nhiệm vụ được sửa đổi và mở rộng, với điều kiện là tổ chức này nhận được nhân lực và kinh phí cần thiết.

Cùng với các trách nhiệm hành chính mở rộng hơn của UNWRA, Liên hợp quốc được cho cũng cần phải thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình tại Gaza để chịu trách nhiệm về an ninh. Quan trọng, lực lượng này nên chỉ bao gồm các quốc gia Ả Rập có quan hệ tương đối hòa bình với Israel, cụ thể là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ả Rập Saudi, Jordan, Bahrain, Ma-rốc và Ai Cập.

Mặc dù thời hậu Hamas, Bờ Tây và Gaza cần chịu sự quản lý bởi chính quyền Palestine (PA), nhưng điều này được cho là không nên - và trên thực tế cũng khó có thể xảy ra - trong ít nhất khoảng 12-18 tháng sau khi cơ quan hành chính của Liên hợp quốc được thành lập ở Gaza. Trong thời kỳ này, người Palestine ở cả Bờ Tây và Gaza sẽ tự chuẩn bị về mặt chính trị cho một cuộc bầu cử mới, khi mà Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đang bị nhiều người Palestine yêu cầu từ chức.

Về phía Israel, Thủ tướng Netanyahu và nhóm đối tác liên minh nhiệt tình cũng sẽ phải đối mặt với cuộc điều tra về thảm họa chết chóc chưa từng có hôm 7-10. Như vậy, rất có thể một Chính phủ mới sẽ được thành lập ở Israel, và Chính phủ này cần phải cam kết ngay từ đầu về giải pháp hai nhà nước.

Khi hai điều kiện tiên quyết nêu trên được thực hiện, cơ quan hành chính của Liên hợp quốc sẽ từ bỏ vai trò và trách nhiệm của mình đối với PA. Các quốc gia Ả Rập được cho là cũng nên đặt điều kiện cam kết cung cấp lực lượng gìn giữ hòa bình một khi Israel chấp nhận giải pháp hai nhà nước.

israel_3.jpg
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh chung Hồi giáo - Arab nhằm thảo luận về cuộc xung đột ở Gaza từ ngày 11-11 (giờ Việt Nam).

Vai trò của Mỹ và Arab Saudi

Mỹ và Arab Saudi được tin là sẽ đóng một vai trò quan trọng, không thể thiếu trong vấn đề này.

Mỹ đã và đang là người bảo đảm cuối cùng cho an ninh quốc gia của Israel. Nhiều quốc gia trên thế giới hiện coi Mỹ là “kẻ đồng lõa” cho thảm họa nhân đạo đang diễn ra ở Gaza. Do đó, Tổng thống Biden buộc phải đưa ra khuôn khổ cho giải pháp hai nhà nước mà ông đã ủng hộ trong nhiều thập kỷ qua, để tránh những tổn thất chính trị đáng kể trước cuộc đua tái tranh cử năm 2024 đã cận kề.

Trong khi đó, Arab Saudi có thể bổ sung cho sáng kiến của Mỹ với vai trò quan trọng nhất của mình bằng cách tận dụng sự rạn nứt trong quan hệ Israel - Palestine, có thể nhấn mạnh rằng một khi chiến tranh kết thúc, Riyadh sẽ sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Tel Aviv với điều kiện Chính phủ mới của Israel đồng ý giải pháp hai nhà nước.

Cuộc chiến này cần phải kết thúc với sự suy yếu của Hamas, nhưng thất bại cuối cùng của Hamas sẽ không xảy ra trên chiến trường mà là việc tạo ra được một giải pháp thay thế cho sự quản lý của họ ở Gaza, qua đó giúp người Palestine được sống trong hòa bình và thịnh vượng, thay vì là nạn nhân cho những phản kháng bạo lực.

Israel cũng không nên kéo dài cuộc chiến dù chỉ một ngày. Ước tính, nếu cuộc chiến này chỉ cần kéo dài thêm 1 hoặc 2 tháng nữa, gần như chắc chắn rằng 20.000 - 30.000 người Palestine, chủ yếu là thường dân vô tội cùng hàng nghìn binh sĩ Israel sẽ thiệt mạng.

Việc tiếp tục xảy ra thương vong và sự tàn phá kinh hoàng ở Gaza, cùng với những tổn thất của Israel sẽ chỉ làm sâu sắc thêm sự căm ghét, thù địch và mất lòng tin giữa Israel và Palestine, đồng thời khiến giải pháp cho cuộc xung đột này càng trở nên khó giải quyết hơn bao giờ hết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đích cuối của Israel ở Gaza

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.