(HNMO) - Tính đến 6h ngày 29-4, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 3.129.690 ca nhiễm Covid-19, trong đó 217.106 người đã tử vong. Số bệnh nhân bình phục là 951.074 người.
Giám đốc khu vực Đông Địa Trung Hải của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Ahmed al-Mandhari cho biết, Syria, Libya và Yemen đã ghi nhận sự hiện diện của vi rút SARS-CoV-2.
Vị lãnh đạo khu vực của WHO cũng cảnh báo, tình trạng nới lỏng sớm các biện pháp phong tỏa tại một số quốc gia Trung Đông nhiều khả năng sẽ dẫn tới tình trạng lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tăng trở lại và không thể kiểm soát.
Châu Mỹ
Mỹ hiện vẫn là tâm dịch của thế giới với số người nhiễm vượt mốc 1 triệu (1.012.147 ca), trong đó có 56.933 ca tử vong. Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã mở rộng chương trình tín dụng ưu đãi trị giá 500 tỷ USD, cho phép các thành phố và địa phương nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ nhằm giải thiểu các thiệt hại kinh tế.
Tại Brazil, theo số liệu của WHO, số người tử vong tại nước này đã vượt qua Trung Quốc. Trong 24 giờ qua, Brazil có thêm 474 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số người thiệt mạng lên 5.017 người. Quốc gia Nam Mỹ cũng ghi nhận 71.866 người nhiễm bệnh, nguy cơ trở thành một trong những tâm dịch mới.
Châu Âu
Với 232.128 người nhiễm SARS-CoV-2, Tây Ban Nha hiện chỉ đứng sau Mỹ về số ca nhiễm Covid-19, trong đó đã có 23.882 ca tử vong. Về phần mình, Italia ghi nhận 201.505 ca nhiễm (tăng 2.091 ca); Pháp ghi nhận 165.911 ca (tăng 2.638 ca); Đức ghi nhận 159.735 ca (tăng 977 ca); Anh ghi nhận 161.145 ca (tăng 3.996 ca)...
Trong bối cảnh tốc độ lây nhiễm có dấu hiệu chậm lại, Liên minh châu Âu (EU) thống nhất về “Lộ trình dỡ bỏ lệnh phong tỏa”. Một số nước thành viên cũng đã nới lỏng và công bố kế hoạch hủy bỏ các biện pháp hạn chế. Bộ trưởng Nội vụ các nước EU cũng đã thảo luận về việc sử dụng ứng dụng di động để truy dấu các cuộc tiếp xúc nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Tại Thụy Sĩ, từ ngày 27-4, các cửa hiệu làm đẹp, trung tâm vui chơi giải trí và hệ thống cửa hàng DIY đã mở cửa đón khách. Các trường học và cửa hàng (không bao gồm nhà hàng) sẽ được phép mở cửa từ ngày 11-5, trong khi trường cấp 2 và các trung tâm giải trí sẽ hoạt động trở lại từ ngày 8-6.
Tại Pháp, phần lớn hoạt động thương mại có thể được khởi động trở lại từ ngày 11-5. Chính phủ Bỉ thông báo: Gần như tất cả hoạt động thương mại có thể được hoạt động trở lại từ ngày 11-5, và các trường học sẽ từng bước được mở cửa trở lại từ ngày 18-5.
Tại Italia, việc mở cửa trường học sẽ chỉ bắt đầu vào tháng 9. Dù vậy, Italia sẽ mở cửa các công viên từ ngày 4-5, đồng thời cho phép người dân đi thăm, gặp gỡ người thân, được phép tụ tập nhưng với số lượng hạn chế và phải giữ khoảng cách an toàn.
Tại Đức, Berlin trở thành bang cuối cùng của nước này yêu cầu người đi mua sắm bắt buộc phải đeo khẩu trang kể từ ngày 29-4. Chính phủ Đức đang cân nhắc tiến hành xét nghiệm đại trà với khoảng 4,5 triệu người mỗi tuần và các công ty bảo hiểm y tế theo luật định phải chịu chi phí cho các cuộc xét nghiệm này, ước tính từ 1 đến 1,5 tỷ euro hằng tháng.
Trong khi đó, tại Luxembourg, chính phủ nước này cho biết đã lên kế hoạch xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân trong cả nước trước cuối tháng tới.
Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố kéo dài giai đoạn nghỉ việc tới ngày 11-5 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch. Ông chủ điện Kremlin cũng chỉ thị cho chính phủ đưa ra các biện pháp mới nhằm hỗ trợ nền kinh tế và người dân, đồng thời chuẩn bị những khuyến cáo về việc dần nới lỏng phong tỏa trước ngày 5-5. Hiện, Nga ghi nhận 93.558 ca nhiễm, trong đó có 867 ca tử vong.
Châu Á
Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho rằng đã đến lúc xem xét cho học sinh trở lại trường học. Hàn Quốc cũng sẽ chuyển phương thức phòng dịch sang giãn cách xã hội song song với duy trì nhịp sống bình thường kể từ ngày 6-5. Nước này chỉ ghi nhận 14 ca bệnh mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 10.752 trường hợp.
Tại khu vực Đông Nam Á, nguy cơ lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 ở Campuchia vẫn được coi là ở mức độ “đáng báo động”, dù tính đến hết ngày 28-4, nước này đã bước sang ngày thứ 16 liên tiếp không ghi nhận thêm ca nhiễm mới. Giới chức y tế Campuchia cho rằng nước này vẫn đang trong giai đoạn đầu của dịch và một làn sóng lây nhiễm thứ hai có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Thái Lan tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức 1 con số với 7 ca và 2 ca tử vong mới. Đây cũng là số ca nhiễm thấp nhất trong một ngày ở nước này kể từ ngày 14-3. Như vậy, tổng số ca nhiễm tại quốc gia Đông Nam Á này đến nay là 2.938, trong đó có 54 bệnh nhân đã tử vong. Nhằm kiềm chế dịch lây lan, Thái Lan quyết định sẽ ngừng vô thời hạn việc nhập cảnh của lao động nước ngoài, đồng thời gia hạn thêm 1 tháng sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp, bắt đầu từ ngày 1-5.
Tại Ai Cập, Tổng thống Abdel Fattah al-Sisiđã chỉ thị gia hạn thêm 3 tháng lệnh tình trạng khẩn cấp với lý do lo ngại về an ninh và sức khỏe của người dân.
Hong Kong (Trung Quốc) quyết định tạm thời kéo dài quy định hạn chế nhập cảnh đối với tất cả hành khách từ ngày 7-5 đến ngày 7-6. Tuy nhiên, Hong Kong cũng sửa đổi các quy định kiểm dịch để miễn cách ly bắt buộc với một số trường hợp, trong đó có học sinh và các nhà cung cấp dịch vụ liên quan, những người hoạt động trong lĩnh vực sản xuất góp phần phát triển kinh tế Hong Kong.
Châu Phi
Algeria sẽ áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn quốc, đồng thời kéo dài tất cả các biện pháp khác kèm theo đến ngày 14-5 để chống dịch Covid-19.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.