Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dịch Covid-19 sáng 7-4: Số ca tử vong tại Mỹ đã vượt ngưỡng 10.000 người

Kim Phượng| 07/04/2020 06:33

(HNMO) - Tổng số ca tử vong do dịch Covid-19 ở Mỹ đã lên đến 10.764 người và tình trạng này dự kiến còn tồi tệ hơn.

Trong khi đó, số ca dương tính vì vi rút SARS-CoV-2 tại nhiều nước châu Âu bắt đầu có chiều hướng giảm. Tính đến 6h ngày 7-4 đã có 1.342.372 người nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới với 74.558 ca tử vong. 278.182 người được chữa khỏi trên 209 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Châu Mỹ

Chỉ trong một tuần qua, số ca tử vong ở Mỹ đã tăng bình quân từ 500 ca lên hơn 1.000 ca/ngày. Hiện nay, Mỹ có số ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 cao nhất thế giới và là một trong những quốc gia ghi nhận nhiều bệnh nhân tử vong nhất, cùng với Tây Ban Nha và Italia. Tại bang New York, phát biểu trước báo giới trong một cuộc họp báo ngày 6-4, Thống đốc Andrew Cuomo đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa “ổ dịch Covid-19” ở Mỹ này tới gần hết tháng 4.   

Tại Canada, người đứng đầu Cơ quan y tế công cộng nước này Theresa Tam ngày 6-4 cho biết, đối với những người nhiễm Covid-19 mà không biết, việc đeo khẩu trang là cách tránh lây bệnh cho người khác. Phát biểu này đánh dấu một bước thay đổi trong đánh giá của giới chức y tế Canada về vai trò của khẩu trang trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Justin Trudeau cùng ngày cho biết, 240.000 người đã đăng ký thành công để nhận hỗ trợ từ chương trình ứng phó khẩn cấp của Canada với đại dịch Covid-19. Theo đó, những người lao động bị mất toàn bộ thu nhập do dịch bệnh sẽ được nhận trợ cấp 500 CAD/tuần (hơn 350 USD).

Châu Âu

Cơ quan Bảo vệ dân sự Italia ngày 6-4 đã xác nhận thêm 3.599 ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 và đây là số ca bệnh mới thấp nhất kể từ ngày 17-3, qua đó làm dấy lên những hy vọng về việc đại dịch Covid-19 ở quốc gia Nam Âu này sẽ giảm nhẹ nhờ lệnh phong tỏa trên quy mô toàn quốc được thực thi từ ngày 9-3. Cơ quan trên cũng ghi nhận thêm 636 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca thiệt mạng lên 16.523 người, mức cao nhất thế giới.

Trong bối cảnh số ca mắc bệnh có chiều hướng thuyên giảm, nhiều nước ở châu Âu thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế hay xem xét nới lỏng các biện pháp cách ly vốn được triển khai nhằm làm giảm sự lây lan của dịch Covid-19.

Áo thông báo sẽ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế kể từ ngày 14-4 tới tùy thuộc vào việc người dân có tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội hay không. Cụ thể, các cửa hàng nhỏ có diện tích từ 400m2 trở xuống, các cửa hàng thiết bị và cửa hàng cây cảnh có thể được mở cửa trở lại với những điều kiện an toàn nghiêm ngặt. Kể từ giữa tháng 5, các khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ khác có thể sẽ hoạt động trở lại theo từng giai đoạn.

Trong khi đó, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ và Phần Lan đã thành lập các ủy ban chuyên gia để nghiên cứu giảm dần các biện pháp cách ly và những hạn chế chặt chẽ. Bên cạnh đó, các quốc gia này cũng đang nỗ lực tránh làn sóng dịch bệnh thứ hai có thể gây quá tải hệ thống y tế.

Chính phủ Séc đang cân nhắc khả năng nới lỏng các biện pháp phong tỏa nếu trong những ngày tới, số ca nhiễm mới Covid-19 tại nước này tính theo ngày ổn định.

Cùng ngày, phát biểu với báo giới tại Berlin (Đức), Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo đại dịch Covid-19 là thử thách lớn nhất mà Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt trong lịch sử. Nhà lãnh đạo Đức kêu gọi châu Âu phải "tự chủ" trong sản xuất khẩu trang, hoặc ít nhất là "tạo ra một trụ cột trong hoạt động sản xuất khẩu trang" ở Đức hoặc một nước nào đó trong EU.

Chính phủ Đức đang soạn thảo một loạt biện pháp, trong đó có bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, hạn chế tụ tập đông người và nhanh chóng truy vết những người từng tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19. Bộ Nội vụ Đức cũng thông báo tất cả những người nhập cảnh vào Đức sẽ phải thực hiện cách ly trong 14 ngày. Biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 10-4 tới.

Trong khi đó, trang Sky News (Anh) dẫn thông báo từ Văn phòng Thủ tướng Anh cho hay, ông Boris Johnson đã được đưa vào Bệnh viện St Thomas ở London vào tối chủ nhật (ngày 5-4), tức 10 ngày sau khi có xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Ông B.Johnson hiện vẫn tỉnh táo và chưa cần đến máy thở, tuy nhiên đã được đưa vào khu chăm sóc đặc biệt để đề phòng trường hợp cần hỗ trợ thở.

Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trì một cuộc họp từ xa sau khi tự cách ly do nhiễm Covid-19. Ảnh: AP

Châu Á

Dịch Covid-19 tại Iran đang diễn biến theo chiều hướng khả quan khi liên tiếp nhiều ngày qua ghi nhận số ca nhiễm mới giảm. Theo số liệu báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Iran vừa công bố, ngày 6-4 là ngày thứ 6 liên tiếp Iran ghi nhận số ca nhiễm mới giảm sau ngày 31-3, thời điểm nước này ghi nhận số ca nhiễm mới lên con số kỷ lục là 3.111 ca.  Cụ thể, trong 24 giờ qua, quốc gia vùng Vịnh này ghi nhận thêm 2.274 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 và 136 ca tử vong. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca nhiễm ở Iran đã lên tới 60.500 ca và tổng số ca tử vong do Covid-19 là 3.739 trường hợp.

Trung Quốc đang đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát biên giới, trong đó có dọc tuyến biên giới trên bộ, nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 từ nước ngoài.

Bộ Y tế Indonesia ngày 6-4 xác nhận có thêm 218 ca nhiễm mới Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 2.491 người với 209 trường hợp tử vong.

Ngày 6-4, Bộ trưởng Hàng không dân dụng Liên bang Ấn Độ Hardeep Singh Puri cho biết, chính phủ nước này hiện chưa quyết định nối lại các dịch vụ hàng không trong nước và quốc tế, đồng thời bác bỏ thông tin cho rằng Ấn Độ sẽ nối lại các chuyến bay chở khách từ ngày 15-4.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dịch Covid-19 sáng 7-4: Số ca tử vong tại Mỹ đã vượt ngưỡng 10.000 người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.