Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dịch Covid-19: Liên hợp quốc lo ngại hàng triệu trẻ em Mỹ Latinh không được đi học

Quỳnh Dương| 24/06/2020 06:19

(HNMO) - Ngày 24-6, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công bố một bản báo cáo cho thấy, gần 12 triệu trẻ em tại Mỹ Latinh và Caribe đã không được tiếp nhận giáo dục từ trường học ngay từ trước khi xảy ra đại dịch ở khu vực này.

 Đức áp lệnh phong tỏa tại quận North Rhine-Westphalia do dịch bệnh bùng phát

Báo cáo Giám sát Giáo dục trên thế giới của UNESCO chỉ ra vấn đề nghiêm trọng trên, được thúc đẩy bởi sự bất bình đẳng sâu sắc vốn có, nay càng trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh dịch bệnh.

UNESCO cảnh báo, chỉ khoảng 1/4 số quốc gia tại khu vực Mỹ Latinh có luật giáo dục phổ cập cho tất cả mọi người. Mặc dù Mỹ Latinh là một trong những khu vực có đa dạng ngôn ngữ bậc nhất nhưng các hệ thống giáo dục không phải lúc nào cũng phản ánh được điều đó. Thậm chí, tại một số nơi, những học sinh không nói ngôn ngữ của bài thi (ngôn ngữ chính thức) có ít khả năng đọc được một câu chuyện hơn 3 lần so với những học sinh nói ngôn ngữ chính thức. Báo cáo nhấn mạnh nguyên nhân từ sự bất bình đẳng dai dẳng về nguồn gốc bản địa, thể hiện rõ nhất tại các nước như Brazil, Mexico và Peru.

Ngoài ra, sự phân biệt về kinh tế - xã hội tại các xã hội Mỹ Latinh cũng là yếu tố làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng. Báo cáo nhấn mạnh, có tới một nửa số học sinh tại Chile và Mexico phải được chỉ định lại các trường khác nhau để có được sự kết hợp kinh tế - xã hội đồng nhất.

Trong khi đó, trên bình diện toàn cầu, cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc cũng cảnh báo, 40% quốc gia trên thế giới đã không cung cấp đủ sự hỗ trợ cần thiết cho các trường hợp học sinh có nguy cơ bị tác động bởi cuộc khủng hoảng y tế này.

Cùng ngày, các nhà chức trách của Venezuela lo ngại bang Zulia ở miền Tây Venezuela đang dần trở thành một tâm điểm mới của dịch bệnh tại quốc gia Nam Mỹ này khi tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về điện và nước trong thời gian dài, cộng với sự khan hiếm trang thiết bị và vật tư y tế tại các bệnh viện khiến cho việc phòng, chống và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh không hiệu quả.

Hiện nay, Venezuela mới ghi nhận 4.048 ca bệnh, trong đó có 35 người tử vong. Đa số trường hợp mắc Covid-19 đều nhập cảnh từ nước ngoài về, chủ yếu từ Colombia và Brazil. Mặc dù vậy, giới quan sát và phe đối lập cho rằng, trên thực tế con số này cao hơn rất nhiều.

Tại châu Âu, Trưởng Văn phòng y tế vùng England (Anh), ông Chris Witty cho biết, vi rút SARS-CoV-2 tiếp tục lây nhiễm ở mức độ đáng kể cho tới năm sau và cuộc chiến chống đại dịch sẽ là một chặng đường dài.

Đức đã áp đặt lệnh phong tỏa thứ hai đối với một quận do dịch bệnh bùng phát tại một nhà máy chế biến thịt, chỉ vài giờ sau khi một lệnh hạn chế tương tự được đưa ra tại một khu vực lân cận.

Người đứng đầu ngành y tế của bang North Rhine-Westphalia, ông Karl-Josef Laumann cho biết: "Để bảo vệ người dân, chúng tôi đang khởi động một gói biện pháp tăng cường bảo vệ an toàn và an ninh nhằm chống lại sự lây lan của dịch bệnh tại quận Warendorf".

Trước đó cùng ngày, giới chức đã tuyên bố áp đặt các biện pháp tương tự tại quận Guetersloh lân cận, sau khi hơn 1.500 công nhân làm việc tại nhà máy chế biến thịt có xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Tại châu Á, Cục trưởng Cục phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) thuộc Bộ Y tế Lào, ông Rattanaxay Phetsavanh cho biết, nước này không có ca mắc mới Covid-19 nào trong 72 ngày liên tiếp.

Ông Phetsavanh cũng nhấn mạnh, giới chức và người dân cả nước Lào cần tiếp tục những biện pháp đề phòng, kể cả khi nước này đón nhận thông tin tích cực. Lào mới ghi nhận 2 trường hợp mắc Covid-19 và đã được chữa khỏi.

Trong khi đó, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Indonesia Doni Monardo cảnh báo, khói từ các vụ cháy rừng và đặc biệt khói từ việc cháy than bùn có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng và làm tăng nguy cơ người mắc bệnh Covid-19.

Ông Doni cũng cho biết, Tổng thống đã yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng ngừa trước sự xuất hiện của các vụ cháy rừng và than bùn. Các khu vực lớn của Indonesia sẽ trải qua mùa khô vào tháng 8-2020. Do vậy, ngay bây giờ, cần quản lý chặt chẽ hệ sinh thái than bùn một cách nhất quán bằng cách duy trì mực nước ngầm và xây dựng các kênh, ao, giếng khoan kết hợp với các công nghệ làm ướt khác.

Tính tới 6h ngày 24-6, toàn thế giới có 9.334.732 người mắc Covid-19; trong đó có 478.747 ca tử vong.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dịch Covid-19: Liên hợp quốc lo ngại hàng triệu trẻ em Mỹ Latinh không được đi học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.