Sách

“Địa lý hành chính và tập quán của người Việt” có 2 di cảo chưa từng công bố của Nguyễn Văn Huyên

An Nhi 05/02/2024 - 15:36

Ngày 5-2, tại Phố sách Hà Nội, Công ty cổ phần Sách và Truyền thông Nhã Nam ra mắt cuốn sách “Địa lý hành chính và tập quán của người Việt” của học giả Nguyễn Văn Huyên. Trong đó có 2 di cảo của ông chưa từng được công bố.

Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) là một trong những học giả lớn của Việt Nam trong thế kỷ XX. Các công trình của ông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc định hình nên vốn hiểu biết căn bản về dân tộc và xã hội Việt Nam với những ảnh hưởng sâu rộng đến tận ngày nay.

img_8383(1).jpg
Ra mắt cuốn sách của học giả Nguyễn Văn Huyên.

Cuốn sách “Địa lý hành chính và tập quán của người Việt” được xuất bản với sự tài trợ của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF). Đây là cuốn tiếp nối bộ sách Nguyễn Văn Huyên do Nhã Nam thực hiện từ năm 2016.

Trong cuốn sách, bên cạnh đơn vị làng, xã vốn đã được bản thân Nguyễn Văn Huyên điều tra, khảo tả rất kỹ lưỡng trong các công trình trước đây, lần này ông muốn nhìn địa lý hành chính ở một tầng bậc cao hơn qua hai đơn vị tỉnh và tổng. Ông lựa chọn hướng tiếp cận có tính chất bước ngoặt trong sự nghiệp học thuật của mình: Địa lý hành chính và những thiết chế của nó trong việc định hình nên đặc thù của một cộng đồng cư dân.

Với việc tập trung khảo sát tỉnh và tổng như là những đơn vị hành chính riêng khác của Việt Nam truyền thống, Nguyễn Văn Huyên đã phác nên một bức tranh đầy sinh động về cộng đồng cư dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ vừa gắn bó chặt chẽ, yên bình sau lũy tre làng, vừa ngấm ngầm những mâu thuẫn, tranh chấp với nhau.

img_8394.jpg
Cuốn sách có 2 di cảo của học giả Nguyễn Văn Huyên chưa từng công bố.

Trong các nghiên cứu địa lý hành chính của Nguyễn Văn Huyên, bên cạnh những hiểu biết và trực giác sâu sắc của mình, ông còn sử dụng rất nhuần nhuyễn các phương pháp và kỹ thuật của địa lý nhân văn, hành chính như thực địa, vẽ bản đồ, phân tích số liệu, lập bảng biểu, sơ đồ… qua đó cung cấp “một mỏ thông tin” như ông khẳng định. Vì thế, các kết quả nghiên cứu địa lý hành chính của ông đã vượt xa các ghi chép địa chí trước kia đồng thời đặt nền tảng cho các tri thức khoa học về Việt Nam truyền thống.

Cuốn sách dày 300 trang, với các nội dung: “Bức tranh địa lý hành chính của một tỉnh Việt Nam xưa: Tỉnh Bắc Ninh (hay Kinh Bắc), “Nghiên cứu tập quán người Việt”, “Nghiên cứu về một tổng của người Việt: Tổng Dương Liễu”, “Về thể chế các đẳng cấp trong làng xã người Việt”, “Lược khảo về khoa thi Hội Quý Sửu, Duy Tân thứ 7 (1913)", “Ghi chú về một bài đồng dao Việt Nam”, “Cách đặt tên trong hoàng tộc Việt Nam”.

Đặc biệt trong đó, “Nghiên cứu tập quán người Việt” và “Nghiên cứu về một tổng của người Việt: Tổng Dương Liễu” là hai công trình lần đầu được công bố. Do tình thế phức tạp những năm 1944-1945, các công trình này chưa có cơ hội được in thành sách, mà mới chỉ tồn tại ở dạng bản thảo của tác giả. Sự trở lại và xuất bản của các nghiên cứu này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc gợi mở những tham khảo cho hậu thế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành cải cách hành chính và thực hiện công cuộc chấn hưng văn hóa.

Tại lễ ra mắt cuốn sách, PGS.TS Bùi Xuân Đính, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu các dân tộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) khẳng định, học giả Nguyễn Văn Huyên là nhà dân tộc học được đào tạo bài bản tại Pháp. Ông có sự kế thừa truyền thống ghi chép địa chí, địa dư đã có từ nhiều thế kỷ trước ở Việt Nam, kết hợp với những tri thức cùng phương pháp nghiên cứu mới từ các học giả người Pháp là chú trọng điền dã, coi điền dã là phương pháp quan trọng nhất trong nghiên cứu. Vì vậy, tác phẩm này của ông có tư liệu chi tiết, cụ thể, đọc có hồn, thôi thúc người đọc tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Địa lý hành chính và tập quán của người Việt” có 2 di cảo chưa từng công bố của Nguyễn Văn Huyên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.