Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Địa chỉ đỏ” về giáo dục đạo đức cách mạng

Minh Ngọc| 17/09/2014 06:32

(HNM) - Các thế hệ cán bộ, nhân viên Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (KDT) đã không quản ngại khó khăn gìn giữ, nâng niu và sưu tầm thêm nhiều kỷ vật về Người, đưa KDT trở thành một bảo tàng đặc biệt để hôm nay và mãi mãi sau này, nơi đây luôn là


Lan tỏa tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Tại Hội thảo khoa học "45 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch" vừa diễn ra, một lần nữa các nhà quản lý, nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực và cán bộ KDT qua các thời kỳ khẳng định, tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng đã kịp thời đề ra những đường lối đúng đắn nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, ngoại giao, quân sự dựa trên khối đoàn kết toàn dân vững mạnh và sự ủng hộ nhiều mặt của bạn bè quốc tế trong giai đoạn đầy khó khăn của cách mạng Việt Nam, cũng là nơi Bác viết bản Di chúc lịch sử trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến 20-5 của những năm 1965-1969. Bởi thế, mỗi di tích, mỗi tài liệu, hiện vật của KDT đều chứa đựng những giá trị lớn về tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tham quan Nhà sàn Bác Hồ tại Hà Nội.



Đó là những giá trị văn hóa vô cùng quý giá không chỉ của Việt Nam mà còn của cả nhân loại tiến bộ trên thế giới. Như nhận định của đoàn đại biểu Hàn Quốc lưu tại Sổ cảm tưởng: "Ngôi nhà sàn là nơi học tập truyền thống cách mạng quý báu và là trường học giáo dục tư tưởng cho đời sau. Nhân dân Việt Nam vĩ đại đã sinh ra một lãnh tụ thiên tài làm rạng danh cho chính Tổ quốc mình. Sự nghiệp cao quý của Người sẽ lưu truyền đời đời trong trái tim nhân dân Việt Nam Anh hùng". Dòng lưu bút của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngày 1-9-2011 bày tỏ: "Thăm nơi ở và làm việc của Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch năm 1954-1969, chúng ta càng nhớ Bác Hồ. Sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với cuộc sống đời thường vô cùng giản dị, thanh khiết của Người không chỉ là tấm gương sáng cho mọi người Việt Nam học tập, mà còn thôi thúc những ai trên thế giới này muốn đấu tranh vì độc lập, tự do và hạnh phúc của con người… Thời gian càng lùi xa, tư tưởng của Bác Hồ càng vĩ đại, tấm gương đạo đức của Bác Hồ càng tỏa sáng". Những dòng lưu bút của bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng chứa chan xúc động: "Tôi đã đến thăm ngôi nhà của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần rồi, nhưng cứ mỗi lần đến lại học được một bài học mới về Người, nghị lực phi thường và cuộc đời cao đẹp của Người" viết ngày 24-5-2011)…

Thực hiện lời căn dặn trong Di chúc, noi theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 45 năm qua, các thế hệ cán bộ, nhân viên KDT đã làm việc không mệt mỏi để gìn giữ cho đời sau một di sản văn hóa vô giá. "Vượt lên nỗi đau của toàn dân tộc khi Bác đi xa, thế hệ cán bộ đầu tiên của KDT dù chưa có kinh nghiệm chuyên môn vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ gìn giữ, bảo vệ từng gốc cây, ngọn cỏ trong KDT. Chúng tôi luôn tâm niệm, hãy làm mọi việc đối với KDT như khi Bác còn sống", bà Nguyễn Thị Tình, nguyên cán bộ KDT cho biết. Trong 45 năm qua, KDT đã đón tiếp gần 60 triệu lượt khách, trong đó lượng khách quốc tế ngày càng tăng, góp phần đưa hình ảnh và những giá trị nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Đau đáu với việc bảo tồn, phát huy giá trị

Không giống bất cứ một di tích nào, KDT Chủ tịch Hồ Chí Minh là một loại hình bảo tàng - lưu niệm về sinh hoạt đời thường của vị lãnh tụ cách mạng kiệt xuất, của Danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh. Bảo tàng vừa ở ngoài trời, vừa ở trong nhà, bao gồm một tập hợp các di tích bất động sản (nhà, phòng, hầm), di tích động sản (đồ đạc, bàn ghế, sách vở, tài liệu) và cảnh quan môi trường (cây cối, đường đi, sân vườn, ao cá, giàn hoa...).

Do tính đặc thù, một số công trình không thể lắp đặt các thiết bị bảo quản (ví dụ như nhà sàn Bác Hồ) nên việc bảo tồn nguyên trạng di tích đã và đang là vấn đề hết sức khó khăn. Hơn thế, nguồn tài liệu, hiện vật phục vụ cho công tác trưng bày trong KDT hiện vẫn chưa đầy đủ, nên ảnh hưởng ít nhiều đến công tác phát huy giá trị của di sản. "Trước nhu cầu tìm hiểu, học tập, nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh ngày một tăng thì việc tuyên truyền, quảng bá về cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các hình ảnh trực quan tại KDT ngày càng trở nên cấp thiết. Trong khi đó, đa phần khách tham quan hiện nay chỉ đi lướt qua các nhà di tích với số tài liệu, hiện vật chưa đầy đủ mà không được xem những hình ảnh sinh động về những hoạt động và cuộc sống thường ngày của Bác", ông Đỗ Hoàng Linh, Phó Giám đốc KDT bày tỏ sự băn khoăn, trăn trở tại hội thảo "45 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch".

Từ thực tế đó, ông Đỗ Hoàng Linh mong muốn KDT có thêm phòng trưng bày ảnh tư liệu và một số tài liệu, hiện vật sưu tầm để có thể đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của nhân dân. Phòng trưng bày cũng có thể sử dụng làm nơi triển lãm ảnh theo chuyên đề, phục vụ những dịp kỷ niệm năm chẵn, kết hợp tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh… Đồng quan điểm trên, ông Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho rằng, phòng trưng bày bổ sung nên được chia thành 3 phần chính: Bối cảnh lịch sử; những sự kiện chính trong 15 năm Bác sống và làm việc tại KDT và các hoạt động của KDT. 3 phần trưng bày này hoàn toàn không trùng lặp về nội dung và hình thức với Bảo tàng Hồ Chí Minh, càng không trùng lặp với những hiện vật, di tích gốc bởi do tính đặc thù, có những nội dung di tích gốc không thể chuyển tải hết được ý nghĩa.

Cũng tại hội thảo, nhiều nhà quản lý, nhà khoa học đồng thuận kiến nghị KDT nên có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bảo tàng Hồ Chí Minh trong việc quản lý, sưu tầm, trưng bày tài liệu, hiện vật về Bác cũng như cuộc đời hoạt động cách mạng của Người; nên đánh giá hiện trạng KDT hiện nay so với hồ sơ di tích ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời để đưa ra giải pháp khắc phục.

Những ý kiến tâm huyết nêu trên phần nào khẳng định, bằng cách này hay cách khác, những người con Việt Nam và bạn bè quốc tế luôn dành đến Người sự biết ơn sâu sắc. Những đức tính đáng quý, những lời căn dặn trong Di chúc của Người đã và đang được các thế hệ người Việt Nam thực hiện, học tập và làm theo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Địa chỉ đỏ” về giáo dục đạo đức cách mạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.