Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đi trước mở đường, tạo động lực phát triển

Tuấn Lương| 02/02/2022 07:47

(HNM) - “Khó khăn rất nhiều nhưng cái quý nhất, lớn nhất của toàn ngành Giao thông - Vận tải hiện nay là đã thay đổi tư duy. Từ chỗ trì trệ, nay đã dám đột phá, đã gắn trách nhiệm với người đứng đầu với chế tài rõ ràng. Chúng tôi luôn xác định, giao thông đi trước mở đường, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tiến độ phải nỗ lực để rút ngắn nhưng không được phép rút ngắn về chất lượng!”. Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới bên thềm Xuân mới Nhâm Dần 2022.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiểm tra hiện trường dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn.

- Năm 2021 đã đi qua như thế nào với ngành Giao thông - Vận tải, thưa Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể?

- Năm 2021 là một năm hết sức khó khăn đối với tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có ngành Giao thông - Vận tải. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều địa phương phải giãn cách xã hội. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của toàn ngành, về cơ bản, các dự án trọng điểm đều đáp ứng được tiến độ. Một số dự án tồn đọng kéo dài nhiều năm đã được giải quyết, điển hình như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã khai thác thương mại, vận hành ổn định được nhân dân đánh giá cao.

Các dự án cải tạo đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất cũng đã kịp hoàn thành và đưa vào khai thác phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Sau khi nâng cấp, đến nay, mỗi sân bay có thể đáp ứng công suất 50 triệu lượt hành khách/năm.

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn I có 2 lần phải chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP (đối tác công - tư) sang đầu tư công, đến nay, 8 dự án thành phần đều đáp ứng được tiến độ đề ra. Trong đó, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đã xong; đoạn Cam Lộ - La Sơn qua Tết Nguyên đán cũng có thể hoàn thành. Các dự án còn lại đang được tập trung để hoàn thành vào giai đoạn 2022-2023. Cùng với đó, chúng tôi tập trung chuẩn bị đầu tư các dự án tiếp theo theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ.

- Cùng với đẩy nhanh tiến độ thi công, việc giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Giao thông - Vận tải đến nay như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Chúng tôi đánh giá, đây là một trong những “điểm sáng” nhất của ngành Giao thông - Vận tải trong năm qua. Khó khăn rất nhiều song với quyết tâm lớn, năm 2021, toàn ngành giải ngân được hơn 40.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 96% tổng vốn đầu tư công được giao, trong khi bình quân chung của cả nước là 77,3%. Đây là kết quả cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Trong giai đoạn 2021-2025, ngành Giao thông - Vận tải được bố trí 420.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Theo tính toán, mỗi năm Bộ phải giải ngân khoảng 80.000 tỷ đồng. Năm 2021 đã giải ngân hơn 40.000 tỷ đồng. Năm 2022 chúng tôi đăng ký 50.000 tỷ đồng. Vừa qua, Bộ được bổ sung 113.000 tỷ đồng phải giải ngân trong giai đoạn 2022-2023. Do đó áp lực sắp tới rất lớn.

- Vậy, Bộ Giao thông - Vận tải có giải pháp gì, thưa Bộ trưởng?

- Để giải ngân được toàn bộ nguồn vốn, nhà thầu nào không bảo đảm tiến độ đã cam kết sẽ cảnh cáo, nếu tái phạm sẽ cắt hợp đồng, cấm đấu thầu. Làm như vậy để nhà thầu khi trúng thầu thì phải làm nghiêm.

Với ban quản lý dự án, Bộ yêu cầu họp giao ban hằng tuần với các vụ, cục liên quan; họp nửa tháng/lần với thứ trưởng trực tiếp phụ trách dự án. Tập thể lãnh đạo Bộ họp 1 tháng/lần để kiểm điểm tiến độ và yêu cầu các ban cam kết tiến độ, gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Đặc biệt, thời gian vừa qua, dự án nào làm tốt, Bộ cho phép bổ sung vốn. Dự án chậm thì cắt vốn. Ban quản lý dự án nào làm chậm thì cắt dự án chuyển cho ban khác. Đồng thời, chúng tôi tích cực phối hợp với các địa phương để có đủ đất, đủ mặt bằng phục vụ thi công.

- Được biết, Bộ Giao thông - Vận tải đã báo cáo Chính phủ chỉ định thầu tư vấn đối với 12 dự án thành phần dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn II. Chỉ định thầu có ảnh hưởng tới chất lượng các dự án?

- Chỉ định thầu tư vấn giúp mỗi bước giảm được 3-4 tháng, giúp rút ngắn được 6-9 tháng cho công tác xây lắp cũng như đổi mới một số công việc để khi phê duyệt dự án thì bàn giao cho địa phương giải phóng mặt bằng ngay, cố gắng những tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023 có thể khởi công. Sau đó dành thời gian từ năm 2023 đến 2025 hoàn thành nhiệm vụ.

Việc chỉ định thầu không ảnh hưởng đến chất lượng dự án. Kinh nghiệm từ dự án cải tạo đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã có. Chỉ định thầu nhưng ban hành một bộ hồ sơ yêu cầu trình độ, năng lực, kinh nghiệm nhà thầu phải đáp ứng. Đơn vị tham gia dự án phải đưa ra kế hoạch tổng thể. Chúng tôi kiểm tra thấy bảo đảm yêu cầu thì mới được chọn. Do đó tư vấn chỉ định thầu chất lượng sẽ không thua tư vấn chọn thông qua đấu thầu.

- Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, cả nước có 5.000km đường bộ cao tốc. Những kinh nghiệm từ quá trình triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn I giúp ích gì cho việc triển khai giai đoạn II, thưa Bộ trưởng?

- Chúng ta hiện mới có 1.163km và 916km đang triển khai. Như vậy để thực hiện được mục tiêu đề ra cần có những cơ chế huy động nguồn lực để phát triển các hệ thống cao tốc còn lại như Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh, các đường cao tốc ở khu vực Đông Nam Bộ… Tất cả các dự án này, Chính phủ đã chỉ đạo huy động các nguồn lực xã hội cùng với vốn nhà nước để triển khai theo hình thức PPP. Chúng tôi đang nghiên cứu cơ chế phù hợp để báo cáo Chính phủ.

Với 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn II phải hoàn thành trong năm 2025, Bộ xác định 5 thách thức.

Thứ nhất về vốn. Chính phủ đã thống nhất trình Quốc hội triển khai theo đầu tư công 100% và đã chuẩn bị nguồn vốn. Như vậy, khó khăn thứ nhất đã được giải quyết.

Thứ hai về nguồn vật liệu. Rút kinh nghiệm từ giai đoạn I, hiện Bộ đang chỉ đạo các đơn vị tư vấn và các ban quản lý dự án tổng điều tra các mỏ đất, mỏ cát trong toàn bộ khu vực dự án đi qua. Những mỏ đang khai thác thì xem cụ thể trữ lượng, có thể huy động vào dự án bao nhiêu. Những mỏ nằm trong quy hoạch của các tỉnh thì chúng tôi xúc tiến ngay thủ tục mở mỏ để có thể khai thác ngay. Những chỗ thiếu đất thì khảo sát để bổ sung quy hoạch và đẩy nhanh thủ tục mở mỏ... Khó khăn này rất lớn nhưng còn thời gian để khắc phục.

Thứ ba là giải phóng mặt bằng. Chúng tôi sẽ dành khoảng 1,5 năm quyết liệt thực hiện để đến cuối năm 2023 cơ bản giải quyết được mặt bằng. Bộ Giao thông - Vận tải sẽ làm việc với từng địa phương để xem xét các vấn đề liên quan. Sắp tới, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ thường xuyên họp với bí thư, chủ tịch các tỉnh nơi dự án đi qua. Với sự đồng hành của địa phương, tôi tin rằng vấn đề này sẽ được giải quyết.

Khó khăn thứ tư là nền đất yếu. Hiện từ Cần Thơ đến Cà Mau nền đất yếu rất nghiêm trọng, dài khoảng 109km, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng công trình. Giải pháp kỹ thuật phức tạp nhưng cũng nằm trong khả năng của ngành Giao thông.

Khó khăn cuối cùng là nhà thầu. Chính phủ đang xin ý kiến Quốc hội là chỉ định thầu cả phần xây lắp. Nếu được cho phép, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ cơ chế để loại các nhà thầu yếu kém.

Khó khăn rất nhiều nhưng cái quý nhất, lớn nhất là Bộ đã thay đổi tư duy. Từ chỗ trì trệ, nay đã đột phá, gắn trách nhiệm với người đứng đầu với chế tài rõ ràng. Lãnh đạo Bộ đã yêu cầu, nếu công việc trì trệ kéo dài, nhất quyết phải thay đổi nhân sự. Phải làm sao để bộ máy hoạt động hiệu quả hơn. Với từng dự án, chúng tôi luôn yêu cầu chất lượng phải là hàng đầu. Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là bài học xương máu. Không được đốt cháy giai đoạn. Tất cả phải được giám sát chặt chẽ. Cái gì có thể cho phép rút ngắn nhưng chất lượng không được phép rút ngắn.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đi trước mở đường, tạo động lực phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.