Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Đi tìm một vì sao” - hành trình của một chính khách

Hà Vũ| 21/05/2022 11:13

(HNMCT) - “Đi tìm một vì sao” là cuốn sách mới của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. 650 trang sách “tự kể chuyện mình” của ông là rất nhiều kỷ niệm, bài học sống động từ thời thơ ấu, những chuyện “bếp núc”, “hậu trường” trong công việc của một chính khách luôn tâm niệm 4 chữ “Quang Minh Chính Đại”. Với giọng văn gần gũi, chân thành, mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế, “Đi tìm một vì sao” là cuốn ký sự tự truyện rất đáng được nghiền ngẫm.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị ký tặng sách.

Một tình yêu cuộc đời mãnh liệt

“Không ít lần tôi tự hỏi, vậy vì sao nào là chính tinh, định mệnh cuộc đời mình trên bầu trời bao la và sâu thẳm ấy? Tôi nhìn thật lâu lên khoảng không bao la, hết đêm này qua đêm khác, qua một thời tuổi thơ và cho tới tận bây giờ tôi cũng không thể nào biết được... Tôi không nhìn thấy vì sao nào là của mình, nhưng tôi biết tất cả những vì sao trên bầu trời, cho dù có nhỏ bé li ti đến mấy, mỗi vì sao cũng đều tỏa ánh sáng lấp lánh, xa gần khác nhau. Giống như sự muôn vẻ của con người sống trên thế gian, ai cũng đã góp một phần làm nên vẻ đẹp, sự hấp dẫn và phong phú đến lạ thường của cuộc sống”.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã chia sẻ như thế để lý giải phần nào cho tựa đề cuốn sách của ông. “Đi tìm một vì sao” gồm 3 phần: “Lớn lên bên dòng sông Mã”, “Chào mẹ con đi để được làm người” và “Những chuyện đã qua” với 16 khúc nhỏ như: “Làng Hoành, quê tôi”, “Tuổi thơ”, “Học việc”, “Vào đại học”, “Ước mong ra chiến trường”, “Lên đường ra trận”; “Đi dọc Trường Sơn”, “Về miền Đông Nam Bộ”, “Vùng ven”, “Ngày ấy, Tây Ninh...”, “Nỗi nhớ Sài Gòn”; “Chuyện thường ngày ở Ban”, “Hạn 49-53”, “Về Hà Nam”, “Bộ Văn hóa - Thông tin, năm năm và một ngày”, “Mười năm - Một lát cắt thời gian...”, “Những niềm vui giản dị”... Chỉ nhìn vào đây cũng đủ thấy sự phong phú mà cuốn sách hứa hẹn mang đến cho người đọc.

Có thể nói, “Đi tìm một vì sao” là hành trình cuộc đời vô cùng phong phú của một người con xứ Thanh, một người yêu Hà Nội và trên hết là một cán bộ lãnh đạo vì dân, vì nước. Đó là dòng chảy nảy nở từ những khát khao thuở nhỏ đến con đường hình thành nên ý chí, quyết tâm, những cam go, thử thách đã vượt qua, khẳng định bản lĩnh, sự trưởng thành và những nỗ lực cống hiến vì sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước.

Là người được tiếp cận từ khi cuốn sách còn là những trang bản thảo, nhà báo Hà Đăng chia sẻ: “Đi tìm một vì sao” có rất nhiều trang viết hấp dẫn khiến người đọc ước ao được một lần trải nghiệm: Những cánh rừng Trường Sơn thâm u với những bản nhạc rừng du dương của các loài chim; những đêm được bơi xuồng trên những dòng kênh băng qua Đồng Tháp Mười mênh mông như lạc vào một biển sen bát ngát hương thơm... Cây đại thụ của làng báo Việt Nam khẳng định: “Phạm Quang Nghị đã gây cho tôi một sự bất ngờ thú vị. Anh đã kể một cách nhẹ nhàng, dung dị, chân thật nhưng không kém phần sinh động và hấp dẫn: Những bữa cơm trưa, những cốc bia hơi thời bao cấp, những khi trong cơ quan chộn rộn, rầm rập lên xuống cầu thang, í ới gọi chia nhau mấy con cá đồng tiền... Và những công việc nghiêm trang, nghiêm túc: Các buổi họp giao ban, sinh hoạt trong Hội đồng Lý luận, công tác chỉ đạo, quản lý, báo chí, văn hóa, văn nghệ... được tác giả kể, diễn giải nhẹ nhàng, chân thật và tinh tế”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhìn nhận: “Đi tìm một vì sao" là một tự truyện đậm chất văn chương. Như phụ đề của tên sách: Tự kể chuyện mình, tác giả Phạm Quang Nghị đã kể lại cuộc đời mình một cách trung thực với một tình yêu cuộc đời mãnh liệt. Có nhiều trang viết là những trang văn chân thực, đẹp và có sức quyến rũ mạnh mẽ với người đọc.

Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, “Đi tìm một vì sao” như là bộ hồ sơ cá nhân của một con người. Là lịch sử của một con người nhưng từ đó người đọc nhìn thấy những thời khắc lịch sử của một dân tộc. Đồng hành cùng dân tộc trong những biến động lớn của lịch sử từ những năm tháng chiến tranh cho đến những năm tháng hòa bình, mỗi ngày của ông đều chứa đựng một phần những sự kiện của đất nước và trong những sự kiện của đất nước có đời sống cá nhân ông. Đấy chính là sự hấp dẫn và là giá trị của cuốn tự truyện “Đi tìm một vì sao”.

“Sau mười năm lại được đi bộ trong công viên”

Nói đến “Đi tìm một vì sao” của nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, chắc chắn nhiều người sẽ tò mò muốn biết ông viết gì về Thủ đô Hà Nội, nơi ông gắn bó 2 nhiệm kỳ từ năm 2006 đến năm 2015. Đây cũng là khoảng thời gian rất đặc biệt của Thủ đô với những sự kiện mang tính lịch sử, bước ngoặt như Hà Nội mở rộng địa giới hành chính và Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội...

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội đã dành riêng 1 chương với tựa đề “Mười năm - một lát cắt thời gian...” với 89 trang của cuốn sách để kể những câu chuyện của mình khi làm việc tại Thủ đô. Ở nơi như ông từng nhấn mạnh "công việc nhiều như nước sông Hồng", 10 năm trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội nếu kể hết những chuyện liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đến những vấn đề khó khăn, thuận lợi, những việc làm được và chưa làm được thì có lẽ cả cuốn sách 650 trang này cũng không đủ. Có lẽ vì thế, ông chỉ coi lần kể này như những lát cắt mà thôi. Nhưng đây lại là những lát cắt đáng đọc nhất bởi câu chuyện nào, trang sách nào cũng hầu như đều rất mới mẻ như thể đây là lần “bật mí” đầu tiên. Đó là chuyện kể về những đồ vật trong phòng làm việc của nguyên Bí thư Thành ủy như bức tranh Bác Hồ, bức tượng Lênin, chuyển mở cổng mới, sửa sang trụ sở, trồng cây... Một trong những câu chuyện thú vị nhất có lẽ là hai lần ông xin tặng chữ thư pháp thì cả hai lần ông đều xin 4 chữ “Quang Minh Chính Đại”. Đó cũng là bức tranh chữ mà ông treo trong phòng làm việc và cũng là điều tâm niệm như ông thổ lộ: “Bốn chữ "Quang Minh Chính Đại" đối với tôi từ lâu là một phương châm sống, làm việc, là lời nhắc nhở, đồng thời cũng là sự tự nguyện tuân thủ của tôi trong công việc. Đó cũng là điều mà nhiều người thường nói tới hằng ngày bằng ngôn ngữ hiện đại: Công khai, minh bạch, đúng mực, nghiêm túc, rõ ràng”.

Là người yêu Hà Nội và có trách nhiệm với Thủ đô, nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị viết nhiều về những lo toan đau đáu ở thời điểm hợp nhất Hà Nội - Hà Tây, từ công tác cán bộ đến vấn đề “Làm thế nào để vừa giữ được bản sắc đặc trưng của hai vùng văn hóa mà vẫn tạo ra được một văn hóa chung Hà Nội?”. Ông còn kể những câu chuyện “hậu trường” chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội như về quà tặng hay quá trình soạn bức thư 1.000 chữ gửi tới mai sau... Phần viết về Hà Nội còn rất nhiều chi tiết hay, những câu chuyện đáng đọc về văn hóa, con người, về giải quyết đơn thư, xử lý những vấn đề gai góc, nhạy cảm mà người đứng đầu Đảng bộ Thủ đô từng trải nghiệm...

Khép lại những trang về Hà Nội là đến chương cuối của cuốn sách. Và đây có lẽ là chương thú vị nhất với chia sẻ của ông về “những niềm vui giản dị” mà ở đằng sau đó là thế giới quan, là nhân sinh quan của ông, xét cho cùng là một vị lãnh đạo với tâm thái nhẹ nhàng, giản dị khi trở về làm công dân bình thường: “Sau mười năm, lại được đi bộ trong công viên”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Đi tìm một vì sao” - hành trình của một chính khách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.