(HNM) -
Nhiều hạng mục của đền Đức Trần Triều xuống cấp. |
Đền thờ Đức Trần Triều được xây dựng hàng trăm năm nay, có kiến trúc hình chữ nhị gồm tiền tế và hậu cung. Đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và các danh tướng Phạm Ngũ Lão, Trần Xuân Thiều - những người có công lao to lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Do đền còn bảo
lưu được nhiều hiện vật có giá trị như sắc phong, tượng thờ, hoành phi, câu đối…, nên ngày 10-1-2003, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) có Quyết định số 47-QĐ/UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cho đền Đức Trần Triều. Hiện đền được giao cho ông Nguyễn Tiến Doanh, người thừa kế của dòng họ quản lý, trông nom.
Theo quan sát của phóng viên tại đền Đức Triều Trần, một số chi tiết ở mặt tiền đền bị bong tróc vữa, thủng lỗ chỗ; mái đền bị võng một số nơi. Hai góc phía giáp cửa gian tiền tế và bức tường đầu hồi bị nứt toác, thấm dột, ẩm mốc; vòm cuốn liên kết giữa các gian tiền tế bị gãy đôi, rất nguy hiểm. Ông Nguyễn Tiến Doanh cho biết: Sau khi xếp hạng, được sự hỗ trợ của UBND tỉnh Hà Tây (20 triệu đồng) và UBND xã Phù Lưu Tế, dòng họ cùng con cháu ông Doanh (công đức khoảng 100 triệu đồng), di tích đã được phục dựng, tôn tạo trên cơ sở giữ nguyên trạng. Tuy nhiên từ đó đến nay, đền không được trùng tu nên tiếp tục xuống cấp.
Theo ông Nguyễn Tiến Doanh, không những xuống cấp, khuôn viên rộng khoảng 1.000m2 của đền hiện chỉ còn một phần. Nguyên do là từ năm 1987, các thành viên gia đình ông Doanh - những người có quyền lợi liên quan và đại diện nội tộc đã chia di tích thành 4 phần, trong đó 3 phần được các hộ sử dụng làm nhà ở, vườn. Lo lắng việc này sẽ ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của đền, ông Doanh làm đơn đề nghị UBND xã và các cơ quan chức năng can thiệp, trả lại toàn bộ phần đất các hộ đang sử dụng cho di tích. Tuy nhiên, trong hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm do TAND huyện Mỹ Đức và TAND tỉnh Hà Tây tuyên năm 2000 đã công nhận 3 phần đất các hộ đã ở nói trên.
Từ năm 2000 đến nay, ông Doanh liên tục có đơn đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại bản án, trả lại nguyên trạng đất cho di tích, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Đáng nói, hiện nay đã có 3 thửa trong khuôn viên đền cũ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ). Trong khi đó, theo văn bản trả lời của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Mỹ Đức, từ khi 2 bản án có hiệu lực đến nay, cơ quan này chưa ban hành quyết định phần theo đơn yêu cầu của các đương sự liên quan đến vụ án. Như vậy có thể thấy việc phân chia tài sản theo bản án chưa được thực hiện. Nhưng khi trao đổi với phóng viên về căn cứ cấp sổ đỏ cho 3 thửa đất trong khuôn viên đền cũ, ông Nguyễn Hữu Chức, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lưu Tế cho biết: “Căn cứ vào bản án phúc thẩm đã tuyên và hồ sơ xin cấp sổ đỏ của các hộ, UBND xã đã hoàn thiện hồ sơ trình UBND huyện cấp theo quy định”.
Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là ngôi đền đang trong tình trạng xuống cấp nhưng các cơ quan chức năng huyện Mỹ Đức vẫn chưa giải quyết dứt điểm vụ việc, gây bức xúc cho người dân và ảnh hưởng đến công tác bảo tồn di tích lịch sử này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.