Theo dõi Báo Hànộimới trên

Di tích gánh họa

Hiền Dung| 05/01/2011 07:14

(HNM) - Như Hànộimới đã thông tin, dự án cải tạo, chỉnh trang tường Thành cổ Sơn Tây (Hà Nội) do Ban đầu tư xây dựng thị xã Sơn Tây đang triển khai thực hiện thì Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH,TT&DL) yêu cầu tạm dừng một số hạng mục do cách thức triển khai dự án chưa được sự đồng ý của Cục.

Nhiều cuộc họp đã diễn ra xung quanh vấn đề này và trong cuộc họp giữa Hội đồng Di sản (Bộ VH,TT&DL) với thị xã Sơn Tây vào ngày 28-12-2010 vừa qua, một lần nữa Cục Di sản Văn hóa (DSVH) giữ nguyên quan điểm cũ, trong khi thị xã tiếp tục đề nghị cho dự án được triển khai. Mỗi người một ý, ai cũng có cái lý của mình, kết quả là di tích quý giá của quốc gia phải gánh chịu mọi hậu quả.

Một góc thành cổ Sơn Tây. Ảnh: Bá Hoạt

Cần thiết phải cải tạo, chỉnh trang

Báo cáo kết quả khảo sát và thám sát hệ thống tường Thành cổ Sơn Tây do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thực hiện nêu rõ: Thành được xây dựng năm 1822 dưới thời Vua Minh Mạng, theo kiến trúc kiểu thành Vauban (một loại thành quân sự của Pháp). Tường thành cao 4,5m, dày từ 1,25-1,35m, xây vát lên bằng đá ong, khít mạch, phía trong đắp đất theo kiểu thoải dốc chân đê để giữ tường thành. Đây là thành quân sự điển hình, làm phên dậu cho phía Tây của Bắc Thành Hà Nội xưa. Song, hiện nay, hầu hết các đoạn tường thành đã bị sạt lở và xuống cấp nghiêm trọng, chỉ còn chân móng. Từ thực trạng đó, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đề nghị cần thiết phải phát quang hệ thống mặt bằng làm lộ rõ hiện trạng của những đoạn tường thành còn lại. Những cây cổ thụ đang sống trên mặt tường thành phải có phương án bảo tồn vì bản thân chúng cũng là những minh chứng lịch sử, những cây nhỏ, cây bụi cần có kế hoạch triệt hạ để chúng không gây hại đến tường thành. Còn đối với tường thành, việc trước mắt nên làm là bảo tồn nguyên trạng phần móng còn lại, xây xếp thêm đá ong lên những đoạn bị sạt mất nhiều để có thể tái hiện toàn bộ hệ thống tường thành của di tích. Như vậy, có thể nói rằng, việc cải tạo, chỉnh trang tường Thành cổ Sơn Tây là cần thiết.

Mỗi người một phách

Căn cứ vào kết quả thám sát, UBND thị xã Sơn Tây đã xin chủ trương lập dự án cải tạo, chỉnh trang tường Thành cổ Sơn Tây và được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận tại Quyết định số 781/QĐ-UBND ngày 16-2-2009. Dự án cũng đã được Bộ VH,TT&DL thỏa thuận tại Công văn số 1699/BVHTTDL-DSVH ngày 21-5-2010 và lưu ý: "Việc phát lộ để làm rõ toàn bộ hiện trạng tường thành cần bảo đảm nguyên tắc không được làm ảnh hưởng tới móng và tường thành cũ... Tu bổ, bảo tồn nguyên trạng các góc tường thành cũ và không xây phục hồi tường thành mới mà chỉ tái định vị, lắp đặt các viên gạch đá ong gốc bị bong, lở trên các đoạn tường thành này… Đối với các đoạn tường thành bị mất hoàn toàn thì trồng cây thành hàng rào…". Sau khi phát lộ thí điểm 117,5m tường thành, thị xã Sơn Tây thấy phương án của Bộ đưa ra chưa thực sự khả thi nên tiếp tục có văn bản số 952, ngày 7-10 xin phép Cục DSVH cho tu bổ đoạn tường thành đã phát lộ với chiều cao 1,5m.

Rắc rối xảy ra khi Cục DSVH không có ý kiến phúc đáp, còn thị xã Sơn Tây lại cho rằng việc trồng cây thành hàng rào vào những đoạn tường thành bị mất theo lưu ý của Bộ là không hợp lý vì làm như vậy sẽ không thể đắp đất ở phía sau tường thành, hơn nữa nước mưa đọng lại ở móng tường thành cũ sẽ phá hủy tường thành gốc. Việc tái định vị các viên đá ong cũ cũng không thể thực hiện được do không có đá ong gốc. Từ thực tế đó, thị xã Sơn Tây đã triển khai việc cải tạo, chỉnh trang tường Thành cổ Sơn Tây theo phương án: Giữ nguyên tường thành cũ, xếp đá ong mới cao 1,3-1,5m, thụt vào 3-5cm bằng phương pháp thủ công so với tường thành cũ để có thể phân biệt được đâu là tường thành cũ, đâu là phần mới lắp dựng. Phía trong tường đắp đất theo kiểu thoải chân đê, trồng cỏ lên và làm cống thoát nước bên dưới. Toàn bộ cây cổ thụ, cây quý trên mặt tường thành được giữ nguyên, chỉ chặt bỏ các cây dại gây hại cho di tích. Theo lý giải của đơn vị thi công thì chiều cao 1,3-1,5m là phù hợp với tầm nhìn của người Việt Nam và không gian cảnh quan của di tích. Hiện 117,5m tường Thành cổ Sơn Tây đã được hoàn thành theo cách này nhưng bị Cục DSVH "tuýt còi", rồi dư luận lên án là phá hoại di tích…

Đáng nói là Cục DSVH yêu cầu đơn vị thi công dừng việc xếp gạch tường thành vào ngày 19-11-2010, hoàn thiện các hồ sơ liên quan và có tờ trình gửi về Cục DSVH trong thời gian sớm nhất, đến nay, mọi thủ tục, hồ sơ đã hoàn thiện nhưng Cục vẫn chưa đưa ra phương án nào khả dĩ hơn. Hơn thế, trong cả hai cuộc họp giữa các nhà quản lý, nhà khoa học với thị xã Sơn Tây vào ngày 25-11 và 28-12 năm 2010, các đại biểu tham dự đều cho rằng, việc phát lộ, thám sát toàn bộ tường thành để làm rõ giá trị kiến trúc của di tích là cần thiết; đơn vị thi công, đơn vị tư vấn cũng đã thực hiện dự án khá bài bản, có trình độ chuyên môn và không làm ảnh hưởng tới yếu tố gốc của di tích, nhưng kết luận đưa ra vẫn là: "Cần tìm kiếm thêm tư liệu làm căn cứ khoa học trước khi ra phương án cải tạo cuối cùng". Tuy nhiên, thời gian tìm kiếm, nghiên cứu tư liệu là bao lâu thì không ai giới hạn.

Về vấn đề này, ông Trần Đức Minh, Trưởng ban Đầu tư xây dựng thị xã Sơn Tây, đơn vị thi công dự án cho biết: Không thể thực hiện theo yêu cầu của Bộ vì như vậy chỉ sau một thời gian, nước mưa ngấm xuống, ụ đất phía trong đổ vào sẽ làm ảnh hưởng tới nền móng và những viên gạch còn lại của tường thành. Cũng theo ông Minh, hình ảnh tư liệu về di tích hiện không còn nhiều, chủ yếu là bức ảnh do người Pháp chụp vào thế kỷ XIX. Vì vậy, trong thời gian chờ Cục DSVH đưa ra phương án tối ưu, đơn vị thi công sẽ xếp đá ong theo phương án cũ vào những đoạn tường thành đã phát lộ để bảo vệ di tích. Nếu Cục DSVH đưa ra phương án nào khác thì đơn vị thi công chuyển đá ong đi là xong.

Chưa có ngay được một phương án thống nhất đồng nghĩa với việc di tích phải gánh chịu mọi hậu họa, vì nếu phát lộ xong rồi để nguyên như vậy, không những di tích bị mất dần đi yếu tố gốc mà còn gây mất mỹ quan đô thị và lãng phí tiền của. Còn nếu cải tạo toàn bộ tường thành theo phương án thị xã Sơn Tây đang làm rất có thể tạo ra cảm giác nhìn di tích giống cái bờ đê hay miệng giếng như một số nhà khoa học nhận định. Do đó, việc cần làm ngay bây giờ là các cơ quan liên quan phải sớm đưa ra phương án cải tạo, chỉnh trang tường Thành cổ Sơn Tây sao cho vừa giữ được yếu tố gốc của di tích, vừa phù hợp với không gian, cảnh quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di tích gánh họa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.